Suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đã tham gia phong trào “Ba đảm đang”, “góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” (1, tr.578). Đây là cuộc vận động xã hội sôi nổi, một điển hình thành công trong việc phát huy vai trò, sức mạnh của phụ nữ Việt Nam.
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ 1965 Mỹ trực tiếp đưa quân viễn chinh vào miền nam và chiến tranh phá hoại miền bắc. Chống Mỹ cứu nước được Đảng xác định là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc. Trong bối cảnh đó, nhu cầu huy động một lực lượng lớn nam giới ra tiền tuyến là một tất yếu. Ở hậu phương, phụ nữ trở thành lực lượng chính gánh vác mọi công việc thay nam giới. Chính vì thế, phát huy cao nhất truyền thống cách mạng, khả năng lao động của phụ nữ là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Nhạy cảm với những chuyển biến của đất nước, phụ nữ huyện Đan Phượng đề xuất phong trào “Ba nhiệm vụ” để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu. Tháng 3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với TƯ Đảng phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” và kêu gọi phụ nữ tích cực hưởng ứng chủ trương của Hội. Ngày 22/3/1965, Ban Thường trực Trung ương Hội ra chỉ thị 03/CT về mở cuộc vận động “ Ba đảm nhiệm”. Theo gợi ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Phong trào “ba đảm đang” gồm ba nội dung:
1. Đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho nam giới đi chiến đấu
2. Đảm nhiệm gia đình khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu
3. Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu
Ngay sau khi phát động, phong trào đã thu hút được sự tham gia tích cực của đông đảo phụ nữ, trở thành sức mạnh hùng hậu của chục triệu phụ nữ trên mọi lĩnh vực. Trên mặt trận lao động sản xuất, phụ nữ làm chủ đồng ruộng, áp dụng kĩ thuật mới góp phần tạo ra những cánh đồng 5 tấn; trên các công trường, nhà máy phụ nữ thi đua sản xuất. Nhiều tấm gương anh hùng lao động trên được nhắc tới như Nguyễn Thị Song, Phạm Thị Vách, Cù Thị Hậu… Trong công tác phục vụ chiến đấu, phát huy ý chí cách mạng kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, phụ nữ đã đảm nhận nhiều vị trí từ tham gia công tác phòng không, bảo vệ trị an, đào đắp công sự, tải đạn, cứu thương đến tham gia dân công hoả tuyến, thanh niên xung phong… Ở mặt trận nào, phụ nữ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong chiến đấu. Trong gia đình, phụ nữ “Ba đảm đang” kiên gan tiễn đưa chồng con đi chiến đấu, nuôi dạy, chăm sóc cha mẹ già, con nhỏ góp phần làm nên một hậu phương vững vàng, hỗ trợ đắc lực cho tiền tuyến miền Nam.
|
|
Đăng ký thực hiện phong trào "Ba đảm đang". (Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam) |
Đóng góp của phụ nữ trong phong trào “Ba đảm đang” đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng những danh hiệu cao quý. Trên toàn miền Bắc có 42 nữ anh hùng, 13 đơn vị anh hùng toàn nữ, 1718 phụ nữ được thưởng huy hiệu Bác Hồ, 5000 nữ chiến sĩ thi đua, hơn 3 triệu phụ nữ “ Ba đảm đang”.
Hơn nửa thế kỉ đã qua đi nhưng tinh thần “Ba đảm đang” vẫn sống mãi cùng lịch sử hào hùng của dân tộc. Tinh thần ấy góp phần khơi dậy và thắp sáng những phong trào và đóng góp của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hôm nay.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011
2. Vũ Quang Hiển, Phong trào “Ba đảm đang” trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, http://www.nxbctqg.org.vn/phong-traoba-dam-dang-trong-su-nghiep-chong-my-cuu-nuoc.html, ngày 28/4/2020
Hà Thị Hồng Yến- Khoa Khoa học Xã hội