Ảnh: Mạnh Thắng 

Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây, ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Đây là kết quả triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2017.

Tham dự sự kiện còn có ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Lê Quốc Phong – Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức – Cổ vũ sáng tạo – Vì tương lai Việt Nam”, đề án được khởi động vào dịp đầu năm mới nhằm lan tỏa thông điệp “Mọi ý tưởng, từng gõ phím đều vì cộng đồng”. Từ đây, người Việt có thể chung tay cùng xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, mọi nguồn lực trong xã hội có thể cùng tham gia phổ biến tri thức tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả, đơn giản.

Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 677 ngày 18/5/2017 hướng tới với mục tiêu xây dựng một Hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy phát triển đất nước.

Cấu trúc Hệ tri thức Việt số hóa, bao gồm 4 hợp phần chính tạo nên một “hệ sinh thái” đa dạng lần đầu tiên được phát triển tại Việt Nam đó là: hợp phần Dữ liệu, hợp phần Hệ tri thức, hợp phần Ngân hàng và hợp phần Kho ứng dụng.

Tại Quyết định phê duyệt Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ, không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân. Tham gia phát triển Hệ tri thức Việt số hóa là một cách hiệu quả trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Được hiện thực hóa tại http://itrithuc.vn, Hệ tri thức Việt số hóa hứa hẹn sẽ tạo ra một “hệ sinh thái” toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn IoT, trí thông minh nhân tạo… đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. 

Đại diện các tổ chức, cộng đồng và cá nhân ký kết đóng góp vào hệ tri thức Việt số hoá.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện tham gia ký kết (đầu tiên từ phải sang)

Đồng hành cùng Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” của Chính phủ, từ năm 2017, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai đề án khuyến nông điện tử. Đây là phương thức tiếp cận khuyến nông mới, mang lại hiệu quả cao, khai thác được các thế mạnh của nông hộ, tăng hiệu quả tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, khuyến nông điện tử càng có tính chất xã hội hóa cao khi có sự tham gia liên kết của các công ty viễn thông và các doanh nghiệp nông nghiệp.

Cũng tại lễ khởi động, đại diện các Bộ, ngành, cơ quan chính phủ, đại diện các tỉnh thành, đơn vị giáo dục, nghiên cứu, doanh nghiệp viễn thông, công ty khởi nghiệp, diễn đàn mạng xã hội, ngân hàng và cả các cá nhân cũng đã tình nguyện tham gia đăng ký cam kết sẽ đóng góp xây dựng dự án. Sự hợp nhất chung từ các thành phần, tổ chức từ nhiều lĩnh vực đa dạng trong xã hội đã minh chứng cho sức hút của dự án cũng như khát vọng mang lại một nền tri thức toàn diện, hiện đại, tổng hợp cho người Việt từ chính nỗ lực của người Việt.

Theo tiến độ triển khai đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra tại quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”, trong các năm tiếp theo sẽ tiếp tục tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa; thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một “hệ sinh thái số” do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội.