GS.TS Trần Đức Viên

Thực tiễn quản lý nhà nước những năm qua cho thấy, có đến 80% khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung vào lĩnh vực quản lý nhà đất, trong đó về đất đai chiếm đến 70%.

Đất đai là vấn đề hệ trọng, khó và phức tạp, hiện nay, chính sách đất đai đang là trung tâm của các vấn đề trong xã hội nông thôn như sinh kế, các mâu thuẫn trong việc nông dân mất đất, nông dân chán ruộng (bỏ hoang đất, ly nông), nông dân chán chốn thôn quê (vì đất không nuôi nổi người, ly hương); Khi chuyển đổi đất, sinh kế của nông dân bị mất đi trước khi họ kịp chuẩn bị chuyển đổi nghề nghiệp mới. 

Vì thế, Luật Đất đai mới cần được viết với tâm thế vì quyền lợi của nông dân, số cử tri lớn nhất của đất nước, phản ánh tâm nguyện và mong mỏi của nhân dân, trao quyền thực sự cho người dân.

 Đồng thời, nội dung Luật Đất đai (sửa đổi) phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Luật Đất đai mới cần công nhận sự tồn tại và khuyến khích sự phát triển của thị trường mua bán "quyền sử dụng đất".  Chúng ta đã thừa nhận việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì đương nhiên đã công nhận sự tồn tại và phát triển của thị trường mua bán 'quyền sử dụng đất"; và vì thế, nhà nước nên giao/nhường quyền định đoạt giá đất cho thị trường, nhà nước không nên can thiệp vào thị trường đất đai bằng công cụ hành chính.   

leftcenterrightdel
Nên quy hoạch vùng trồng lúa ở những nơi có ưu thế nhất về điều kiện tự nhiên và được đầu tư thoả đáng để trồng lúa có hiệu quả tương đương với các cây trồng khác. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở Cần Thơ. Ảnh: H.Xây. 

Thừa nhận thị trường mua bán quyền sử dụng đất, bỏ khung giá đất thì không cần thiết lập cơ quan nhà nước có nhiệm vụ xác định giá đất, xây dựng bảng giá đất ở các cấp chính quyền địa phương. Việc thẩm định giá mua bán quyền sử dụng đất thuộc chức năng của tổ chức độc lập, không thuộc nhà nước; không thể ngăn chặn người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi được nhà nước giao đất.

Khi đã thừa nhận thị trường mua bán quyền sử dụng đất, thì cũng không thể giới hạn quy mô tích tụ ruông đất của các trang trại theo cơ chế kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán. Khả năng quản lí hiệu quả việc sử dụng đất đai mới là giới hạn quy mô tích tụ của mỗi chủ thể sử dụng đất. Thiết nghĩ, một xã hội nếu không có tầng lớp 'địa chủ dân tộc' ở nông thôn và tầng lớp 'tư sản dân tộc' ở đô thị, sẽ rất khó mà có thể giàu mạnh…

Nếu đã thừa nhận quyền tài sản đối với đất đai, thì không nên quy định thời gian đối với tài sản này. Tuy nhiên, theo hiến pháp hiện hành, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lí, nên luật pháp cần quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đủ dài, trên 90 năm, để khuyến khích chủ thể có quyền sử dụng đất đầu tư thâm canh, cải tạo đất, xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, thúc đẩy sự hình thành và phát triển thị trường mua bán quyền sử dụng đất, dẫn đến việc tích tụ ruộng đất diễn ra thuận lợi, minh bạch, hình thành các trang trại quy mô lớn, đủ khả năng ứng dụng công nghệ cao và gia tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đất rừng tự nhiên là một bộ phận trọng yếu không thể thay thế được của kết cấu hạ tầng sinh thái.  Đất rừng tự nhiên cần được bảo vệ nghiêm ngặt và phải được khôi phục, tái sinh rừng tự nhiên trên cả đất rừng tự nhiên nhưng thực tế không có rừng; tiến tới không tính diện tích rừng trồng (rừng sản xuất hay kinh tế) vào diện tích che phủ rừng như hiện nay. Làm như thế, mới mong Việt Nam thực hiện thành công các cam kết tại COP26.

Việc đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm bao gồm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm quốc gia không chỉ phụ thuộc vào diện tích đất trồng lúa mà phụ thuộc vào sự đa dạng hoá của các hệ thống sản xuất. 

Do vậy, chỉ quy hoạch các vùng trồng lúa ở những nơi có ưu thế nhất về điều kiện tự nhiên và được đầu tư thoả đáng để trồng lúa có hiệu quả tương đương với các cây trồng khác, khuyến khích trồng lúa theo các thực hành sinh thái như lúa- cá, lúa-tôm, lúa -rươi... Đó chính là kinh tế tuần hoàn, đa giá trị trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. 

Tập trung ruộng đất là một chủ trương đang được nhà nước khuyến khích. Nhiều người cho rằng, tập trung ruộng đất là cần thiết để áp dụng rộng rãi cơ giới hóa, ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ chế biến nông sản, đẩy mạnh và thương mại hóa và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt; vì thế, đây là cách cơ bản để nâng cao năng suất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản một cách bền vững. Tập trung ruộng đất cũng được xem như là một giải pháp để tăng việc làm.

Theo https://danviet.vn