Ngày 03 tháng 6 năm 2023, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) đã tổ chức hội thảo tham vấn “Kết quả khảo sát chương trình đào tạo bậc đại học về chất lượng và an toàn thực phẩm” được thực hiện bởi công ty Alinea International với sự phối hợp của đại học Guelph.
Mục tiêu hội thảo là tham vấn ý kiến của các nhà quản lý thuộc cơ quan quản lý nhà nước, giảng viên từ trường đại học, nghiên cứu viên của viện nghiên cứu, lãnh đạo, nhân viên của doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức quốc tế… về thực trạng đào tạo bậc đại học về Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, từ đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp nói chung và công nghệ thực phẩm nói riêng.
Đồng chủ trì Hội nghị: TS. Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường, Phó trưởng Ban chỉ Đạo, tổ trưởng tổ công tác liên ngành của Dự án Safegro, GS. TS. NGƯT Nguyễn Thị Lan. Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện, Đại biểu quốc hội; GS. Lawrence Goodridge, Giám đốc Viện Nghiên cứu An toàn thực phẩm, Đại học Guelph, Canada.
Tham dự online: Ông Brian Bedard, Giám đốc Dự án Safegro, Ông Rolf Schoenert, chuyên gia quốc tế về Luật định và Chính sách,
Tham dự trực tiếp tại Hội trường có Ông John Duffill, Chuyên gia quốc tế về chuỗi giá trị, Ông Nguyễn Văn Thuận, trưởng phòng Chất lượng và Nông nghiệp hữu cơ, Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường, thành viên ban điều phối Dự án Safegro và các khối cơ quan gồm có:
- Khối cơ quan quản lý nhà nước: Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Cục An toàn thực phẩm.
- Khối các trường đại học: Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Bách hhoa Đà Nẵng, ĐH Nha Trang, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM, Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Viêt Nam.
- Khối các Viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế: Viện tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, Viện kiểm nghiệm VSATTP Quốc gia, Viện nghiên cứu rau quả, Viện Thú y, Cục Thú y, Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ILRI.
- Khối các Hiệp hội, doanh nghiệp: Hội khoa học công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Hiệp hội thực phẩm minh bạch, Hiệp hội sữa Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Nutricare, Công ty TNHH Thực phẩm Farina, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco, Công ty CP chế biến thực phẩm Hữu Nghị, Công ty Yakult Việt Nam, Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Chanh Việt.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Như Tiệp đã nêu rõ mục tiêu của dự án An toàn vì sự phát triển (Safego), đây là dự án tài trợ bằng nguồn vốn không hoàn lại của Chính phủ Canada hướng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng. Dự án không chỉ tác động, can thiệp để cải thiện hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm mà còn góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững. Xây dựng được chương trình đào tạo bậc đại học ngành/chuyên ngành Quản lý/đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hướng tới hội nhập quốc tế và đạt chuẩn quốc tế là điều cần thiết. Kết quả tham vấn ý kiến cho kết quả khảo sát hôm nay sẽ giúp các trường xây dựng được khung chương trình để đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
|
|
TS. Nguyễn Như Tiệp phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu chào mừng hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã thể hiện sự hiếu khách và vinh dự khi Học viện Nông nghiệp Việt Nam được đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dự án "An toàn thực phẩm vì sự phát triển" SAFEGRO, Đại sứ quán Canada để tổ chức Hội thảo “Thực trạng đào tạo bậc Đại Học chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm”. Hoạt động này cũng góp phần hưởng ứng “Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2023” với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” và Ngày An toàn Thực phẩm Thế giới (WFSD) lần thứ năm sẽ được tổ chức vào ngày 7 tháng 6 năm 2023. Giáo sư đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp, thực phẩm và chất lượng và cũng cung cấp thông tin về năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội của Học viện đối với ngành nông nghiệp. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo chuyên ngành đào tạo Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm được 12 năm, tuy nhiên, để tiếp tục cải tiến cũng như liên thông được chương trình, một số học phần giữa các trường trong nước và quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau đánh giá được điểm mạnh, điểm tồn tại của chương trình, từ đó nhìn thấy những cơ hội, thách thức để tìm ra giải pháp phù hợp. GS Lan cũng mong muốn hội thảo đóng góp thật nhiều ý kiến, giúp nhóm thực hiện dự án hoàn thiện được khung chương trình, giúp đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng được cơ bản kỳ vọng của các bên liên quan.
|
|
GS.TS. Nguyễn Thị Lan phát biểu chào mừng hội thảo |
Hội thảo đã được nghe 03 tham luận từ nhóm chuyên gia dự án
Tham luận 1: PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Tú (Đại học Bách khoa Hà Nội) báo cáo kết quả đối sánh chương trình đào tạo chuyên ngành đảm bảo chất lượng/quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam, trong đó có phân tích cụ thể trường hợp (case study) cho 3 trường (Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh). Đối sánh thể hiện các kết quả về số lượng tín chỉ cho ngành và cho từng khối kiến thức, chuẩn đầu ra, khung chương trình đào tạo cũng như phân tích SWOT để có định hướng cho các công việc tiếp theo.
