Ngày 21/4, tại trụ sở trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm khoa học “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”.

Đây là diễn đàn nhằm kết nối các nhà quản lý của các bộ, ngành trung ương và các địa phương, các nhà khoa học khối nông - lâm - ngư toàn quốc, các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư và khởi nghiệp từ nông nghiệp; các học sinh, sinh viên yêu nông nghiệp để hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng - nông dân giàu có - nông thôn văn minh.   

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Vấn đề kết nối giữa nhà trường - doanh nghiệp không phải là mới, các nước phát triển đã làm rất tốt. Đây là hoạt động thường xuyên, tất yếu trong đào tạo, kết nối cung - cầu về nhân lực. Bên cạnh đó, nhà trường - doanh nghiệp sử dụng lao động phải thực sự đồng hành với nhau vì sự phát triển chung.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm

Việc kết nối nhà trường - doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng hay tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tốt nghiệp, mà còn ở nhiều phương diện khác như: Xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học và đặt hàng đào tạo, xác định chuẩn đầu ra… Có như vậy mối gắn kết mới đi vào thực chất, hiệu quả…”.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn đối với các cơ sở đào tạo.

Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Tọa đàm

Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại buổi tọa đàm, giới thiệu về mô hình gắn kết nhà trường và doanh nghiệp được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong những năm qua, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năm học 2017 - 2018, Học viện đã xây dựng 33 ngành đào tạo đại học với 77 chương trình đào tạo đại học, 20 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 20 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động đa dạng ở trong nước và quốc tế.

Các sinh viên tham gia ứng tuyển tại khu vực tuyển dụng của công ty Mavin

Bên cạnh tiến hành đa dạng hóa chương trình đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, Học viện đã hợp tác với 150 doanh nghiệp trong nước và 30 doanh nghiệp nước ngoài trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Hằng năm, có gần 500 sinh viên được cử đi Nhật Bản học tập. Học viện cũng đang tích cực xúc tiến việc cử sinh viên đi học tập, thực tập ngắn hạn (thời gian dưới 1 năm) ở nước ngoài.

Hàng năm, nhà trường tổ chức Ngày hội việc làm nhằm mang đến những cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên cũng như giúp các doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao mà không tốn kém nhiều chi phí.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cho hay, dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành nông, lâm, ngư nghiệp sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Không những vậy, lao động nông nghiệp Việt Nam đang ở độ tuổi cao và thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Do vậy, theo bà, Chính phủ cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp và phát triển nông thôn; cần coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.

 

Lễ cắt băng khai mạc Ngày hội việc làm năm 2019

Nhằm tăng cường tính gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, ngày 21/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã phối hợp với 70 doanh nghiệp tổ chức Ngày hội việc làm 2019. Trong đó, 5 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng không giới hạn nhân sự.

Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm thứ 4 khoa Thú Y, trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, ngày hội việc làm là một hoạt động được nhà trường tổ chức thường niên, rất thiết thực đối với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp như em trong tìm kiếm việc làm ổn định, phù hợp với ngành nghề đào tạo. Đây cũng là cơ hội tốt cho các sinh viên khóa sau chủ động kết nối với các nhà tuyển dụng tiềm năng, có định hướng học tập và rèn luyện tốt để tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm tham gia Ngày hội việc làm, ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi Gia Công thuộc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết: Dabaco là 1 trong những doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài nên yêu cầu nguồn nhân lực phải đáp ứng được, phục vụ được và đi theo dây chuyền công nghệ.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi gà, lợn của Dabaco, việc sử dụng công nghệ tự động gần như hoàn toàn nên nguồn nhân lực yêu cầu phải được đào tạo bài bản, có chuyên môn nhất định về kỹ thuật tự động, chuyên môn chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh trong vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất sản xuất.

Qua ngày hội việc làm, công ty có điều kiện để tuyển chọn được nguồn nhân lực tốt, đáp ứng được nhu cầu đặt ra mà không tốn kém quá nhiều chi phí tuyển dụng, đào tạo.  Còn sinh viên, nhà trường thì nắm được những yêu cầu của doanh nghiệp để thay đổi định hướng học tập, hình thức đào tạo cho phù hợp.

Đến với Ngày hội việc làm năm 2019, công ty đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng từ 200 - 300 nhân lực, phục vụ cho nhu cầu phát triển các dòng sản phẩm mới và phát triển thị trường trong tương lai.

Mai Thảo