Tuyến trùng nốt sưng (Meloidogyne spp.) là những loài nội ký sinh cố định và cũng là một trong những loài dịch hại có phổ ký chủ gây hại rộng nhất, gây hại trên nhiều loài cây trồng khác nhau có giá trị kinh tế quan trọng ở nhiều khu vực khí hậu khác nhau. Hiện nay, có khoảng hơn 4100 loài tuyến trùng ký sinh thực vật gây thiệt hại về kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp ước tính gần 125 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 14% tổng sản lượng lương thực thế giới.

Tuyến trùng nốt sưng xâm nhập và tạo ra triệu chứng là những u sưng trên rễ và làm tổn thương rễ cây. Rễ cây nhiễm bệnh sẽ bị thay đổi khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng từ đó ảnh hưởng đến sự vận chuyển các khoáng chất và khả năng quang hợp của thực vật. Rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra tuyến trùng làm tổn thương rễ cây từ đó trở thành môi giới lan truyền nhiều bệnh hại quan trọng trên đồng ruộng,

Trong những thập kỷ gần đây, việc sử dụng quá nhiều thuốc hóa học phòng trừ tuyến trùng đã dẫn đến những tác động tiêu cực cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Bởi vì những tác động không mong muốn đó cùng với tỷ lệ loài tuyến trùng kháng thuốc hóa học tăng lên dẫn đến nhiều loại thuốc tuyến trùng đã bị rút ra khỏi thị trường. Vì vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu các biện pháp khác thay thế cho biện pháp hóa học, an toàn với môi trường và sức khỏe con người trở nên có ý nghĩa rất quan trọng. Việc sử dụng các nấm đối kháng trong phòng chống bệnh tuyến trùng đã được nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, tuy nhiên các nghiên cứu này ở Việt Nam còn ít được đề cập đến.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, nhóm nghiên cứu do ThS. Nguyễn Thị Thanh Hồng Bộ môn Bệnh cây – Khoa Nông học đã đề xuất thực hiện đề tài cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tên đề tài là: “Đánh giá khả năng phòng chống sinh học tuyến trùng nốt sưng hại một số cây trồng cạn (Meloidogyne spp.) bằng nấm đối kháng Trichoderma spp. và Chaetomium spp.” Thời gian thực hiện đề tài từ tháng 1/2023 đến tháng 12/2023. Mục tiêu của đề tài là đánh giá khả năng phòng chống tuyến trùng nốt sưng (Meloidogyne spp.) gây hại trên cây trồng cạn của 2 nấm đối kháng Trichoderma sp. và Chaetomium sp.

Sau thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả như đã đánh giá được ảnh hưởng của nấm Trichoderma spp. và Chaetomium sp. đến tỷ lệ nở của trứng và tỷ lệ chết của tuyến trùng tuổi 2 tuyến trùng nốt sưng (Meloidogyne spp.), khả năng ký sinh của 2 nấm đối kháng trên với trứng, tuyến trùng tuổi 2 và trưởng thành cái của của tuyến trùng nốt sưng. Bên cạnh đó, đề tài cũng đánh giá được ảnh hưởng của 2 nấm Trichoderma spp. và Chaetomium sp. tới một số chỉ tiêu liên quan đến sự nhân lên của tuyến trùng như số u sưng/rễ và số trứng/túi trứng  cũng như cây cà chua bị nhiễm tuyến trùng trồng trong chậu vại.

leftcenterrightdel
 

 Rễ cây cà chua bị nhiễm tuyến trùng (A), Tuyến trùng nốt sưng trưởng thành cái (B), Tuyến trùng nốt sưng tuổi 2 (C)

 

Nguyễn Thị Thanh Hồng – khoa Nông học