|
|
PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Tú báo cáo kết quả đối sánh chương trình đào tạo chuyên ngành QLCL-ATTP |
Tham luận 2: PGS.TS. Kha Chấn Tuyền (Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh) đã báo cáo kết quả khảo sát đối với 69 đơn vị, cá nhân liên quan cho chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng/quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Tất cả các bên liên quan đều đồng ý an toàn và vệ sinh thực phẩm là cần thiết và quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồng thời, họ cũng đưa ra phản hồi tích cực và quan trọng để đóng góp vào việc phát triển một chương trình đào tạo tốt hơn, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn. Kết quả khảo sát cũng cho thấy các chuẩn đầu ra mong đợi của chương trình hoàn toàn phù hợp. Có thể kết luận rằng chuẩn đầu ra dự kiến là phù hợp với mục đích đào tạo, phù hợp với thực tiễn sản xuất, hệ thống cung cấp và dịch vụ thực phẩm thực tế tại Việt Nam. Chương trình đào tạo nên bao gồm kiến thức, kỹ năng, và thái độ cụ thể về quản lý an toàn và chất lượng thực phẩm.
|
|
PGS. TS. Kha Chấn Tuyền báo cáo kết quả khảo sát của các bên liên quan về chuẩn đầu ra |
Tham luận 3: GS. Lawrence Goodridge giới thiệu chương trình đào tạo quốc tế của Đại học Guelph về Công nghệ thực phẩm, An toàn thực phẩm và quản lý chất lượng. Các khóa học, môn học, hình thức đào tạo và cơ hội nghề nghiệp cũng đã được giới thiệu cụ thể.
|
|
GS. Lawrence Goodridge báo cáo về chương trình đào tạo quốc tế ATTP-QLCL của ĐH Guelph, Canada |
Sau phiên báo cáo là phiên thảo luận. Hội nghị đánh giá các báo cáo đã nêu được thực trạng và cho thấy được tầm quan trọng của đào tạo trong lĩnh vực quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Ý kiến thảo luận tập trung góp ý:
‐ Đối sánh đang chưa cân đối giữa chương trình cho cử nhân (Canada) và các trường tại Việt Nam, giữa các trường đang có sự khác nhau.
‐ Cần chuẩn hoá thuật ngữ, thống nhất khái niệm. Công nghệ thực phẩm, kỹ thuật thực phẩm, khoa học thực phẩm là nền, an toàn thực phẩm là lõi sau khi có kiến thức nền.
‐ Cần có định lượng cho chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo nên cập nhật để đáp ứng với thực tiễn: sản xuất gắn với tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, tìm cách để liên hệ biến đổi khí hậu với an toàn thực phẩm? và cần tăng số tín chỉ cho kỹ năng khởi nghiệp.
‐ Sinh viên ra trường có trên 90% phục vụ doanh nghiệp thì yêu cầu của doanh nghiệp là gì? Mỗi loại hình doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, vừa, lớn đều có nhu cầu khác nhau.
‐ Bên cạnh những điểm chung, các trường cũng cần có những điểm riêng để đáp ứng được phân khúc nguồn nhân lực đa dạng của thị trường.
‐ Chương trình đào tạo cần cập nhật các kỹ thuật mới, công nghệ mới, các chính sách, quy định pháp luât Việt Nam cũng như quốc tế.
‐ Đề nghị các doanh nghiệp tăng cường hỗ trợ các trường đại học trong việc đón tiếp sinh viên đến tham quan, thực tập nghề nghiệp, thực tập tốt nghiệp.
‐ Cách tiếp cận đánh giá nguy cơ, quản lý nguy cơ, truyền thông nguy cơ cần được đẩy mạnh và tăng cường.
‐ Tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo và kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước trong nước và quốc tế về nghiên cứu, đào tạo theo hình thức kết hợp (Blended learning).
Các ý kiến thảo luận hết sức sôi nổi trên tinh thần xây dựng cũng đã cho thấy tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực nguồn nhân lực về an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng.
|
|
Phiên thảo luận tại hội thảo |
Bế mạc hội thảo, ông Nguyễn Như Tiệp đã cảm ơn tất cả đại biểu đã tham dự nhiệt tình, trách nhiệm trong suốt thời gian hội thảo, ghi nhận các ý kiến đóng góp thiết thực, hữu ích. Dựa trên các ý kiến này, nhóm thực hiện dự án sẽ tiếp thu và xây dựng khung chương trình chung nhưng vẫn có đặc thù riêng cho các trường (thống nhất trong sự khác biệt) để phục vụ đào tạo nguồn nhân lực tốt nhất cho xã hội trong lĩnh vực này.