Chiều ngày 29/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án mô hình các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương” tại khách sạn Vinpearl TP Huế. Chủ trì hội thảo có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bùi Tất Thắng; nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam PGS.TS Trần Đình Thiên. Tham dự hội thảo còn có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng nhiều chuyên gia, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu Huế học trong và ngoài tỉnh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị

 

Phát biểu mở đầu Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, công tác tổ chức lập Quy được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong năm 2022. Đây là cơ sở để tỉnh phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị. Trong quá trình tổ chức lập Quy hoạch, tỉnh kỳ vọng sẽ khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện; định hình cho từng không gian phát triển để khai thác tiềm năng, lợi thế của từng khu vực, từng vùng với một tầm nhìn mới để đón đầu các xu thế phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sự phát triển của tỉnh trong tương lai có hiệu quả và bền vững; nâng cao vị thế của tỉnh trong khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung.

 

leftcenterrightdel
 GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hội thảo
leftcenterrightdel
 GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Đại biểu Quốc hội khóa 14 và 15, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Đây là một đề án lớn, bao trùm, được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật quy hoạch, các quy định pháp luật và sự hướng dẫn của Chính phủ. Đề án tuân thủ các bước, nội dung, phương thức theo quy định của pháp luật, được thể hiện rõ trong tất cả 5 nội dung lớn theo cấu trúc của quy hoạch. Với lối tiếp cận hệ thống, tổng hợp đa ngành, đa cấp, song hành từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới sẽ là sản phẩm cần thiết đích thực, là cơ sở khoa học và thực tiễn cho lập quy hoạch cấp trên, lập và điều chỉnh quy hoạch cấp dưới, là cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình đầu tư phát triển và triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Thị Lan đưa ra nhiều ý kiến góp ý để đề án hoàn thiện hơn, đặc biệt về định hướng của quy hoạch cần phát triển đồng thời 4 trụ cột: Kinh tế - Xã hội – Văn hóa - Môi trường để xây dựng nền móng cho sự phát triển bền vững, vừa đặc thù, vừa khẳng định lợi thế của Thừa Thiên Huế.

Về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: Khu vực nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng và ý nghĩa đặc biệt trong quá trình phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần tạo nên nét đặc trưng vốn có của Huế. Trong đó có một số vấn đề cần nhấn mạnh hơn:

Một là phát triển kinh tế rừng, Huế cần chú trọng đặc biệt đến sự phát triển bền vững và kinh tế rừng. Với đặc điểm địa hình dốc từ Tây sang Đông, cùng với đặc điểm dãy núi Bạch Mã đâm ngang tạo vách ngăn cách giữa 2 phần Nam Bắc đã tạo nên tiểu khí hậu đặc trưng của Thừa Thiên Huế lượng mưa rất lớn, tập trung theo mùa, thậm chí có những năm tới 6000mm tại vùng Bạch Mã. Chính vì thế, rừng trở thành nhân tố sống còn cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời với đặc điểm địa hình cao thấp khác nhau, thổ nhưỡng phong phú, giao hòa giữa Nam – Bắc, sự đa dạng sinh học cao. Do vậy, 320.000 ha rừng thực sự là nguồn tài nguyên quý đáp ứng mục tiêu kép, vừa tạo nên yếu tố then chốt cho kịch bản phát triển bền vững, vừa hình thành một ngành kinh tế rừng nông – lâm – dược liệu trên đó. Do vậy, trong nông nghiệp, phải coi trọng kinh tế rừng như là một trong những trụ cột quan trọng nhất.

Hai là phát triển kinh tế thủy sản: với chiều dài bờ biển 120km gắn phạm vi ngư trường, cùng với vùng nước lợ “phá tam giang”, một hệ phá lớn nhất Đông Nam Á, đủ điều kiện để xây dựng và phát triển ngành thủy sản đặc trưng trên cơ sở khai thác hợp lý, cân bằng nguồn tài nguyên, kết hợp sự phát triển du lịch, trong bức tranh kinh tế nông thôn mang bản sắc riêng của Thừa Thiên Huế.

Ba là phát triển nông nghiệp đặc hữu gắn với sản phẩm OCOP: Do đặc điểm ở vùng chuyển giao giữa 2 vùng Nam- Bắc. Cùng với đặc điểm trên 200 năm cố đô triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đã tạo nên cho Thừa Thiên Huế có được bộ giống cây trồng vật nuôi phong phú, đặc sản. Đây là cơ sở nền tảng rất tốt cho định hướng phát triển một nền nông nghiệp đặc sắc. Nếu kết hợp các công nghệ hiện đại cùng với phương thức sản xuất tiên tiến, sẽ tạo nên những sản phẩm đặc hữu OCOP, một trong những hướng đi riêng của nền nông nghiệp Thừa Thiên Huế.

Bốn là định hướng phát triển nông thôn: Với đặc điểm địa hình cảnh quan thiên nhiên sẵn có, các thiết chế văn hóa đặc sắc cố đô Huế cùng các làng nghề trăm năm phát triển, cần thiết bảo tồn, nhân mở để vùng nông thôn thực sự trở thành khu vực có bản sắc riêng, đủ sức hấp dẫn trong bức tranh tổng thể du lịch, dịch vụ, nền tảng của kinh tế Thừa Thiên Huế.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết hội thảo đã nhận diện được khó khăn, hạn chế và các lợi thế so sánh, để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong kỳ quy hoạch tới. Chủ tịch UBND tỉnh cảm ơn các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đề nghị đơn vị tư vấn quy hoạch và các đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện quy hoạch.

Tin, ảnh: Ban Khoa học và Công nghệ