Chiều ngày 10/5, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival hoa, cây cảnh VNUA 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chính thức khai mạc Hội thảo quốc gia với chủ đề “Phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam”. Sự kiện không chỉ là điểm nhấn học thuật trong festival mà còn là nơi gặp gỡ, kết nối giữa trí tuệ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn và khát vọng đổi mới ngành nghề giàu tiềm năng này.
    |
 |
Quang cảnh Hội thảo quốc gia với chủ đề “Phát triển bền vững ngành hoa, cây cảnh Việt Nam” - (Ảnh: Đức Thiện). |
Hội thảo quy tụ hơn 300 đại biểu đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau: các nhà khoa học đầu ngành, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nghệ nhân, nông dân và sinh viên. Tất cả cùng chung mục tiêu trao đổi kết quả nghiên cứu, mô hình sản xuất hiệu quả, xu hướng thị trường mới và những ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh hoa – cây cảnh.
Đại diện các cơ quan như Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Cục Lâm nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ cùng nhiều viện nghiên cứu và trường đại học uy tín như Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Di truyền Nông nghiệp, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam… cũng có mặt. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, cùng đại diện doanh nghiệp trên cả nước, đã mang tới những góc nhìn đa chiều và thực tiễn.
    |
 |
Phát biểu tại lễ khai mạc GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định phát triển ngành hoa, cây cảnh theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ và mang tính đột phá - (Ảnh: Đức Thiện). |
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã khẳng định những bước tiến ấn tượng của ngành hoa, cây cảnh trong những năm gần đây. Theo ông, ngành này không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái và văn hóa đô thị. Tính đến năm 2024, cả nước có khoảng 45.000 ha trồng hoa, cây cảnh – tăng gấp 8 lần so với năm 2000 – với tổng giá trị sản lượng ước đạt hơn 45.000 tỷ đồng/năm. Kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD, trong đó nổi bật là hoa lan, hoa hồng và hoa cúc.
Tuy vậy, ông Cường cũng không quên chỉ ra loạt thách thức mà ngành đang đối diện: thiếu vùng chuyên canh có quy hoạch hợp lý, công nghệ sản xuất – bảo quản còn lạc hậu, năng lực cạnh tranh yếu và dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Theo ông, để ngành phát triển theo hướng bền vững, hiện đại và hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ và mang tính đột phá.
Hội thảo vì thế được kỳ vọng trở thành không gian học thuật – thực tiễn giàu giá trị, nơi quy tụ sáng kiến, kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm sản xuất để cùng nhau kiến tạo tương lai cho ngành hoa, cây cảnh Việt Nam.
    |
 |
Bà Dương Thị Ngà – Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo thực vật phía Bắc (Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành hoa cây cảnh sẽ phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ - (Ảnh: Đức Thiện). |
Trong khuôn khổ hội thảo, bà Dương Thị Ngà - Phó Giám đốc Trung tâm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phía Bắc – đã trình bày một bức tranh toàn cảnh về ngành hoa, cây cảnh hiện nay. Theo số liệu, đến năm 2024, diện tích trồng hoa cả nước đạt 37.000 ha (tăng mạnh từ mức 24.600 ha năm 2015), với những loài hoa chủ lực như cúc, hồng, lan, ly và lay ơn. Đồng bằng sông Hồng dẫn đầu cả nước với khoảng 13.000 ha. Ở lĩnh vực cây cảnh, diện tích đạt gần 19.500 ha với các loại phổ biến như đào, mai, quất…
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh, ngành cũng đang gặp nhiều rào cản. Thứ nhất là nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu hụt trầm trọng. Lao động trẻ không mặn mà với nghề; trong khi đó lực lượng hiện tại chủ yếu lớn tuổi, khó tiếp cận công nghệ hiện đại. Cán bộ kỹ thuật và nhà nghiên cứu chuyên sâu về hoa – cây cảnh còn rất ít, chưa được đào tạo bài bản.
Thứ hai là sự manh mún trong tổ chức sản xuất. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, tưới nhỏ giọt… vẫn còn rải rác, quy mô nhỏ, chưa đồng bộ. Sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm và chịu nhiều rủi ro từ khí hậu.
Thứ ba, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Việc tiêu thụ hoa – cây cảnh chủ yếu theo mùa vụ, tập trung vào dịp lễ Tết. Chưa có thương hiệu mạnh, thiếu chiến lược tiếp thị, hệ thống logistics, trung tâm phân phối hay sàn giao dịch chuyên biệt. Điều này khiến giá trị sản phẩm không tương xứng với chất lượng.
Cuối cùng là khó khăn về vốn và thiếu chính sách hỗ trợ phù hợp. Chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao nhưng nông dân lại khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do cơ chế chưa thực tế.
Từ đó, bà Ngà đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành hoa – cây cảnh sẽ phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường và có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ. Các nhóm giải pháp được đề xuất bao gồm: tăng cường nghiên cứu khoa học, hoàn thiện chính sách tín dụng, mở rộng thị trường, tổ chức lại sản xuất và đào tạo nhân lực chuyên môn sâu.
    |
 |
PGS.TS Nguyễn Anh Trụ – Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, đã cung cấp cái nhìn bao quát thị trường về ngành hoa, cây cảnh - (Ảnh: Đức Thiện). |
Ở góc nhìn thị trường, PGS.TS Nguyễn Anh Trụ - Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh đã cung cấp cái nhìn bao quát: Năm 2023, thị trường hoa tươi Việt Nam đạt quy mô khoảng 1,2 tỷ USD, với hơn 36.000 ha canh tác. Ngành đang mở rộng phạm vi ứng dụng sang bất động sản, nhà hàng – khách sạn và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rào cản về bản quyền giống, kỹ thuật lạc hậu và thiếu liên kết vùng trồng.
So với thế giới, nơi thị trường hoa đạt khoảng 60 tỷ USD năm 2023 và đang tăng trưởng 5–6% mỗi năm, Việt Nam cần định hướng rõ hơn trong phát triển vùng sản xuất, hiện đại hóa công nghệ và xây dựng chuỗi giá trị bền vững để nâng cao vị thế quốc tế.
    |
 |
Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng đã mang đến một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo khi chia sẻ về kỹ thuật tạo tác bonsai trên đá tại hội thảo - (Ảnh: Đức Thiện). |
Bên lề hội thảo, nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng (Dũng CoCa - pv) đã mang đến một điểm nhấn nghệ thuật độc đáo khi chia sẻ về kỹ thuật tạo tác bonsai trên đá. Ông trình bày cách "hồi sinh" những gốc cây tưởng chừng bỏ đi, kết hợp với đá để tạo nên tác phẩm giàu tính thẩm mỹ và biểu cảm. Với ông, đá không chỉ là nền tảng sinh học mà còn là "linh hồn" của tác phẩm, mang đến sự giao hòa giữa thiên nhiên và nghệ thuật, góp phần tạo nên một hướng phát triển sáng tạo, bền vững cho nghệ thuật bonsai hiện đại.
    |
 |
Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên – Giám đốc BioPro, Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hoa tươi tại Việt Nam - (Ảnh: Đức Thiện). |
Trong tham luận về ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa theo hướng bền vững, Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên – Giám đốc BioPro, Công ty TNHH Dalat Hasfarm – đã nhấn mạnh bốn yếu tố then chốt tạo nên thương hiệu hoa xuất khẩu uy tín của Dalat Hasfarm, bao gồm: đầu tư vào công nghệ hiện đại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng, không ngừng đổi mới sản phẩm và áp dụng mô hình sản xuất hoa sạch. Nhờ đó, Dalat Hasfarm đã khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hoa tươi tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất hoa hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Thứ nhất, vấn đề dịch hại ngày càng phức tạp với xu hướng gia tăng mức độ gây hại, khả năng kháng thuốc phổ biến, khiến các biện pháp hóa học truyền thống trở nên kém hiệu quả. Thứ hai, tác động của biến đổi khí hậu gây rối loạn chu kỳ sinh trưởng của cây trồng và làm gia tăng nguy cơ bùng phát sâu bệnh ngoài dự báo. Thứ ba, yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố sạch, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc và hạn chế tối đa tồn dư hóa chất, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về áp dụng các giải pháp canh tác bền vững. Thứ tư, thị trường xuất khẩu cũng biến động mạnh, với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia có ngành công nghiệp hoa phát triển hơn.
Từ những phân tích thực tiễn, BioPro đã đưa ra các định hướng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành hoa tại Việt Nam, tập trung vào hai nhóm lợi ích cốt lõi: sinh thái – an toàn và kinh tế – ứng dụng.
Về lợi ích sinh thái và an toàn: Qua việc giảm thiểu sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật góp phần cân bằng hệ sinh thái trong môi trường canh tác nhà kính, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Mô hình này giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe như GlobalG.A.P. và canh tác hữu cơ (Organic).
Về lợi ích kinh tế và ứng dụng: Hướng tiếp cận này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn thúc đẩy mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao khả năng cạnh tranh và xuất khẩu. Mô hình của BioPro phù hợp với cả quy mô trang trại lớn lẫn các hộ sản xuất nhỏ, đồng thời mở ra triển vọng mở rộng nghiên cứu và ứng dụng đối với các loại hoa bản địa và cây cảnh truyền thống.
    |
 |
Kỹ sư Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đã trình bày tham luận về những cơ hội và thách thức trong sản xuất hoa tại Lâm Đồng - (Ảnh: Đức Thiện). |
Cũng tại hội thảo, Kỹ sư Nguyễn Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, đã trình bày tham luận về những cơ hội và thách thức trong sản xuất hoa tại Lâm Đồng. Ông cung cấp một cái nhìn tổng quan giúp đại biểu nhận diện tiềm năng hợp tác và phát triển ngành hoa của địa phương trong thời gian tới.
Theo đó, ngành trồng hoa, cây cảnh và lá trang trí tại Đà Lạt - Lâm Đồng đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn, sản phẩm đạt chất lượng cao và có sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Đây được coi là một ngành “công nghiệp không khói” mang lại lợi nhuận bền vững cho người nông dân. Tính đến năm 2024, diện tích trồng hoa tại Lâm Đồng đạt 10.908 ha, sản lượng tiêu thụ nội địa hơn 4,4 tỷ cành/năm, đồng thời xuất khẩu khoảng 400 triệu đơn vị sản phẩm (bao gồm cành hoa, lá trang trí, ngọn, cây giống…), với tổng giá trị gần 70 triệu USD.
Dù đạt được nhiều thành tựu, ngành hoa Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ nhiều bên. Kỹ sư Nguyễn Hữu Hoàng nhấn mạnh, để phát triển bền vững ngành hoa địa phương, cần có sự đồng hành của chính quyền tỉnh, Hiệp hội hoa Đà Lạt và chính những người sản xuất. Trong đó, bốn nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên là: hiện đại hóa sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hoa, từ sản xuất đến tiêu thụ.
Vương Hưởng
https://tapchivietnamhuongsac.vn/