Nấm vân chi có tên khoa học là Trametes versicolor ((L.) Lloyd), tên đồng nghĩa Coriolus versicolor ((L.) Quel) là một loài nấm phân hủy lignin từ các vật liệu lignocellulose như gỗ cây. Bề mặt quả thể nấm là các vòng đồng tâm cùng các màu sắc khác nhau, phần rìa ngoài có màu nhạt nhất. Thịt nấm dày từ 1-3mm, không cuống, có kết cấu như chất da, thường mọc thành từng lớp, bề mặt có lông mịn, mặt dưới chứa lỗ phóng bào tử, số lượng trung bình 3-8 lỗ/mm2.

Trong quả thể nấm vân chi có chứa rất nhiều hợp chất có giá trị dược liệu cao. Năm 2004, Boa đã chỉ ra rằng vân chi là một trong 25 loài nấm dược liệu quý trên thế giới có tiềm năng rất lớn trong điều trị lâm sàng. Ngoài các hợp chất đại phân tử cơ bản như protein, cacbohydrate, lipid và chất khoáng, trong quả thể nấm vân chi còn chứa các hợp chất chuyển hóa thứ cấp có tác dụng dược liệu tiềm năng như các hợp chất có trọng lượng phân tử nhỏ và các polysaccharides. Trong một nghiên cứu, Wang và cộng sự (2015) đã phát hiện ra bốn sesquiterpenes spiroaxane mới, tramspiroins A–D (1–4), một rosenonolactone mới 15,16-acetonide (5), và một sesquiterpenes drimane đã biết isodrimenediol (6) và funatrol D (7). Trong nghiên cứu dựa trên HPLC–MS/MS, Janjušević (2017) đã xác định được 38 hợp chất phenolic thuộc nhóm flavonoid (flavon, flavonol, flavanone, flavanol, biflavonoid, isoflavonoid) và axit hydroxy cinnamic trong quả thể nấm vân chi C. versicolor có nguồn gốc từ châu Âu. Mặc dù các hợp chất có trọng lượng phân tử nhỏ này không được coi là thành phần chính, nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm về khả năng đóng góp của chúng vào tác dụng sinh học của nấm vân chi.

Hợp chất hóa học quan trọng nhất đóng vai trò quyết định đến hoạt tính dược liệu của nấm vân chi là các chuỗi polysaccharides. Theo Habtemariam (2020), thành phần dược tính sinh học chính của C. versicolor là các polysaccharopeptides (PSP), chất được chiết xuất từ hệ sợi nấm hoặc dịch lên men. Hiện nay, các loại polysaccharide này được coi như sản phẩm thương mại, mà nguồn chính xuất phát từ Trung Quốc (PSP từ chủng nấm COV-1) và Nhật Bản (PSK hay PSP Krestin từ chủng nấm CM-101).

CÁC TÁC DỤNG CHÍNH CỦA NẤM VÂN CHI

1. Hỗ trợ kiểm soát HIV

Năm 1997, Collins và cộng sự đã chỉ ra rằng các polysaccharide từ nấm vân chi có tác dụng ngăn cản liên kết giữa protein HIV-1 của virus và thụ thể CD4 từ đó ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào miễn dịch, đồng thời còn có tác dụng ức chế các enzym HIV-1 cần thiết cho sự tạo thành virus. Vì vậy PSP được đề nghị như một liệu pháp hữu hiệu chống lại HIV type 1.

Năm 2001, Marijke đã thực hiện một nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân HIV. Các bệnh nhân này được điều trị bằng Coriolus MRL -  một dược phẩm chế xuất từ nấm vân chi, kết hợp với phương pháp châm cứu và dùng thảo dược; một số có dùng thêm HAART -  một loại thuốc chống AIDS. Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 3 – 4 tháng điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân đều được cải thiện, biểu hiện như tăng cân, cảm thấy khỏe khoắn hơn, giải tỏa ức chế tâm lý. Đặc biệt số lượng virus trong cơ thể họ đều giảm một cách đáng kinh ngạc (từ vài chục nghìn xuống vài nghìn) và số lượng các tế bào trình diện kháng thể CD4 đều tăng.

2. Tăng cường hệ miễn dịch

Năm 2000, Kidd đã công bố rằng PSP và PSK có tác dụng chung là hoạt hóa và tăng cường sự sản sinh đồng thời có tác dụng bảo vệ các tế bào của hệ miễn dịch. Chúng kích thích làm tăng sự sản xuất interferon, interleukin và các TNF (các yếu tố hoại tử khối u), nhờ đó thúc đẩy sự sản xuất tế bào lymphocyte, đồng thời hoạt hóa các đại thực bào.

