\r\n
\r\n
\r\n HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ
\r\n
\r\n Đào Văn Kính - Cựu sinh viên khóa 1
\r\n
\r\n Nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường
\r\n
\r\n Đúng ngày này cách đây 54 năm (24/5/1959 – 24/5/2013), Bác Hồ kính yêu đã về thăm trường ta. Thời kỳ đó, lúc mới thành lập, trường ta mang tên là trường Đại học Nông Lâm, vừa sáp nhập với một số Viện của Bộ Nông Lâm (đổi tên thành Học viện Nông Lâm), đóng ở Văn Điển (Thanh Trì), chưa chuyển sang Trâu Quỳ (Gia Lâm) như hiện nay. Chúng tôi đang là sinh viên năm thứ 3, khóa 1, lớp Trồng trọt, khoa Nông học.
\r\n
\r\n Cơ sở của Nhà trường từ ký túc xá, nhà ăn đến giảng đường, hội trường đều làm bằng tranh tre, nứa lá, chỉ có mấy gian cấp 4 dùng làm phòng thực tập. Bác đã đi xem nơi ăn, chốn ở của sinh viên, nhà trẻ, lớp học, trại thực tập thí nghiệm rồi mới vào hội trường nói chuyện với giáo viên, sinh viên, cán bộ công nhân viên. Lời nói giản dị, thân tình, ấm áp của Bác đã in sâu vào tâm trí của mỗi người chúng tôi. Bác đã căn dặn chúng tôi phải yêu ngành, yêu nghề, học tập chuyên môn nhưng cũng phải học chính trị, trong việc học tập nghiên cứu phải bền gan, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được. Bác dạy học tập để phục vụ nhân dân, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, góp phần đấu tranh thống nhất nước nhà. Bác nhấn mạnh là phải đoàn kết, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Bác ví chủ nghĩa cá nhân như là vi trùng, nó đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: siêng ăn, biếng làm, kèn cựa, hiếu danh, nghĩđến cái gì lợi cho mình thì làm.v.v…
\r\n
\r\n Lãnh đạo Nhà trường xin Bác ghi vào Sổ vàng truyền thống, chưa kịp mời Bác ngồi vào bàn thì Bác đã ngồi ngay xuống bục viết mấy dòng chữ mà ngày nay ai cũng nhìn thấy bút tích cùng với chân dung của Người được phóng to ở nhà Hànhchính của Trường:
\r\n
\r\n “Đoàn kết chặt chẽ
\r\n
\r\n Cố gắng không ngừng
\r\n
\r\n Để tiến bộ mãi”
\r\n
\r\n Chính những lời dạy ân cần của Bác đã là phương hướng, là kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thầy và trò, cán bộ và công nhân viên trường ta tu dưỡng, phấn đấu, công tác, dạy và học trong thời gian qua. Qua quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường ta đã đạt được những thành tích to lớn.
\r\n
\r\n Khi mới thành lập, Trường chỉ có 3 khoa (Nông học, Chăn nuôi - Thú y, Lâm học) với 27 giáo viên đầu tiên, hàng năm chỉ tuyển 300 – 500 sinh viên. Từ một trường Đại học Nông Lâm, sau nhiều lần chia tách thành các Trường Đại học Lâm nghiệp, Trường Đại học Thủy Sản, Trường Đại học Nông nghiệp II, III. Đến nay, cả nước đã hình thành một hệ thống các trường Đại học Nông – Lâm – Ngư nghiệp. Riêng trường Đại học Nông nghiệp I (nay là Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã xây dựng được một cơ sở khang trang như ngày nay, với hàng chục Khoa, Viện, Trung tâm, với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, giảng viên đông đảo. Quy mô đào tạo ngày càng lớn đủ các ngành nghề, các cấp học (Đại học, Sau Đại học…), các hệ và phương thức học khác nhau, hàng năm tuyển sinh 7.000 – 8000 sinh viên; đã có trên60.000 kỹ sư tốt nghiệp ra trường đang công tác ở mọi miền của Tổ quốc, rất nhiều người đã trở thành những nhà khoa học giỏi, những nhà quản lý, những chủ doanh nghiệp tài năng; trong đó, nhiều người đã được Đảng và Nhà nước giao phó trọng trách quản lý từ quận, huyện, tỉnh, thành phố đến Trung ương. Nhà trường cũng đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học thành công đưa ra một số giống cây con, mẫu máy nông nghiệp, đề xuất nhiều tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất, quản lý mới phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội trong mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước.
\r\n
\r\n Hiện nay, anh chị em lớp Trồng trọt khóa 1 của chúng tôi đã nghỉ hưu, đều ở tuổi 75 – 85. Mỗi lần có dịp họp mặt truyền thống của lớp, chúng tôi vẫn cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời sinh viên, cùng nhớ lại hình ảnh kính yêu và lời nói của Bác năm nào. Chúng tôi ngồi điểm lại những bạn học xem ai còn, ai mất và cho ra tập kỷ yếu quá trình hoạt động của từng người trong lớp. Chúng tôi rất đỗi tự hào về tập thể lớp của mình đã học tập và làm theo lời dạy của Bác. Dù ở bất cứ đâu, trên cương vị công tác được giao, mọi người đều hoàn thành tốt nhiệm vụ: 1 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 1 người được giải thưởng Kovalepxkaia, 6 người là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy các trường Đại học Nông nghiệp, 4 người là Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, 8 người là Viện trưởng, Phó Viện trưởng, các Vụ, Viện của Bộ Nông nghiệp, 2 người là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một số người được cử đi làm chuyên gia ở Châu Phi (trong đó có 2 người làm Trưởng đoàn chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở nước CHDCNDMozambique và nước CH Saysen), 10 người là Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo ưu tú…v.v…
\r\n
\r\n Riêng bản thân tôi đã gắn bó với Nhà trường từ ngày mới thành lập tới nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn đang sinh sống trên mảnh đất của Trường mà Nhà nước phân cho. Tôi đã kinh qua công tác giảng dạy, nghiên cứu quản lý, công tác Đoàn Thanh niên, công tác Đảng ở Trường, được chứng kiến suốt chặng đường xây dựng, phát triển và trưởng thành của trường 56 năm qua.
\r\n
\r\n Nhân dịp kỷ niệm 54 năm ngày Bác về thăm Trường, chúng tôi nghĩ rằng cùng nhau ôn lại những lời dạy của Bác là vô cùng bổ ích và thiết thực, nhất là chúng ta đang triển khai tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động. Đây là cuộc vận động lớn của Đảng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng nền tảng đạo đức tinh thần của xã hội ta, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân…
\r\n
\r\n Tâm nguyện tha thiết của những người thuộc thế hệ chúng tôi là được thấy các thế hệ sau sẽ tiếp tục học tập và thực hiện tốt hơn, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm theo lời dạy của Bác, đẩy mạnh mọi hoạt động của Nhà trường lên một tầm cao mới, phát huy truyền thống tốt đẹp, viết tiếp trang sử vẻ vang của Trường, một Trường anh hùng, đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cao quý.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n 24/5/2013
\r\n