\r\n Cạnh trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có một trang trại nhỏ gồm ao, chuồng để thả cá, nuôi dê, thỏ, gà, giun quế… Điều đặc biệt của trang trại này là những nông dân làm việc ở đó đều là sinh viên. Lợi nhuận thu được từ trang trại sẽ dùng để quay vòng vốn, nhằm mở rộng quy mô hoạt động, nuôi thả thêm nhiều loại vật nuôi, thủy sản…

\r\n

\r\n Rèn nghề ở “trại Quang Trung”

\r\n

\r\n “Trại Quang Trung” là tên của nông trại thú vị mà hàng chục sinh viên thuộc CLB Chuyên ngành khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản (AAC), trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đang “rèn nghề”. Đặng Hồng Vân Trang (năm thứ tư) cho biết, CLB AAC ra đời năm 2010 với mục đích tạo môi trường sinh hoạt để sinh viên ứng dụng những kiến thức học trên lớp vào thực tiễn nghề nông, nâng cao tay nghề chuyên môn của sinh viên. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút đông đảo sinh viên trong khoa tham gia, hoạt động trong 4 nhóm chủ đạo gồm: Nhóm Dê và Thỏ, nhóm Thủy sản, nhóm Giun quế và nhóm Côn trùng. Với mỗi nhóm, khoa sẽ có một số hỗ trợ về cơ sở vật chất (cho mượn ao, xây dựng chuồng trại…), đồng thời, các thầy cô sẽ hỗ trợ tư vấn về mặt kỹ thuật.

\r\n

\r\n Hồ Anh Kiệt (năm thứ ba, trưởng nhóm Thủy sản) cho biết, nhóm hiện có 15 thành viên chính thức cùng hàng chục cộng tác viên. Với chiếc ao rộng 2.000 m2 được khoa cho mượn, các thành viên trong nhóm đã đóng góp 150.000 đồng/người để có số vốn đầu tiên tiến hành việc chăn thả cá chép giống V1. “Chúng mình kết nối với các anh chị khóa trên đã ra trường nên nhập được 40.000 con cá giống, với nhiều ưu đãi. Các anh chị ấy cũng đảm bảo luôn cả đầu ra nên công tác của chúng mình chỉ là chăn thả và nuôi sao cho cá phát triển tốt. Với số vốn ban đầu do thành viên tự đóng góp, hiện chúng mình đã đầu tư được một máy bơm nước, tự mua được thức ăn và lo các khoản chi phí phụ khác”, Kiệt chia sẻ.

\r\n
\r\n Nhóm Thủy sản mượn ao của khoa để chăn nuôi cá chép giống.\r\n

\r\n Nhóm Thủy sản mượn ao của khoa để chăn nuôi cá chép giống.

\r\n
\r\n

\r\n Hằng ngày, nhóm đều cắt cử thành viên ra ao nuôi để xem xét tình hình thời tiết, màu nước ao, cá có bệnh tật gì không và phát triển ra sao… Tất cả những công việc đó đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết trong cuốn sổ theo dõi. Kiệt cho biết, trước đó, vào tháng 5/2013, nhóm đã tiến hành thí điểm việc nuôi 1.000 con ếch. Tuy nhiên, do chưa có ao thả, nhóm phải nuôi bằng bể lót bạt, kinh nghiệm quản lý kém nên một lượng ếch lớn bị thất thoát (bị bắt hoặc nhảy đi nơi khác), nhiều con bị bệnh. Vụ chăn nuôi ấy, nhóm chỉ hòa vốn. Lấy đó làm kinh nghiệm “xương máu”, lần này, việc quyết định “nuôi con gì” được nhóm xem xét và thảo luận rất kỹ. “Lần này, chúng mình chọn nuôi cá chép giống V1 không chỉ vì đây là loài cá chép nuôi phổ biến hiện nay, mang lại nguồn lợi cao mà còn bởi nó rất phù hợp: Nguồn giống giá rẻ, ít vốn hơn nuôi cá thương phẩm, khả năng quay vòng vốn nhanh, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp”, Vân Trang nói.

\r\n

\r\n Để giảm chi phí thức ăn, nhóm còn sử dụng thêm các loại thức ăn tự nhiên như: Bèo, cơm thừa… được thu gom từ các xóm trọ sinh viên hoặc ủ phân để gây màu nước cho ao. Sau hơn một tháng hoạt động, hiện nhóm đã thu hoạch được mẻ cá giống đầu tiên, với 10.000 con.