Trong một thí nghiệm năm 2019, Dou đã chỉ ra rằng PSP là thành phần hoạt tính chính trong chiết xuất từ hệ sợi nấm vân chi C. versicolor và ß-glucan được tìm thấy như một thành phần thiết yếu của PSP. ß-glucan có chức năng điều hòa miễn dịch. Ngoài ra, PSP giúp kích hoạt và tăng cường chức năng nhận biết của các tế bào miễn dịch; tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào; tăng biểu hiện của cytokine và chemokine như yếu tố hoại tử khối u-α (TNF-α), interleukin (IL-1β và IL-6), histamine, prostaglandin E; kích thích quá trình lọc của cả tế bào đuôi gai và tế bào T vào khối u.

3. Tác dụng hỗ trợ chống ung thư

* Chống ung thư thông qua tiết độc tính trực tiếp với tế bào ung thư

Năm 1990, Nakajima và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu, kết quả chỉ ra rằng PSK có trong dịch chiết của nấm C.versicolor có tác dụng ức chế quá trình sinh ung thư gan ở chuột do 3′-methyl-4-dimethylaminoazobenzene gây ra

Tác dụng chống ung thư của polysaccharides trong dịch chiết nấm vân chi đã được chứng minh trong các thí nghiệm thực nghiệm trong ống nghiệm, invivo và thực nghiệm lâm sàng.

- Bằng chứng thông qua các thí nghiệm trong ống nghiệm

Roca-lema và cộng sự (2019) đã sử dụng chiết xuất giàu polysaccharide từ hai loài nấm Trametes versicolorGrifola frondosa để thực hiện thí nghiệm chống lại tế bào ung thư ruột kết ở người LoVo và HT-29. Bằng cách thực hiện xét nghiệm độc tính, xét nghiệm sự tăng sinh tế bào, xét nghiệm sự xâm lấn Roca-lema công bố rằng các polysaccharide trong dịch chiết đã ức chế sự tăng sinh tế bào ruột kết ở người và gây độc tế bào. Hơn nữa, cả hai loại dịch chiết đều có tác dụng ức chế đáng kể tiềm năng gây ung thư, sự di chuyển và sự xâm lấn của tế bào ung thư.

- Bng chứng thông qua các thí nghiệm invivo

Năm 2011, Luk và cộng sự đã thực hiện một thí nghiệm để xác định tác dụng của PSP đối với tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Sau khi thực hiện nuôi chuột chuyển gen mang khối u tuyến tiền liệt tự phát TgMAP bằng PSP (dịch chiết từ nấm Coriolus versicolor) trong 20 tuần, nhóm nghiên cứu nhận được kết quả 100% số chuột được nuôi không tìm thấy khối u tuyến tiền liệt nào trong cơ thể. Điều này chứng tỏ PSP có tác dụng ức chế hoàn toàn sự hình thành khối u tuyến tiền liệt.

- Bằng chứng thông qua các thử nghiệm lâm sàng

Khi thực hiện thí nghiệm trên 15 bệnh nhân ung thư gan ở Singapore (những người đã thất bại trong điều trị hoặc không thích hợp với liệu pháp tiêu chuẩn), Chay và cộng sự (2017) đã chỉ ra rằng sử dụng dịch chiết từ nấm C.versicolor với liều lượng 2.4g/ngày giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống.

Brown và cộng sự (2012) đã công bố rằng khi điều trị bằng PSP có thể làm chậm sự tiến triển ung thư máu di căn ở chó.

* Chống ung thư thông qua kích thích hệ thống miễn dịch

Các nghiên cứu về tiềm năng điều trị miễn dịch sử dụng  polysaccharide từ dịch chiết nấm C. versicolor  trong bệnh ung thư bắt đầu vào cuối những năm 1970 và phát triển mạnh vào những năm 1980 và 1990. Năm 1977, Kataoka và cộng sự báo cáo rằng khả năng kháng miễn dịch ở chuột có thể được tạo ra khi các polysaccharide liên kết với protein được sử dụng cùng với các tế bào bạch cầu của chuột L1210. Việc ức chế sản xuất TNF-α ở chuột bằng các tác nhân kháng u độc tế bào (5-fluorouracil, cyclophosphamide và bleomycin) được cải thiện bởi PSK nhờ tiềm năng điều trị miễn dịch (Mori, 1987). Năm 1991, Qian và công sự cho rằng tác dụng ức chế miễn dịch của cyclophosphamide ở chuột cũng có thể bị PSP loại bỏ.

