Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày để mỗi người Việt Nam thể hiện được truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc.
|
|
Tổng bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý gioá dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam tại Hà Nội. Ảnh BGD |
Nguồn gốc của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Vào tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris, lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE). Nǎm 1949, tại hội nghị ở Warszawa, thủ đô của Ba Lan, FISE xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương, nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với FISE nhằm giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của toàn thể giáo viên trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Mùa xuân năm 1953, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn, dự hội nghị kết nạp Công đoàn giáo dục của một số nước vào FISE, trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Tháng 8/1957, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên, sự kiện mừng Quốc tế Hiến chương các nhà giáo được tổ chức vào ngày 20/11/1958. Trong ngày này, lễ kỷ niệm không những được tổ chức tại Hà Nội mà còn diễn ra từ Vĩnh Linh (giới tuyến quân sự tạm thời giữa ta và địch) đến các vùng biên giới hải đảo. Từ miền núi đến vùng đồng bằng ở miền Bắc đều có những hoạt động phong phú tại các trường học trên địa bàn huyện, quận, thị xã… Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 từ đó dần trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Hằng năm, vào kỷ niệm ngày 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo viên trong vùng tạm chiếm nói riêng, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ hy sinh của giáo viên kháng chiến nói chung.
Khi đất nước thống nhất, theo đề nghị của ngành giáo dục, tháng 9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, quyết định sẽ lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Đó cũng là dịp để các thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới thầy cô - những người ngày đêm không ngừng chèo lái con thuyền cập bến bờ tri thức.
|
Hình: Quyết định số 167/HĐBT,
ngày 26/9/1982 quyết định lấy ngày 20/11
hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.
|
Ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
|
|
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Ảnh: Trường Giang |
Ngày 20/11 từ lâu được xem là ngày thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, tôn vinh các thầy giáo, cô giáo và những người làm giáo dục. Ngày này là dịp để toàn xã hội, đặc biệt là người học tri ân những nhà giáo, những tấm gương hoạt động giáo dục có đóng góp cho ngành Giáo dục Việt Nam.
Ngày 20/11 hàng năm, nhiều hoạt động kỷ niệm, tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo được tổ chức trang trọng trên khắp cả nước, thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của ngày Nhà giáo Việt Nam. Mỗi hoạt động kỷ niệm đều là cách để cộng đồng thể hiện lòng biết ơn và tôn trọng đối với những người làm nên hành trình giáo dục của đất nước.
Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng là ngày để mỗi người Việt Nam thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc: Không thầy đố mày làm nên; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
Ban CTCT & CTSV