Xây dựng mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước...là những hỗ trợ từ VCIC tới các công ty, doanh nghiệp khởi nghiệp.
|
|
Các diễn giả tham gia tọa đàm |
Trong 3 ngày ( 2- 4/10), BQL Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” phối hợp Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình huấn luyện cho các nhóm dự án vòng 2 chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020.
Những kinh nghiệm được sẻ chia
Tại Chương trình huấn luyện khởi nghiệp dành cho các dự án được lọt vào vòng 2 Chương trình Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020 tập trung vào 8 chuyên đề: Khởi nghiệp tinh gọn; Chia sẻ câu chuyện thành công với với doanh nghiệp VCIC; Vai trò của cơ sở dữ liệu công nghệ với việc phát triển sản phẩm mới; Marketting và định vị thương hiệu; Sức mạnh của bộ sản phẩm truyền thông; Mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường; Làm thế nào để có một dự án suất sắc.
Từ 2014 đến nay, chương trình đã thu hút gần 1.300 ý tưởng, dự án khởi nghiệp dự thi đến từ các trường cao đẳng, đại học và nhiều địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, các dự án từ chương trình "Khởi nghiệp nông nghiệp" đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi "Khởi nghiệp quốc gia"; nhiều dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho cộng đồng; tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động ở các địa phương, tạo tiếng vang lớn trong xã hội.
|
Trong khuôn khổ Chương trình huấn luyện kỹ năng khởi nghiệp, vào chiều 2/10, BQL Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Giới thiệu cơ sở dữ liệu công nghệ phục vụ ươm tạo và chia sẻ câu chuyện thành công của một số doanh nghiệp VCIC”.
Chia sẻ những câu chuyện về khởi nghiệp với các bạn học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Khắc Nhật - Đồng sáng lập Học viện Agile; Đồng sáng lập CodeGym cho biết: Startup đều bắt đầu từ những mục tiêu chưa thực sự rõ ràng, nguồn lực hạn chế, rủi ro cao khiến người sáng lập rất cô đơn trên con đường tìm kiếm bạn đồng hành, trong khi đó, bất cứ doanh nghiệp nào khi khởi nghiệp cũng đều muốn tiến xa.
Vậy để các Startup có thể tiến xa thì mỗi người cần phải những kỹ năng nhất định. Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là một bước đệm quan trọng giúp bạn tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lí do ngoài ý muốn.
Đồng quan điểm này, Ông Nguyễn Hữu Xuyên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng: Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất khi bắt đầu con đường làm giàu của mình đó là bản thân bạn phải có một sự sáng tạo vượt bậc.
Bởi vì chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa bạn và đối thủ, chỉ có sự sáng tạo hơn người mới có thể giúp bạn nhìn thấu toàn bộ thị trường hiện tại, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh cho riêng mình.
Kế hoạch này không nhất thiết phải bao gồm những ý tưởng kinh doanh chưa ai biết đến hay những ý tưởng mới hoàn toàn chưa ai nghĩ đến, mà nó phải tạo nên sự đột phá và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn.
Sự khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp là điểm tựa quan trọng cho bạn trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này. Vậy thì, thay vì tranh giành miếng bánh với các đối thủ lớn trên thị trường ra đời sớm hơn mình, mạnh hơn mình, nhiều kinh nghiệm hơn mình thì chúng ta có thể tự tìm ra một miếng bánh mới – mà tại đó chúng ta chính là người dẫn đầu.
Một trong những yếu tố quan trọng khác khi bạn muốn khởi nghiệp đó là vốn khởi nghiệp kinh doanh. Đây là nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là một đòn bẩy cho sự thành công của bạn. Tuy nhiên, nhiều bạn quên đi điều cốt lõi rằng khởi nghiệp cũng tương tự như bất kỳ nghề nghiệp nào, đều phải bắt đầu từ việc có tư duy đúng đắn và được đào tạo bài bản để có kiến thức, kỹ năng làm nghề.