- Bằng chứng thông qua các thí nghiệm trong ống nghiệm

Kowalczewska và cộng sự (2016) đã thực hiện thí nghiệm nhằm mục đích điều tra tác dụng điều hòa miễn dịch của polysaccharide liên kết với protein (PBP), được chiết xuất từ C.versicolor. Kết quả thu được chỉ ra rằng polysaccharide làm kiềm chế sự phát triển của tế bào ung thư vú MCF-7. Ngoài ra, các PBP đã làm tăng phản ứng tăng sinh của tế bào lympho máu nhờ việc điều hòa mRNA IL-6 và IL-1ß.

Năm 2015, Yang và cộng sự đã báo cáo rằng polysaccharide từ dịch chiết quả thể nấm Coriolus versicolor có thể liên kết và gây hoạt hóa tế bào B bằng cách sử dụng màng Ig và TLR-4 làm các thụ thể miễn dịch tiềm năng. Chúng kích hoạt tế bào B của chuột thông qua các con đường tín hiệu MAPK và NF- κB.

- Bằng chứng thông qua các nghiên cứu invivo

Jedrzejewski và công sự (2014) đã báo cáo rằng dịch chiết PSP từ nấm Coriolus versicolor có thể giúp hạ nhiệt độ nhanh chóng ở chuột bị ung thư nhờ tăng sản sinh TNFα

- Bằng chứng thông qua nghiên cứu trên người

Năm 2012, Ito và cộng sự đã thực hiện một thực nghiệm điều trị bổ trợ trên nhóm gồm 349 bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn II, III. Các bệnh nhân được chia làm hai nhóm: nhóm 1 điều trị bằng hóa trị liệu, nhóm 2 điều trị bằng hóa trị liệu kết hợp với PSK (dịch chiết từ nấm Coriolus versicolor). Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân điều trị kết hợp PSK có tỷ lệ không tái phát bệnh sau 3 năm cao hơn nhóm bệnh nhân chỉ hóa điều trị.

Năm 2012, trong một thực nghiệm nghiên cứu tác dụng của dịch chiết nấm Trametes versicolor đối với bệnh nhân ung thư vú, Torkelson và cộng sự đã báo cáo rằng sô lượng tế bào lympho tăng lên khi bệnh nhân sử dụng iều lượng 6 hoặc 9g/ngày; tế bào tiêu diệt tự nhiên trong cơ thể tăng chức năng hoạt động với liều lượng 6g/ngày; và khi sử dụng dịch chiết nấm Trametes versicolor cơ thể bệnh nhân có sự tăng sinh tế bào T CD8+ và tế bào CD19+B.

KẾT LUẬN

Polysaccharides từ dịch chiết nấm vân chi có tác dụng dược liệu tuyệt vời, có ý nghĩa lớn đối với y học hiện nay. Rất nhiều thí nghiệm, thực nghiệm đã được thực hiện chứng tỏ PSP và PSK từ nấm vân chi có tác dụng hỗ trợ điều trị HIV đặc biệt là HIV type 1; tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể; đặc biệt có tác dụng lớn đối với nhiều loại bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Boa E., (2004). Wild Edible Fungi, A Global Overview of Their Use and Importance to People, Non-wood Forest Products Series no. 17. FAO, Rome. 147 pp.

Brown, D.C.; Reetz, J. (2012).  Single agent polysaccharopeptide delays metastases and improves survival in naturally occurring hemangiosarcoma. Evid. Based Complement Alternat. Med. 384301.

2.    Chay, W.Y.; Tham, C.K.; Toh, H.C.; Lim, H.Y.; Tan, C.K.; Lim, C.; Wang, W.W.; Choo, S.P. ( 2017). Coriolus versicolor (Yunzhi) Use as Therapy in Advanced Hepatocellular Carcinoma Patients with Poor Liver Function or Who Are Unfit for Standard Therapy. J. Altern. Complement. Med. 23, 648–652.

3.    Collins R.A. and Ng T.B. (1997) ."Polysaccharides from Coriolus versicolor has potential for use against human immunodeficiency virus type I infection". Life Sciences. 60(25), pp. 383-387.

4.    Dou H, Chang Y, Zhang L. (2019). “Coriolus versicolor polysaccharopeptide as an immunotherapeutic in China”. Progress in Molecular Biology and Translational Science. Volume 163: 361-381

5.    Habtemariam S. (2020). “Trametes versicolor (Synn. Coriolus versicolor) Polysaccharides in Cancer Therapy: Targets and Efficacy”. Biomedicines. 8(5): 135

6.    Ito, G.; Tanaka, H.; Ohira, M.; Yoshii, M.; Muguruma, K.; Kubo, N.; Yashiro, M.; Yamada, N.; Maeda, K.; Sawada, T.; et al. (2012). Correlation between efficacy of PSK postoperative adjuvant immunochemotherapy for gastric cancer and expression of MHC class I. Exp. Ther. Med. 3, 925–930.

