Trong không khí tưng bừng của cả nước hướng về ngày kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cùng nhau ôn lại những chiến công vang dội của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, đây cũng là dịp để chúng ta tôn vinh, ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”. Đó cũng là đạo lý sống của dân tộc ta bao đời nay.

leftcenterrightdel
 

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Mỹ có tiềm lực rất mạnh, nổi lên cầm đầu phe đế quốc, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới, từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương. Sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vào thời điểm này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc “Chiến tranh lạnh” và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống chủ nghĩa xã hội, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao. Ở trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn. Đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Ngay từ đầu tháng 4 năm 1975, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền đã ra chỉ thị cho mặt trận đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị gấp cho tổng công kích và tổng khởi nghĩa phối hợp với mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Chỉ thị quy định đồng loạt tiến công và nổi dậy từ ngày 29 tháng 4 theo phương châm đã nêu là tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã bằng lực lượng của địa phương mình.

leftcenterrightdel
 Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 4 tháng 1 và kết thúc ngày 30 tháng 4 năm 1975, chỉ trong 55 ngày đêm, với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tốc độ "một ngày bằng 20 năm" với sức mạnh áp đảo cả về quân sự và chính trị tích luỹ từ nhiều năm, quân và dân ta đã giành toàn thắng bằng ba chiến dịch lớn: Chiến dịch giải phóng toàn bộ Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, quét sạch địch ở ven biển miền Trung và kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn - Gia Định để dẫn tới giải phóng các tỉnh còn lại của Nam Bộ. Hơn một triệu quân nguỵ và tất cả bộ máy nguỵ quyền bị đập tan, chế độ thực dân mới được Mỹ dốc sức xây dựng trong hai chục năm sụp đổ hoàn toàn.

Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nó thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ để đến ngày 30/4/1975 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta mãi tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các anh hùng, các thế hệ cha ông ta đã chiến đấu anh dũng vì độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.    

Kỷ niệm 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 2023 các thế hệ nhà giáo, cán bộ viên chức và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam không chỉ có một ngày nghỉ lễ: Ngày chiến thắng – 30/4, và cũng không chỉ có 2 ngày nghỉ lễ liên tiếp (cùng với ngày Quốc tế lao động – 1/5) mà có tới 5 ngày nghỉ, một kì nghỉ kéo dài đặc biệt. Lý do là ngày nghỉ Giỗ tổ (10/3 âm lịch) liền sát ngày nghỉ chiến thắng 30/4. Điều này gợi nhớ lời dậy cũng đồng thời như lời tiên tri của Hồ Chí Minh về các sự kiện lịch sử lớn lao của dân tộc có là: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Tức là, trong dịp lễ hội năm nay, 1 ngày trước đó (ngày 10/3 âm lịch, tức ngày 29/4 dương lịch) cả đất nước hướng về đất tổ, hàng triệu trái tim Việt rung động tưởng nhớ, tri ân công lao của bậc tiền nhân dựng nước, thì ngày liền kề sau đó (ngày 30/4 dương lịch, tức ngày 11/3 âm lịch) muôn tấm lòng người Việt Nam rưng rưng tự hào chào mừng chiến thắng của thế hệ những người giữ nước thời đại Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt này nhắc nhở chúng ta về sự kết nối diệu kì giữa quá khứ với hiện tại; giữa những điều đáng khắc ghi trong lịch sử của dân tộc, trong trái tim, khối óc của con Lạc, cháu Hồng qua các thời đại cho đến ngày nay. Dịp nghỉ lễ mững 48 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, cùng với các ngày nghỉ kỉ niệm các sự kiện liên quan cùng dịp năm 2023 này hẳn sẽ đem lại cho mỗi người dân Việt, mỗi nhà giáo, người học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam những điều lý thú, ý nghĩa; nuôi cho tâm hồn, trí tuệ, hoài bão và khát vọng lướn lao để cùng đồng hành với dân tộc trên bước đường tiến tới phồn vinh, hạnh phúc.   

Ban CTCT&CTSV