Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt để vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng nền nông nghiệp đô thị, hiện đại, sinh thái và bền vững.

leftcenterrightdel
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Triều Dương 

Ngày 8.4, tại Thái Bình, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị “Học viện Nông nghiệp Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn” với chủ đề: “Chuyển giao công nghệ - Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - Khởi nghiệp nông nghiệp”.

Hội nghị thu hút sự tham dự trực tiếp của gần 200 đại biểu và trên 900 đại biểu tham dự trực tuyến; trong đó có lãnh đạo các huyện, xã thôn, các doanh nghiệp, trang trại, người sản xuất, và các thầy cô giáo các trường THPT trên địa bàn 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng to lớn trong phát triển nông - lâm nghiệp, đặc biệt là rau, hoa quả, chăn nuôi, thủy sản.

Hiện nay, các địa phương vùng đang tập trung thực hiện 2 đề án lớn là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai hai chương trình nói trên và phục vụ Chương trình tổng thể kinh tế nông nghiệp – nông dân – nông thôn phát triển, vấn đề khoa học và công nghệ là then chốt nhằm chuyển đổi từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp đô thị, hiện đại, sinh thái và bền vững.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là cấp thiết và là một thế mạnh đầy tiềm năng của vùng.

“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp và ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất là nội dung mà Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành cùng các địa phương, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả", GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Học viện Nông nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác với các sở, ngành của tỉnh Thái Bình; Ảnh: Triều Dương

Chia sẻ định hướng, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp địa phương, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết tỉnh chủ trương đẩy nhanh cơ giới hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mạnh sang sản xuất hàng hóa lớn, tạo giá trị mới, thị trường mới. Đồng thời, quan tâm, tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn sức khỏe con người, nông nghiệp sinh học, nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững.

Để thực hiện chủ trương này, nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh Thái Bình sẵn sàng hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Chiều cùng ngày, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thảo luận nhóm với lãnh đạo các sở của tỉnh Thái Bình và đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã của các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên về các nội dung liên kết, hợp tác trong chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hà Lan