Ngày 17 tháng 02 năm 2020, đúng kỷ niệm 41 năm ngày mở đầu của Chiến dịch Biên giới phía Bắc, 2 ngày sau, tức ngày 19 tháng 2 năm 2019 cũng là dịp kỷ niệm tròn 41 năm ngày ra đi của Liệt sĩ Mai Xuân Phóng, cựu sinh viên khóa XIII khoa Thú y. Nhân dịp này, đại diện gia đình liệt sĩ là ông Mai Văn Toàn là em trai ruột của liệt sĩ Mai Xuân Phóng và là người trực tiếp đi tìm phần mộ của liệt sĩ đã có mặt tại Học viện, xúc động gửi lời cảm ơn và kính tặng Học viện di ảnh của Liệt sĩ.
Buổi gặp mặt có TS. Nguyễn Tất Thắng - Trưởng Ban CTCT&CTSV, Chủ tịch Công đoàn Học viện; TS. Vũ Văn Tuấn - Phó trưởng Ban CTCT&CTSV; ThS. Nguyễn Ngọc Ánh - Phó trưởng Ban chỉ huy Quân sự Học viện.
Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của nhân dân Việt Nam diễn ra trong vòng khoảng một tháng (từ 17/2 - 18/3/1979) nhưng có ý nghĩa thắng lợi rất to lớn, thêm một lần nữa khẳng định ý chí, sức mạnh bền bỉ của nhân dân Việt Nam quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc. Để giành thắng lợi, nhân dân Việt Nam cũng chịu những tổn thất nặng nề: hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ thương vong; hàng chục ngàn dân thường bị thiệt mạng. Các thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn, Cam Đường, Lào Cai gần như bị hủy diệt hoàn toàn; tổng cộng có 320 xã, 735 trường học, 41 nông trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 38 lâm trường bị tàn phá; 400.000 gia súc bị giết, bị cướp. Khoảng 50% trong tổng số 3,5 triệu người ở 6 tỉnh biên giới bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.
Trong Chiến dịch này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng có nhiều sinh viên tham gia vào chiến đấu theo tiếng gọi của tổ quốc. Trong đó, tiêu biểu có liệt sĩ Mai Văn Phóng. Liệt sĩ Mai Xuân Phóng là sinh viên khóa XIII khoa Thú y, năm 1979 liệt sĩ được nhà trường (lúc bấy giờ là trường Đại học Nông nghiệp I) phân lên Cao Bằng thực tập tại Trại Trâu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại xã Chu Trinh, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Khi quân Trung Quốc xâm lược tràn sang, liệt sĩ Mai Xuân Phóng đã gia nhập dân quân địa phương và Trung đoàn 346 quân đội cầm súng chiến đấu để bảo vệ non sông đất nước và đã anh dũng hy sinh vào ngày 19/2/1979.
Công cuộc đi tìm phần mộ liệt sĩ của gia đình cũng gặp muôn vàn gian nan. Sau các cuộc tìm kiếm: 16 lần lên Cao Bằng, 01 lần lên Lạng Sơn, 01 lần đi Hải Phòng, 01 lần đi Bình Phước, 03 lần đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam, qua nhiều lần làm việc, tìm hồ sơ và được Ban lãnh đạo cũng như cán bộ của Học viện mà trực tiếp là Ban CTCT&CTSV giúp đỡ tận tình, thì đến ngày 01 tháng 02 năm 2018, gia đình liệt sĩ Mai Xuân Phóng đã tìm được phần mộ của liệt sĩ và đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Cao Bằng khai quật và chuyển hài cốt liệt sĩ lên nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cao Bằng làm lễ truy điệu và chôn cất ở đó.
Gia đình liệt sĩ đã gửi tặng Học viện một bức ảnh chân dung của liệt sĩ Phóng để Học viện lưu giữ vào tư liệu truyền thống những thành tích tự hào của sinh viên Học viện. Qua đây, ông cũng thay mặt gia đình gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban lãnh đạo Học viện cùng Ban CTCT&CTSV đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho gia đình trong suốt thời gian qua.
Chiến tranh đã qua đi, nhưng những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ nói chung và liệt sĩ Mai Xuân Phóng nói riêng đối với non sông đất nước là vô cùng to lớn và đáng tự hào. Các liệt sĩ đã sẵn sàng “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu” vì độc lập, vì tự do của đất nước không ngại máu xương, không ngại hy sinh mất mát. Các thế hệ cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn luôn ghi nhớ những công lao to lớn ấy, từ đó phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu để không phụ những công lao mà các thế hệ cha ông đã hy sinh chiến đấu cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam quang vinh ngày hôm nay.
Ban CTCT&CTSV thực hiện