leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
 

Dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp, không đứng ngoài cuộc chiến này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã gấp rút triển khai các giải pháp phòng chống.

leftcenterrightdel
 

Thưa giáo sư, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang lan rộng, ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có phương án gì để vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo chương trình đào tạo?

- Hiện nay, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) đang diễn biến rất phức tạp, ở mức nghiêm trọng trên thế giới. Đến ngày 09/3/2020, trên thế giới đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ phát hiện bệnh Covid-19, có 110.056 ca nhiễm, tử vong 3.828 người. Ở Việt Nam, đã có 31 ca nhiễm Covid-19, đặc biệt từ ngày 06/3/2020 đã tái xuất hiện ca bệnh tại Hà Nội và có thêm những ca bệnh mới ở nhiều tỉnh, thành khác.

Trước tình hình dịch Covid-19, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tích cực chủ động và quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch.Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Học viện đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch với các kịch bản cụ thể cho các tình huống diễn biến của dịch để chủ động ứng phó, huy động các đơn vị, đoàn thể tham gia phòng chống dịch với mục tiêu vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ viên chức, giảng viên và người học, vừa đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụchuyên môn của Học viện.

Lãnh đạo Học viện kiên quyết thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Ban chỉ đạo Trung ương, Thành phố Hà Nội. Học viện đã cho sinh viên tạm thời nghỉ học để đảm bảo an toàn dịch. Ngay từ khi có thông tin dịch bệnh Covid-19 diễn ra, Ban Công tác chính trị và Công tác sinh viên phối hợp với Ban Quản lí đào tạo phân loại sinh viên ở các vùng dịch, các khoa chuyên môn liên hệ với sinh viên vùng dịch để nắm tình hình, thông báo cho các em biết thông tin phòng dịch; thông báo, hướng dẫn cán bộ viên chức, giảng viên và sinh viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Học viện đã xây dựng hệ thống pano trực quan tuyên truyền, hướng dẫn phòng chống dịch ở các khu nhà làm việc, giảng đường, kí túc xá sinh viên, công học viện, bến xe buýt. Học viện đã thường xuyên cập nhật thông tin hàng ngày về tình hình dịch bệnh Covid-19; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, bài viết trên website, facebook, zalo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên biết thực hiện.

Đối với hai trường hợp giảng viên tham gia đoàn công tác theo dự án MOTIVE do EU tài trợ từ Italia trở về ngày 26/2/2020, Giám đốc Học viện đã kiên quyết yêu cầu giảng viên thực hiện các biện pháp kiểm tra thân nhiệt, diệt khuẩn, theo dõi các biểu hiện của bệnh, tự cách ly, không được tiếp xúc, không được tham gia các hoạt động chung. Đến nay đã hết thời gian cách ly, hai giảng viên này sức khỏe tốt, không có biểu hiện nhiễm bệnh Covid-19.

leftcenterrightdel
 
Với số lượng sinh viên rất đông, việc đảm bảo an toàn cho các em là một nhiệm vụ nặng nề. Vậy, học viện làm thế nào để có thể thực hiện được nhiệm vụ này, thưa giáo sư?

- Để đảm bảo an toàn cho các em, Học viện đã cho sinh viên, học viên nghỉ học, tự thực hiện công tác phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Những sinh viên phải thực hành, thực tập, triển khai đề tài nghiên cứu khoa học được bố trí ở tập trung trong kí túc xá sinh viên, hàng ngày thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Học viện đã họp thường xuyên triển khai việc phòng chống dịch, thu thập thông tin về tình hình dịch bệnh qua đường dây nóng và các kênh thông tin. Trạm y tế của Học viện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hà Nội nắm bắt diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19. Hàng tuần Học viện tiến hành phun thuốc sát khuẩn khử trùng trong khuôn viên Học viện, đặc biệt khu nhà làm việc, giảng đường, kí túc xá. Phát khẩu trang và hướng dẫn sát khuẩn, khử trùng cho CBVC, người học và khách đến liên hệ công việc.

Trước tình hình dịch Covid-19 có biểu hiện diễn biến phức tạp, nhất là Hà Nội và nhiều địa phương có biểu hiện tăng số ca nhiễm bệnh trong những ngày gần đây, chúng tôităng cường các biện pháp tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông; tiếp tục phun hóa chất, tổng vệ sinh môi trường toàn khu vực Học viện; tăng cường quản lí sinh viên.

Học viện cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, cán bộ viên chức và người họctiếp tục chủ độngnắm tình hình dịch bệnh Covid-19, hạn chế di chuyển tới các vùng có dịch khi không thật cần thiết.Trong trường hợp phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh tại nơi đến để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.Trước mắt, Học viện tiếp tục cho sinh viên nghỉ học đến hết 15/3/2020.

leftcenterrightdel
 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện là một trong những cơ sở đào tạo đại học có môi trường nghiên cứu khoa học vô cùng cởi mở với nhiều chính sách thông thoáng, nhiều nghiên cứu đã đi vào thực tiễn sản xuất, mang lại giá trị cao. Có được điều đó là nhờ chủ trương của Ban Giám đốc, lãnh đạo Học viện mạnh dạn thay đổi cơ chế. Bởi theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, đích đến của các nghiên cứu không chỉ là những bài báo khoa học mà còn là những sản phẩm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Có thể thấy, trên cương vị một nhà quản lý, giáo sư dành rất nhiều sự quan tâm cho công tác nghiên cứu khoa học, điều này là vì vị thế của học viện hay còn có một mục tiêu nào khác?

- Tôi là người trưởng thành từ trong môi trường nghiên cứu khoa học, làm khoa học đã cho tôi một tính cách điềm tĩnh, tự tin khi gặp bất cứ việc gì khó khăn. Trong thời đại nông nghiệp 4.0 như hiện nay, vai trò của khoa học công nghệ càng quan trọng để có thể thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm của ngành nông nghiệp.

Nhưng tôi luôn quan niệm, các công trình khoa học cần hướng đến ý nghĩa thực tiễn, giúp cho cuộc sống của người nông dân được cải thiện. Chính vì vậy, trong những năm qua, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi chủ trương gắn kết trường học, cơ quan quản lý và doanh nghiệp theo mô hình tam giác để sản phẩm nghiên cứu có thể được chuyển giao, thương mại hóa; từ đó hình thành một hệ sinh thái, ươm tạo những kiến tạo khoa học.

Ở đó, chúng tôi tạo cơ chế thông thoáng và ưu đãi cho các nhóm nhà khoa học, ở đó, các em sinh viên ưu tú cũng được tham gia nghiên cứu khoa học, sản phẩm có giá trị có thể kết hợp với doanh nghiệp để thương mại hóa. Thực tế, nhiều giống cây trồng, vật nuôi; chế phẩm sinh học, giống virus, giống vi khuẩn có lợi do các nhà khoa học của Học viện nghiên cứu, chọn tạo; các mô hình do Học viện nghiên cứu đã được áp dụng vào thực tiễn rất tốt. Giống lúa lai VL20, VL24, TH3-3; TH3-5; TH7-2..., các giống cà chua thương hiệu HT, lợn đực Piétrain kháng stress, giống hoa lan huệ cánh kém, chế phẩm đệm lót sinh học, giống cây ăn quả, thảm thực vật chống sói mòn đất, giống thủy sản… là những sản phẩm khoa học đã và đang đi vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả.

leftcenterrightdel
 
Tôi cũng nghe nói, ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những nhóm nghiên cứu mạnh rất được quan tâm, thưa giáo sư?

- Để có nhiều nghiên cứu được ứng dụng, chúng tôi đã thành lập 50 nhóm nghiên cứu mạnh, bám sát vào các sản phẩm chủ lực mà Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN và các địa phương đang ưu tiên để đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn.

Trong các nhóm nghiên cứu đó phải có đủ các thế hệ, những giáo sư đầu ngành, thế hệ kế cận và cả các em sinh viên để cùng hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Việc tham gia các nhóm nghiên cứu này cũng giúp sinh viên ưu tú của học viện trở nên cứng cáp, trưởng thành hơn. Học viện cũng cấp cho nhóm nghiên cứu một khoản kinh phí cố định để khi chưa đấu thầu được đề tài, chưa thương mại hóa được sản phẩm thì vẫn có tiền hoạt động và ươm tạo các ý tưởng.

Đến nay Học viện đã tạo ra được gần 50 sản phẩm có tiềm năng thương mại, nhiều sản phẩm được các doanh nghiệp đăng ký hoặc mua bản quyền để đưa vào sản xuất trên quy mô công nghiệp như: rượu vang thanh long, bia hoa quả, các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, các loại trà … và đặc biệt là tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất mỹ phẩm đang được phát triển rất có triển vọng …

Bên cạnh nhóm nghiên cứu mạnh, chúng tôi còn xây dựng khoảng 10 nhóm nghiên cứu “tinh hoa”. Đây là những nhóm hội tụ các cánh chim đầu đàn trong từng lĩnh vực, tạo phong trào, động lực cho nghiên cứu khoa học lan tỏa trong toàn học viện. Chế độ đãi ngộ cán bộ nghiên cứu tốt nhưng phải có sản phẩm bằng các bài báo quốc tế, sản phẩm khoa học được ứng dụng, phải đào tạo được các sinh viên ưu tú.

Học viện đã mạnh dạn đưa ra các cơ chế khuyến khích nghiên cứu khoa học rất đột phá, với nhiều chính sách ưu đãi nên các nhà khoa học của Học viện rất hứng thú và mê say. Chúng tôi kỳ vọng với những chính sách này sẽ sớm có nhiều sản phẩm như các loại vaccine phòng dịch bệnh, giống cây trồng, vật nuôi mới, tiến bộ kỹ thuật được ra đời, góp phần giúp nông dân phát huy hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập.

leftcenterrightdel
 

Hiện nay việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, Học viện hóa giải điều này như thế nào, thưa giáo sư?

- Kinh nghiệm từ Israel cho thấy, ngay khi bắt tay vào nghiên cứu họ đã nhìn thấy thị trường để chuyển giao, còn tại Việt Nam việc thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu nhiều khi vướng nhiều quy định. Để thúc đẩy quá trình thương mại hóa, chúng tôi thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ để chuyển giao ứng dụng, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để có nơi áp dụng những thành quả nghiên cứu.

 

Học viện cũng đã hợp tác với nhiều địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và như Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Trị, Hòa Bình, các tỉnh Tây Nguyên… để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật; triển khai các mô hình tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, tạo việc làm và phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới...

Có một thực tế là, chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp đang là điểm nghẽn hạn chế sự phát triển. Giáo sư đã có những giải pháp gì để những sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi ra trường đều có thể chủ động tìm được vị trí của mình trong công việc?

- Đúng là ngành nông nghiệp đang rất “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể làm chủ các công nghệ hiện đại, tiên tiến, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp 4.0 đang được ứng dụng ngày càng nhiều.

Để đáp ứng được nhu cầu này, chúng tôi có chủ trương đóng những ngành đào tạo không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất và cuộc sống, bổ sung thêm các ngành nghề đào tạo mới phù hợp như logistic mà thực tiễn đang thiếu. Chúng tôi cũng đầu tư, tạo môi trường để các em học tập, trải nghiệm và rèn luyện tay nghề như Bệnh viện thú y, bệnh viện cây trồng, vườn cây dược liệu, vườn cây đầu dòng, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao,…

Xuyên suốt quá trình đào tạo, chúng tôi thực hiện phương châm đào tạo có địa chỉ, gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo đúng, trúng nhu cầu của họ; có những ngành tăng thời lượng thực hành của sinh viên từ 10% lên 30% để giúp các em nâng cao tay nghề, khắc phục việc thiếu kiến thức thực tiễn của sinh viên, chúng tôi cũng chủ động mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá sinh viên. Giảm số lượng, tăng chất lượng, đào tạo tinh hoa là mục tiêu chúng tôi hướng đến.

Chúng tôi cũng muốn cho các bạn trẻ thấy rằng, làm nông nghiệp hiện đại thời nay có rất nhiều điều thú vị, cần sự sáng tạo và đam mê và có thể mang lại những giá trị rất lớn cho cuộc sống, ví dụ việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bạn có thể ngồi trong phòng, điều khiển mọi hoạt động sản xuất chỉ thông qua một chiếc smart phone.

leftcenterrightdel
 

Không chỉ là một nhà quản lý, một nhà khoa học với nhiều công trình để đời, GS-TS Nguyễn Thị Lan còn là một Đại biểu Quốc hội. Theo chị, vai trò này không tạo thêm gánh nặng mà là trách nhiệm để chị mang tiếng nói từ thực tiễn cơ sở đến nghị trường.

leftcenterrightdel
 

Ngoài quản lý Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nghiên cứu khoa học, GS còn là Đại biểu Quốc hội khoa XIV. GS đã có những đóng góp gì để đáp ứng được nguyện vọng của cử tri?

- Tôi xác định, là Đại biểu Quốc hội không chỉ là vinh dự và còn là trách nhiệm với cử tri. Vì vậy, tôi phải có trách nhiệm chuyển tải ý kiến của giới khoa học nông nghiệp, giáo dục trong việc xây dựng các Luật Chăn nuôi, Trồng trọt, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, Luật Thanh niên, Luật Thư viện… tới diễn đàn Quốc hội. Tôi cũng mang tiếng nói từ thực tiễn, cơ sở đến nghị trường.

leftcenterrightdel
 

Nói chung dù công việc có lúc quá tải nhưng nhiệm vụ này bổ trợ cho nhiệm vụ kia, và điều tôi luôn tâm niệm là làm sao tiếng nói, công việc góp phần tạo ra sự thay đổi cho ngành nông nghiệp và người nông dân.

Ví dụ như trong Luật Chăn nuôi mới, tôi rất tâm đắc với quy định các tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi. Điều này sẽ giúp ngành chăn nuôi hướng đến sự phát triển bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Đối xử nhân đạo với vật nuôi đã được định lượng cụ thể bằng quy định về chuồng trại, không gian chăn nuôi, thức ăn, việc không đánh đập, hành hạ vật nuôi hay việc sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi…

Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp cho thanh niên, trong các phiên thảo luận tôi đã đề xuất Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích thanh niên khởi nghiệp. Thực tế, tất cả những điều đó tôi đều lắng nghe từ chính sinh viên của mình, sau đó tổng hợp, khái quát lại và đề xuất trên nghị trường Quốc hội.

Cảm xúc của GS khi đứng trên bục giảng và trên nghị trường Quốc hội chắc sẽ có nhiều khác biệt?

- Trên cương vị quản lý, tôi không còn nhiều thời gian cho công tác giảng dạy nhưng với tôi mỗi lần được đứng trên giảng đường, truyền đạt kiến thức cho các em sinh viên là cảm thấy vô cùng hạnh phúc và say mê. Tôi vẫn dành thời gian hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó đã có 7 nhóm sinh viên được nhận các giải thưởng Tài năng khoa học trẻ, VIFOTEC… Tôi cũng được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về sự đóng góp đào tạo các sinh viên tài năng.

Không chỉ kiến thức, tôi muốn các em có thêm tình yêu với nông nghiệp, hiểu rõ hơn về triển vọng tươi sáng của ngành – cũng là một thế mạnh của Việt Nam. Hơn tất cả, tôi muốn các em phải là thế hệ tạo ra sự đổi mới cho ngành nông nghiệp, giúp nông sản của Việt Nam đi xa hơn, giúp mọi người thay đổi quan điểm gắn với nông nghiệp là gắn với nhiều rủi ro và vất vả. Tôi muốn các em trở thành những người làm giàu cho nông nghiệp, giàu có, ổn định nhờ nông nghiệp.

Còn trên cương vị một Đại biểu Quốc hội, tôi phải thể hiện trách nhiệm của người đại diện cho tiếng nói của cử tri, đóng góp để xây dựng hệ thống chính sách, luật pháp tạo động lực, nền tảng cho sự phát triển.

- Xin cảm ơn giáo sư!