Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, sản xuất rau an toàn đã và đang là một hướng phát triển có triển vọng và bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng nằm trong top cao của thế giới.

Từ trước tới nay, khi nhắc đến những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, người ta thường đề cập đến yếu tố “đầu ra”.  Không có “đầu ra” hoặc “đầu ra” không ổn định được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu cản trở sự phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, bức tranh về chuỗi cung ứng rau quả đã dần thay đổi. Cụ thể, đối với rau quả sản xuất an toàn, lượng khách hàng mục tiêu của thị trường trong nước ngày càng tăng lên và thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Trong những năm gần đây, rau quả Việt Nam đã được chào đón ở nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, châu âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Mặc dầu vậy, thì chuỗi cung ứng rau an toàn ra thị trường ngoài nước của Việt Nam vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức. Điểm mấu chốt không nằm ở việc không tìm được thị trường tiêu thụ mà nằm ở việc số lượng và chất lượng rau không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nhập khẩu.

Ở nước ta, nông dân là tác nhân chiếm đa số trong sản xuất nông nghiệp nói chung và rau trái nói riêng. Điều này là một trong các nguyên nhân cơ bản tạo nên thách thức về số lượng và chất lượng rau xuất khẩu: (1) Nông dân thường sở hữu diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, khó quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Do vậy khi xuất khẩu đòi hỏi một số lượng lớn rau, đồng bộ về giống và quy cách là khá khó khăn khi phải gom từ nhiều hộ nông dân khác nhau; (2) Điều kiện cơ sở vật chất còn thấp, chưa được đầu tư đúng mức như hệ thống nhà màng, kho lạnh bảo quản. Do vậy, nếu gặp thời tiết bất lợi thì việc không có nhà mái che, phải trồng ngoài trời sẽ mang lại rủi ro rất lớn. Sau khi thu hoạch không có hệ thống làm lạnh sơ bộ và kho lạnh sẽ dẫn đến sản phẩm rau tươi bị suy giảm chất lượng nhanh chóng; (3) Các kĩ thuật canh tác mới ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất rau an toàn được áp dụng chưa toàn diện do ảnh hưởng bởi lối tư duy và thói quen sản xuất cũ của người nông dân; (4) Việc quản lý sản xuất và quản lý an ninh còn lỏng lẻo do quy mô hộ nông dân nên gặp khó khăn trong bảo vệ an ninh khu vực canh tác. Dẫn đến nhiều trang trại sản xuất đã bị kẻ gian đột nhập bất hợp pháp vào trang trại để kích giun như trong thời gian gần đây. Điều này ảnh hưởng đến môi trường, đến chất lượng sinh trưởng phát triển của rau quả. Tất cả các điều đó dẫn đến những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo về số lượng và chất lượng rau an toàn xuất khẩu.

Để góp phần giải quyết các thách thức trên, từng bước đưa rau trái được sản xuất theo quy mô hộ, liên hộ nông dân Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới, thì cần có sự phối hợp rất chặt chẽ của các bên liên quan: từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, cơ sở nghiên cứu khoa học kĩ thuật, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và từ chính các hộ nông dân sản xuất để đưa ra giải pháp khắc phục, trong đó: (1) Quy hoạch vùng sản xuất rau tập trung. Thành lập các HTX sản xuất rau. Từ đó có thể sản xuất được khối lượng rau lớn, đồng bộ về giống, về yêu cầu chất lượng; (2) Tổ chức tập huấn, đào tạo cho người sản xuất các kĩ thuật canh tác mới cho rau an toàn nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho nông dân; (3) Xây dựng mô hình điển hình về áp dung khoa học kĩ thuật sản xuất rau an toàn để người nông dân thăm quan, học hỏi; (4) Các cấp chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ xứng đáng đối với các hộ sản xuất có tiềm năng để giúp họ mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực. 

leftcenterrightdel
 Hình ảnh rau xuất khẩu từ quy mô hộ và liên hộ nông dân sang thị trường Hàn Quốc, được đánh giá là chưa đảm bảo về chất lượng sau 10 ngày vận chuyển đường biển.

 

TS. Vũ Thị Kim Oanh, Khoa Công nghệ thực phẩm