\r\n

\r\n Nhóm Giun quế với 10 thành viên, nuôi giun trên diện tích 35 m2, mỗi tháng tạo ra 1.500 kg phân giun và 240 kg giun sinh khối (trong giun sinh khối chứa khoảng 30 – 40% giun tinh) và bán chúng ra thị trường (giá giun sinh khối là 50.000 đồng/kg, giun tinh là 150.000 đồng/kg). Hiện nhóm còn phát triển thêm dự án nuôi gà Đông Tảo để thực hành mô hình chăn nuôi chăm sóc, kiểm soát dịch bệnh, đồng thời, gà cũng sẽ tiêu thụ một phần giun tinh do chính nhóm sản xuất ra.

\r\n

\r\n Nhóm Dê và Thỏ có “suất” 400 m2 trong trại Quang Trung. Với số lượng thành viên đông đảo nhất gồm 30 người, hiện nhóm đang chăn 10 con thỏ, 20 dê. Trong đó, có 2 con dê đực giống, 7 con dê mẹ vắt sữa, mỗi ngày, thu về 8 – 10 lít sữa dê. Sữa dê của nhóm do rất đảm bảo an toàn nên luôn trong tình trạng “cháy hàng”, khách đa phần là các thầy cô trong trường, nếu khách ngoài muốn mua sữa thì phải đặt hàng trước một hôm. Phan Văn Trung (nhóm trưởng) cho biết, nhóm được chia làm 3 tổ nhỏ: Tổ Dinh dưỡng, sinh sản (lo khẩu phần ăn, sinh đẻ cho vật nuôi); tổ Bệnh lý (theo dõi sức khỏe, tiêm phòng); tổ Xây dựng và đồng cỏ (lo chuồng trại, cung cấp cỏ). Tất cả 3 tổ trên đều có tổ trưởng quản lý và báo cáo lại nhóm trưởng thường xuyên. Công việc hằng ngày của nhóm được lên cụ thể và viết lên 2 bảng thông tin cho thành viên tiện theo dõi.

\r\n

\r\n Nhóm Côn trùng là nhóm “non trẻ” nhất trong câu lạc bộ, vừa được thành lập đầu năm nay, dựa tên ý tưởng của bạn Vũ Văn Thái Hòa. Với 12 thành viên chính thức, nhóm nuôi thử nghiệm dế ở một ngách nhỏ rộng 20 m2 trong trại Quang Trung. Các thành viên sẽ cuốc đất, trồng rau, cỏ để có thức ăn cho dế. Hiện đàn dế đang phát triển tốt. Sắp tới, nhóm sẽ nuôi thêm một số loài côn trùng khác.

\r\n
\r\n Trưởng nhóm Côn trùng, bạn Thái Hòa, đang cho dế ăn\r\n

\r\n Trưởng nhóm Côn trùng, bạn Thái Hòa, đang cho dế ăn

\r\n
\r\n

\r\n Những bài học từ sách vở ra thực tế

\r\n

\r\n Thành viên trong CLB AAC đều khẳng định, việc được thực hành, cọ xát thực tiễn, chịu trách nhiệm với mô hình chăn nuôi của chính mình đã khiến các bạn có thêm nhiều trải nghiệm quý báu. Kiệt chia sẻ: “Ở lớp, chúng mình học được rằng, vôi có khả năng diệt tạp, tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng bao nhiêu vôi, cho diện tích ao bao nhiêu thì là những con số rất khó nhớ. Hoạt động trong nhóm Thủy sản, được trực tiếp dùng vôi diệt tạp nên ghi nhớ một cách tự nhiên, chứ không cần nhớ theo kiểu “học vẹt”. Rồi việc quan sát màu nước ao, việc quan sát cá để nắm được bệnh cũng không còn là những kiến thức đơn thuần sách vở nữa”.

\r\n

\r\n Bùi Thọ Hòa (năm thứ nhất) kể: “Chú mình nuôi ếch nhưng do chưa biết cách xử lý ao nuôi dẫn đến việc ếch thất thoát. Mình về nhà, nhìn màu nước ao nuôi của chú và phát hiện ra chú thải trực tiếp phân xuống ao, bỏ qua giai đoạn ủ, lượng thức ăn chú rải xuống ao quá nhiều khiến nước bị ô nhiễm. Qua tìm hiểu sách vở và hỏi những người giàu kinh nghiệm, chú thấy mình nói đúng rồi thay đổi cách làm, mình được chú tin tưởng hơn. Nếu không nhờ hoạt động trong nhóm Thủy sản, thì chưa chắc mình đã đưa ra được các phán đoán đúng như vậy”.

\r\n

\r\n Phan Văn Trung cũng bảo, nhờ việc chăn nuôi thỏ và dê, các thành viên trong nhóm đã học được những kỹ thuật chăm sóc, chuồng trại, thức ăn, dịch tễ… đầy thực tiễn. Sinh viên sẽ không bỡ ngỡ sau khi ra trường và dễ dàng bắt tay vào công việc chuyên môn ở nơi làm việc.

\r\n

\r\n HỒNG GIANG

\r\n

\r\n (Theo SVVN)

\r\n