Ngày 27/10/2021, nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng Tiếng Anh – Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar với chủ đề là “Những kỹ thuật phỏng nghĩa hiệu quả” (Effective Paraphrasing Techniques) do ThS. Nguyễn Thị Kim Quế – Bộ môn Tiếng Anh chuyên nghiệp trình bày.
Phỏng nghĩa là một biện pháp hữu hiệu, trích dẫn những ý kiến, thông tin của tác giả khác vào bài viết của mình. Khi được cung cấp nguồn đầy đủ, phỏng nghĩa giúp người viết tránh được lỗi đạo văn. Chủ đề “Những kỹ thuật phỏng nghĩa hiệu quả” đặc biệt phù hợp cho các bạn sinh viên làm nghiên cứu khoa học hoặc các bạn chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp.
Theo phân tích trong bài trình bày, phỏng nghĩa có mối liên hệ chặt chẽ với kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết. Phỏng nghĩa giúp tăng khả năng đọc hiểu và phát triển kỹ năng viết. Kỹ thuật này còn là một cách trích dẫn tài liệu hiệu quả để thay thế việc trích dẫn nguyên văn. Đặc biệt, phỏng nghĩa đúng cách giúp người viết không bị phạm lỗi đạo văn. Đây có lẽ là vai trò quan trọng nhất của phỏng nghĩa.
Trong bài seminar của mình, ThS. Nguyễn Thị Kim Quế tổng hợp một số vấn đề lý thuyết quan trọng liên quan đến phỏng nghĩa. Qua phân tích các tài liệu, tác giả kết luận các định nghĩa đều nêu lên 2 đặc điểm nổi bật của phỏng nghĩa là: KHÔNG sử dụng lại nguyên văn từ ngữ, câu chữ của bài gốc và KHÔNG làm thay đổi ý của bài nguồn.
Qua kinh nghiệm giảng dạy thực tiễn và tổng hợp các tài liệu nghiên cứu, tác giả có đưa ra 1 số khó khăn, trở ngại của sinh viên khi thực hiện phỏng nghĩa, bao gồm:
- Khó xác định từ đồng nghĩa phù hợp thay thế cho từ/ cụm từ trong văn bản gốc;
- Khó hiểu các thuật ngữ trong văn bản nguồn;
- Khó dùng cấu trúc khác diễn đạt lại ý của văn bản gốc;
- Không biết cách phỏng nghĩa hiệu quả;
- Khó lấy được ý chính của văn bản gốc để diễn đạt lại.
Những khó khăn này chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: khả năng ngôn ngữ và vốn từ vựng còn hạn chế, thiếu kiến thức lý thuyết về phỏng nghĩa, ít được luyện tập phỏng nghĩa, và không biết đến các kỹ thuật phỏng nghĩa.
Để góp phần giải quyết những vẫn đề này, tác giả đã gợi ý những kỹ thuật phỏng nghĩa hiệu quả như: Thay đổi từ vựng (dùng các từ đồng nghĩa), thay đổi từ loại, thay đổi trật tự từ, thay đổi cấu trúc câu (VD: đổi câu chủ động sang bị động hay ngược lại, đổi câu khẳng định sang phủ định và ngược lại, kết hợp câu, thay đổi liên từ). Ngoài ra, còn có các kỹ thuật như mở rộng cụm từ/ mệnh đề, rút gọn cụm từ/ mệnh đề, sắp xếp lại các ý và một số kỹ thuật phỏng nghĩa hiệu quả trong cuốn sách “English for academic research: Writing exercises” (Wallwork, 2013).
Seminar đã diễn ra sôi nổi với các ý kiến thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ các giảng viên của Khoa Sư phạm và Ngoại ngữ. Kết thúc buổi seminar, ThS. Nguyễn Thị Kim Quế đã kết luận: Kỹ năng phỏng nghĩa là Kỹ năng rất quan trọng vì nó làm cho bài viết phong phú hơn về mặt từ vựng và cho người đọc thấy là bạn biết cách ‘biến hóa’ câu từ của mình để tránh sự lặp đi lặp lại trong bài viết. Qua bài trình bày, tác giả cũng đưa ra những đề xuất: nghiên cứu để tìm ra thực trạng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh áp dụng phỏng nghĩa trong các bài viết học thuật của mình như thế nào, từ đó phát triển một khóa học hay một chương trình phù hợp hỗ trợ sinh viên nâng cao khả năng phỏng nghĩa.
Nhóm NCM Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh