Nhờ tiêm thí điểm vacxin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, một năm qua, trang trại lợn giống, lợn thương phẩm của gia đình ông Lương Văn Tuân đã tái đàn thành công.

leftcenterrightdel
Sau khi tiêm thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, những con lợn nái sót lại trong trại lợn của ông Lương Văn Tuân đã sinh đẻ bình thường. Ảnh: Minh Phúc. 

Hồi sinh sau bão dịch

Tháng 4/2019, gần 70 con lợn nái sinh sản trong trại giống của ông Lương Văn Tuân (thôn Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) bị chết vì dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), buộc phải đem đi tiêu hủy, chỉ còn 18 con nái và 25 lợn thịt sống sót. Cơ nghiệp hàng tỷ đồng bỗng chốc tan thành mây khói. Nhìn những ô chuồng trống rỗng, ánh mắt lão nông này không giấu nổi xót xa.

“Sau khi biết lợn của gia đình tôi nhiễm DTLCP, PGS.TS Lê Văn Phan cùng các nhà khoa học của Học viên Nông nghiệp Việt Nam đã hướng dẫn cho tôi quy trình phòng và trị bệnh. Những con ốm yếu loại bỏ hết, những con lợn nái khỏe mạnh được giữ lại để tiêm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn Châu Phi”, ông Tuân chia sẻ.

leftcenterrightdel
PGS.TS Lê Văn Phan (áo xanh thứ 3 từ trái sang) kiểm tra đàn lợn của gia đình ông Lương Văn Tuân sau để đánh giá hiệu lực của vacxin dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Minh Phúc. 

Ông Tuân cho biết: “Lúc đó, tôi không hy vọng loại vacxin DTLCP sản xuất tại Việt Nam có thể phòng được bệnh, bởi ngoài lợn của gia đình thì lợn của các hộ chăn nuôi trong thôn và các hộ xung quanh đều chết hết do DTLCP. Mục đích của tôi giữ lại những con lợn khỏe mạnh còn lại là để các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu tìm ra giải pháp để phòng và trị căn bệnh quái ác này”.

Ngày 7/5, đàn lợn được tiêm vacxin mũi đầu, hơn 10 ngày sau một số lợn lại ốm, bỏ ăn, lấy mẫu cả lợn nái lẫn lợn thịt xét nghiệm đều dương tính DTLCP nên ông loại tiếp 7 con nái, còn lợn thịt thì loại hết bởi chúng đều nhốt chung một ô chuồng, không riêng từng lồng như lợn nái. 11 con nái khỏe mạnh còn lại được tiêm mũi thứ hai vào ngày 26/5, 15 ngày sau tiêm tiếp mũi thứ ba. Tất cả đến nay sau khoảng một năm đều khỏe mạnh và sinh sản bình thường.

Vì có niềm tin vào loại vacxin DTLCP do Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu, ông Tuân quyết định giữ lại toàn bộ lợn giống để nuôi thương phẩm; đồng thời tuyển những con lợn thịt cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn để giữ làm nái hậu bị, tự nhân giống.

 

Tiêm hai mũi vacxin là đàn lợn an toàn

Theo ông Tuân, khi lợn con đẻ ra 13 – 14 ngày tiêm mũi vacxin đầu tiên DTLCP do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chuyển đến, sau đó 15 ngày tiêm nhắc lại mũi thứ hai thì có thể an tâm.

leftcenterrightdel
Video: Trang trại lợn của ông Lương Văn Tuân sau một năm thử nghiệm vacxin dịch tả lợn châu Phi. Thực hiện: Minh Phúc.

Điều thú vị là khu chuồng nuôi lợn của ông Lương Văn Tuân nằm sát kênh Cầu và trong khu dân cư đông đúc. Tuy nhiên, hơn một năm qua, trại lợn này hoàn toàn miễn nhiễm với DTLCP.

“Từ lúc bắt đầu tiêm vắc xin DTLCP đến bây giờ đã tròn 1 năm, gia đình tôi nâng số nái từ 10 lên 30 con.Đàn lợn nái đã đẻ được 3 lứa, mỗi lứa 70 – 80 con, ông giữ lại nuôi thương phẩm.

Thời điểm này, 1 con lợn giống 7kg có giá trên 3 triệu đồng. Ông Lương Văn Tuân đã trả hết số nợ 1 tỷ đồng trước đó và tích lũy thêm khoản tiền để mở rộng quy mô chăn nuôi. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và vacxin (thử nghiệm) miễn phí để đánh giá hiệu quả của vắc xin vô hoạt sản xuất trong nước.

Ông Tuân cho biết, vì muốn thử nghiệm vacxin nên phải chấp nhận thiệt hại hàng trăm triệu đồng so với phương án tiêu hủy ngay từ đầu (lúc ấy lợn nái sẽ được hỗ trợ 48.000đ/kg chứ không giá thấp như đợt sau cộng với tốn kém thêm rất nhiều tiền cám, tiền vật tư tiêu độc khử trùng nữa).

“Trong vùng các trại dính dịch để lại thử một vài con mà không tiêm vacxin đều không thể thoát chết. Cả làng giờ chỉ mỗi đàn lợn của nhà tôi còn cả xã thì có vài nhà sót lại. Tôi chỉ mong sao các nhà khoa học Việt Nam thành công trong việc chế tạo vacxin DTLCP để người chăn nuôi có thể khôi phục lại nghề chứ thiệt hại lớn quá rồi”, anh hi vọng”, ông Tuân nói. 

Minh Phúc - https://nongnghiep.vn