PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Cả cuộc đời gắn với cây lúa, với nhà nông, bà đã góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam khi cho ra đời hàng loạt giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế.

 

leftcenterrightdel
 PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam

Chủ nhân giống lúa lai trị giá 10 tỉ đồng

Họ và tên: Nguyễn Thị Trâm

Ngày, tháng, năm sinh: 14/3/1944

Học hàm: Phó Giáo sư

Học vị: Tiến sĩ

Chuyên ngành: Nông học

Giới tính: Nữ

Quê quán: Thôn Đan Tiến, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Danh hiệu giải thưởng, huân huy chương: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; Nhà giáo Nhân dân; Huân chương Lao động hạng Ba; Huy chương Kháng chiến hạng Nhì; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ; Giải thưởng Kovalevskaia; Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục; Huy chương Vì sự nghiệp Nông nghiệp; Huy chương Vì thế hệ Trẻ

Thành tựu nổi bật của PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm là việc nghiên cứu chọn tạo và phát triển thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất khá cao (6-7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha) mà thời gian sinh trưởng ngắn (105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân), thích hợp với trồng trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu).

Tại thời điểm được công bố, lúa lai hai dòng TH3-3 là giống lúa gốc Việt phù hợp với túi tiền của người nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước, lại có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, thân cây cứng và không cao nên ít bị đổ do gió bão.

Không chỉ vậy giống lúa này cũng thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, chất lượng gạo thơm ngon và kháng được nhiều loại bệnh. Chính vì thế, ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân, giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, mở ra nhiều vùng sản xuất hạt giống lai rộng lớn, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên, tạo công việc và tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông nghiệp có tay nghề cao.

Với nhiều ưu thế nổi trội, năm 2008, PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm đã chuyển nhượng giống lúa lai hai dòng TH3-3 với giá 10 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cường Tân. Điều này đã tạo được sự đột phá, khích lệ rất lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống.

 

Cả một đời say sưa với cây lúa

Được biết đến là nhà khoa học nữ thành công với nhiều thành tích nghiên cứu về cây lúa, PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm lại sinh ra trong gia đình mà cả bố mẹ lẫn tám anh chị em đều không ai theo nghề nông. Tốt nghiệp đại học năm 1968, bà về công tác ở Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Chính nơi đây, bà đã được cố giáo sư nông học Lương Định Của hướng dẫn, đào tạo. Rồi từ đó, tinh thần, nhiệt huyết lao động khoa học miệt mài của cố giáo sư đã truyền sang bà và bà đã nghiên cứu, cho ra đời nhiều giống lúa mới như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6…

Năm 1985, sau khi hoàn thành chương trình học tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô (cũ), bà chuyển về Trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm công tác giảng dạy.

Năm 1993, bà được cử đi học tại Trung Quốc, và được giáo sư Viên Long Bình, một nhà nông học nổi tiếng về lúa lai giảng dạy. Từ đó, bà đã có cơ hội được thực nghiệm các giống lúa lai ba dòng. Say mê nghiên cứu, lại được tiếp cận với nền khoa học tiên tiến nên ngay khi về nước, PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm đã bắt đầu nghiên cứu và tạo ra các giống lúa lai.

 

leftcenterrightdel
 PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm chia sẻ trong Tọa đàm giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà khoa học nữ với các nữ sinh Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 

Sau thành công của giống lúa TH3-3, bà tiếp tục nhân dòng tạo thêm rất nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng mới như TH3-4, TH3-5, TH5-1, TH7-2 và lúa thơm Hương cốm. Những giống lúa mới này có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng, tạo nên bước đột phá mới cho công nghệ sản xuất lúa lai ở Việt Nam.

 

leftcenterrightdel
 PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm trong buổi Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện Sinh học Nông nghiệp (1999-2019), nơi bà từng giữ chức vụ Phó Viện trưởng

 

Không dừng lại ở đó, ở tuổi 77, PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm vẫn say mê với công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bà mong muốn tiếp tục đóng góp sức lực và trí tuệ cho nghiên cứu khoa học nước nhà, truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ nghiên cứu khoa học kế cận. Giống Sacha inchi S18 do bà là tác giả chính đã được công nhận đặc cách giống dược liệu mới của Việt Nam vào năm 2019. Đây là cơ hội để mở rộng sản xuất, phát triển cây Sacha inchi giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 6 vừa qua, bà đã xin cấp bằng bảo hộ thành công cho giống lúa lai ba dòng MV2 và giống lúa lai hai dòng Lai Thơm 6. PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm còn là tác giả của nhiều tài liệu, giáo trình phục vụ hoạt động giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh.

PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm từng chia sẻ: “Nghề nông ở nước ta hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và vô cùng khốc liệt… Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiêp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học…”. Từ những thành quả về lai tạo giống, nhất là giống lúa lai TH3-3, PGS.TS.AHLĐ. Nguyễn Thị Trâm được ghi nhận là “người đầu tiên” làm ra giống lúa lai hai dòng ở Việt Nam. Bà xứng đáng mang danh hiệu Anh hùng Lao động, biểu tượng đẹp của đội ngũ những người làm khoa học trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

 

TT QHCC&HTSV

(Sưu tầm từ nhiều nguồn)