Nhiều khóa đào tạo được triển khai
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Đức Nghiệm – Giám đốc VCIC chia sẻ “Trong 5 năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, VCIC đã xây dựng được mối quan hệ đối tác với các tổ chức, hiệp hội đầu tư, xúc tiến thương mại quốc tế như Hàn Quốc, Úc, Hà Lan, Đan Mạch,… và các nhà đầu tư tư nhân uy tín trong nước. Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức chính là nhiệm vụ cốt lõi của VCIC, đồng thời chúng tôi đang phối hợp với các chuyên gia của Ngân hàng thế giới triển khai chương trình VCIC Connect – chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và xúc tiến thị trường quốc tế nhằm mang đến nhiều cơ hội hợp tác hơn nữa cho doanh nghiệp Việt Nam”.
|
|
Ông Phạm Đức Nghiệm và ông Nguyễn Tất Thắng trao chứng chỉ cho các học viên |
Nhiều công ty đã nhận được sự hỗ trợ của VCIC như hỗ trợ về tập huấn các khóa đào tạo liên quan đến xây dựng mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ, kết nối chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhận được sự hỗ trợ về tư vấn phát triển công nghệ, kết nối chuyên gia, truyền thông và xúc tiến đầu tư, xây dựng kênh bán hàng,… mở ra những cơ hội hợp tác đa phương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Phạm Đức Nghiệm đã chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam gặp phải. Theo ông Nghiệm hiện nay các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đang gặp đó là chính sách chưa đồng bộ, thiếu các chính sách thu hút nguồn lực từ xã hội, sự tham gia của các chủ thể, trường đại học, viện nghiên cứu còn rất hạn chế.
Chính sách hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, các cá nhân các đầu tư thiên thần cần phải được cụ thể hóa trong các quy định chuyên ngành về tín dụng và đầu tư. Các nước phát triển đều có chính sách riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng ở Việt Nam đang áp dụng chung và nhiều thủ tục rườm rà.
Bên cạnh đó, khó khăn về chuyên gia, mạng lưới chuyên gia đỡ đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa được hình thành. Doanh nghiệp khởi nghiệp không chỉ cần tiền mà rất cần các dịch vụ hỗ trợ về tri thức và chuyên gia. “Được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ, VCIC đang xây dựng và sớm đưa vào vận hành hệ thống kết nối chuyên gia phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam”.
“Ý tưởng, tiền là quan trọng nhưng dám ước mơ, có tinh thần quyết tâm đi đến cùng để biến ý tưởng, giấc mơ thành hiện thực thì các bạn trẻ mới có thể khởi nghiệp thành công”, ông Phạm Đức Nghiệm khẳng định.
Kết thúc chương trình đào tạo ông Nguyễn Tất Thắng và ông Phạm Đức Nghiệm đã trao giấy chứng nhận và chúc mừng các thí sinh đã hoàn thành xuất sắc chương trình huấn luyện.
Chương trình Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020 không giới hạn độ tuổi, khuyến khích tính mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ và khả năng thương mại hoá cũng như hướng tới thị trường quốc tế.
Chương trình gồm 3 vòng:
Vòng 1: Tuyển chọn ý tưởng. Ban tổ chức sẽ thu các ý tưởng dự án từ nay đến hết tháng 7/2020. Các ý tưởng được trình bày ngắn gọn trong 2 trang A4, theo mẫu của Hội đồng khởi nghiệp quốc gia.
Vòng này tập trung phát hiện các ý tưởng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, giải quyết các vấn đề thiết thực trong thực tiễn…
Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp. Và sau thời gian chọn lọc, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được ra 32 ý tưởng vòng 2.
Vòng 2: Xây dựng, phát triển và hoàn thiện dự án. Ban tổ chức tổ chức chấm ý tưởng dự án, tìm ra các ý tưởng xuất sắc, có giá trị để tiếp tục hỗ trợ các nhóm thanh niên, sinh viên phát triển thành các đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mời các chuyên gia hàng đầu tổ chức các lớp đào tạo kiến thức, kĩ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tư vấn hướng dẫn các nhóm sự án hoàn thiện ý tưởng và dự án khởi nghiệp.
Chương trình đào tạo cho 32 ý tưởng vòng 2 này sẽ diễn ra từ ngày 2/10 đến 4/10.
Vòng 3: Chung kết. Ban tổ chức và hội đồng giám khảo tổ chức đánh giá tìm ra 5 dự án xuất sắc vào chung kết Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020. Hỗ trợ các nhóm dự án hoàn thiện sản phẩm, phát triển các giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ kết quả đánh giá của Hội đồng Giám khảo, Ban tổ chức sẽ trao: 01 giải Nhất; 01 giải Nhì; 02 giải Ba; 02 giải Khuyến khích; 01 giải dự án được yêu thích nhất. Ngoài ra, các nhóm giải nhất và giải nhì cuộc thi sẽ được Ban tổ chức cuộc thi tài trợ kinh phí tham gia cuộc thi SLUSH tại Phần Lan 2021.
|
Thu Trang - https://infonet.vietnamnet.vn