7.    Janjušević, L.; Karaman, M.; Šibul, F.; Tommonaro, G.; Iodice, C.; Jakovljevic, D.M.; Pejin, B. (2017). The lignicolous fungus Trametes versicolor ((L.) Lloyd) A promising natural source of antiradical and AChE inhibitory agents. J. Enzyme Inhib. Med. Chem. 

8.    Jedrzejewski, T.; Piotrowski, J.; Wrotek, S.; Kozak, W. (2014). Polysaccharide peptide induces a tumor necrosis factor-alpha-dependent drop of body temperature in rats. J. Therm. Biol. 44, 1–4.

9.    Kataoka, T.; Oh-hashi, F.; Tsukagoshi, S.; Sakurai, Y. (1977). Enhanced induction of immune resistance by concanavalin A-bound L1210 vaccine and an immunopotentiator prepared from Coriolus versicolor. Cancer Res. 37, 4416–4419.

10.    Kidd P.M. (2000). The Use of Mushroom Glucans and Proteoglycans in Cancer Treatment, Alternative Medicine Review, 5(1): 4-27.

11.    Kowalczewska, M.; Piotrowski, J.; Jedrzejewski, T.; Kozak, W. (2016). Polysaccharide peptides from Coriolus versicolor exert differential immunomodulatory effects on blood lymphocytes and breast cancer cell line MCF-7 in vitro. Immunol. Lett. 174, 37–44.

12.    Luk, S.U.; Lee, T.K.; Liu, J.; Lee, D.T.; Chiu, Y.T.; Ma, S.; Ng, I.O.; Wong, Y.C.; Chan, F.L.; Ling, M.T. (2011).  Chemopreventive effect of PSP through targeting of prostate cancer stem cell-like population. PLoS ONE, 6, e19804.

13.    Marijke P. (2001). “The clinical use of coriolus versicolor suplementationin HIV+ patients and the impact on CD4 count and viral load”, march 10 th presentation at the 3rd international from mycology research laboratoieres.

14.    Mori, H.; Mihara, M.; Teshima, K.; Uesugi, U.; Xu, Q.; Sakamoto, O.; Koda, A. (1987). Effect of immunostimulants and antitumor agents on tumor necrosis factor (TNF) production. Int. J. Immunopharmacol. 9, 881–892

15.    Nakajima, T.; Ichikawa, S.; Uchida, S.; Komada, T. (1990). Effects of a protein-bound polysaccharide from a basidiomycetes against hepatocarcinogenesis induced by 3′-methyl-4-dimethylaminoazobenzene in rats. Clin. Ther.12, 385–392

16.    Qian, Z.M.; Xu, M.F.; Tang, P.L. (1997). Polysaccharide peptide (PSP) restores immunosuppression induced by cyclophosphamide in rats. Am. J. Chin. Med. 25, 27–35.

17.    Roca-Lema, D.; Martinez-Iglesias, O.; Fernandez de Ana Portela, C.; Rodriguez-Blanco, A.; Valladares-Ayerbes, M.; Diaz-Diaz, A.; Casas-Pais, A.; Prego, C.; Figueroa, A. (2019). In vitro anti-proliferative and anti-invasive effect of polysaccharide-rich extracts from Trametes versicolor and Grifola frondosa in colon cancer cells. Int. J. Med. Sci.16, 231–240.

18.    Torkelson, C.J.; Sweet, E.; Martzen, M.R.; Sasagawa, M.; Wenner, C.A.; Gay, J.; Putiri, A.; Standish, L.J. (2012). Phase 1 Clinical trial of Trametes versicolor in women with breast cancer. ISRN Oncol. 25163

19.    Wang, S.R.; Zhang, L.; Chen, H.P.; Li, Z.H.; Dong, Z.J.; Wei, K.; Liu, J.K. (2015). Four new spiroaxane sesquiterpenes and one new rosenonolactone derivative from cultures of Basidiomycete Trametes versicolor. Fitoterapia,105, 127–131

20.    Yang, S.F.; Zhuang, T.F.; Si, Y.M.; Qi, K.Y.; Zhao, J. (2015). Coriolus versicolor mushroom polysaccharides exert immunoregulatory effects on mouse B cells via membrane Ig and TLR-4 to activate the MAPK and NF-κB signaling pathways. Mol. Immunol. 64, 144–151.

Nguyễn Thị Huyền Trang – Viện Nghiên cứu và phát triển nấm ăn, nấm dược liệu