Ngày 27/9/2024 tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học:“Mô hình áp dụng giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tại Lai Châu theo liên kết chuỗi giá trị”. Hội thảo khoa học là hoạt động hữu ích nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia cho mô hình áp dụng giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh thuộc khuôn khổ thực hiện đề tài “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm duy trì và nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu theo chuỗi liên kết” do TS. Phí Thị Diễm Hồng chủ nhiệm.
Tham dự Hội thảo có đại diện từ cơ quan quản lý: Sở KH&CN tỉnh Lai Châu, gồm Bà Bùi Thị Lệ Dung – Phó Giám đốc Sở; Bà Nguyễn Thị Phượng và Ông Nguyễn Quang Huy – Chuyên viên chính Phòng quản lý KH&CN. Đại diện chính quyền địa phương huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu Ông Vũ Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND huyện. Đại diện cơ quan chủ trì: Học viện Nông nghiệp Việt Nam gồm: Bà Phí Thị Diễm Hồng – Chủ nhiệm đề tài (Chủ trì Hội thảo); Ông Nguyễn Đăng Học – Thư ký đề tài (Thư ký Hội thảo); Bà Lê Thị Minh Châu, Bà Trần Thị Thương, Bà Phan Lê Trang, Bà Vũ Thị Hải – Thành viên đề tài. Đồng thời, tham dự hội thảo còn có các nhà khoa học, chuyên gia cùng các thành viên HTX trên địa bàn.
|
Quang cảnh hội thảo |
Trong buổi hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày 5 bài tham luận, gồm (1) Mô hình áp dụng giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tại Lai Châu theo chuỗi giá trị (Bà Lê Thị Minh Châu – Học viện Nông nghiệp Việt Nam); (2) Kết quả thực hiện chương trình và một số giải pháp duy trì, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Hoàng Đình Chinh – Văn Phòng NTM tỉnh, Sở NN&PTNT và Trần Thị Thương – Học viện Nông nghiệp Việt Nam); (3) Một số giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (Nguyễn Văn Hoà – Phòng Nông nghiệp huyện Nậm Nhùn & Phan Lê Trang – Học viện Nông nghiệp Việt Nam); (4) Đánh giá thuận lợi khó khăn trong duy trì và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sìn Hồ giai đoạn 2020-2023 (Nguyễn Văn Liêm – Phòng Nông nghiệp huyện Sìn Hồ) và Hoàng Thị Mai Anh – Học viện Nông nghiệp Việt Nam); (5) Thuận lợi và khó khăn của chủ thể OCOP trong mô hình áp dựng giải pháp duy trì và nâng cao giá trị Sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị – Kết quả áp dụng giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP tại Hợp tác xã Mý Dao (Tẩn Mý Dao – HTX Mý Dao & Nguyễn Thị Hải Bình – Học viện Nông nghiệp Việt Nam).
|
Các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến |
Các đại biểu đều thống nhất ý kiến các sản phẩm hỗ trợ của đề tài như bao bì sản phẩm, QR code, tem nhãn, video quảng quá sản phẩm, các lớp bổ sung kiến thức về marketing, tài chính... đã gắn chặt chẽ với hoạt động kinh doanh của 2 mô hình HTX được lựa chọn. Đồng thời, tỉnh Lai Châu cần tạo điểm nhấn đặc trưng cho mỗi loại sản phẩm OCOP tiềm năng/thế mạnh của vùng. Hiện nay, chính sự phát triển dàn trải các sản phẩm OCOP có tính chất tương tự nhau dẫn tới hạn chế phát triển thị trường, làm giảm sự nhận diện và tăng sự phân vân trong lựa chọn của sản phẩm cho khách hàng. Đặc biệt, nhận thức của các chủ thể tham gia chương trình OCOP tuy đã có sự chuyển biến nhưng tư duy tâm thế thay đổi trong sản xuất kinh doanh cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ của đội ngũ quản lý HTX vẫn còn hạn chế. Nguồn lực tài chính cho phát triển sản phẩm OCOP còn thấp. Nguồn nguyên liệu phát triển sản phẩm OCOP chưa được quy hoạch rõ ràng, đôi khi không đảm bảo sản lượng nguyên liệu cho sản xuất... Nguyên nhân do người dân vẫn còn tình trạng thay đổi trồng các loại cây theo xu hướng phát triển nóng trong ngắn hạn của thị trường, chứ không quan tâm đến sự phát triển sản phẩm OCOP trong dài hạn...
|
|
Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo |
Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp. Nội dung các bài tham luận và các ý kiến thảo luận, trao đổi của các đại biểu tại Hội thảo là thông tin khoa học hữu ích và căn cứ thực tiễn quan trọng để nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất giải pháp duy trì và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP theo liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Trần Thị Thương & Phan Lê Trang
Nhóm NCM Hợp tác, liên kết trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp