Chiều ngày 6/9/2021 đã diễn ra Seminar trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn sinh kế của nông dân sau thu hồi đất: Trường hợp nghiên cứu ở xã Dị Sử, Việt Nam” (Livelihood Choices of Individual Farmers after Land Expropriation: The Case in Di Su Commune, Vietnam) do TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương – thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Nhật Bản về thực phẩm, kinh tế nông nghiệp và nguồn lực, số 72 (1) năm 2021.

Tham dự buổi Seminar có PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng và TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, cùng đông đảo các giảng viên, nghiên cứu viên trong Khoa tham dự. PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng chủ tọa seminar.

leftcenterrightdel

Trình bày seminar trực tuyến thông qua ứng dụng Microsoft Teams - Ảnh Nguyễn Thị Huyền Châm - VNUA

Mở đầu bài trình bày, TS. Thương trình bày tóm tắt về bối cảnh thu hồi đất cho quá trình công nghiệp hóa – đô thị hóa và tác động đối với sinh kế của người dân, đặc biệt là tới nông dân bị thu hồi đất. Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung vào tác động tức thì của việc thu hồi đất đối với các lựa chọn sinh kế ở cấp hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập văn hóa ngày nay, sự quyết định sinh kế của mỗi cá nhân ngày càng trở nên độc lập mà không bị áp lực nhiều từ phía gia đình. Do vậy, nghiên cứu này tiếp cận về lựa chọn sinh kế ở cấp độ cá nhân và sau 5 năm kể từ khi người nông dân bị thu hồi đất. Mục tiêu của nghiên cứu là điều tra sự thay đổi các lựa chọn sinh kế và thu nhập của người nông dân sau khi bị thu hồi đất, đồng thời phân tích các yếu tố quyết định tới sự lựa chọn sinh kế của người nông dân.

Địa điểm nghiên cứu được lựa chọn là xã Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên – nơi có quá trình thu hồi đất tại 3 thôn Bưởi, Sài và Tháp cho dự án xây dựng Khu công nghiệp Thăng Long II năm 2012. Nghiên cứu đã sử dụng mô hình hồi quy logistic đa biến để phân tích dữ liệu điều tra từ 110 người nông dân năm 2012 với 3 lựa chọn sinh kế cho năm 2017 gồm: công việc phi nông nghiệp, công việc nông nghiệp và thất nghiệp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 28% nông dân vẫn tiếp tục làm công việc đồng áng, 32% chuyển sang công việc phi nông nghiệp và 40% trở thành người thất nghiệp. Việc chuyển đổi của cá nhân từ công việc nông nghiệp sang công việc phi nông nghiệp là một lựa chọn tốt để đạt được thu nhập cao hơn nhiều và trang trải cho các thành viên khác trong hộ gia đình. Một số ít nông dân tăng thu nhập của họ bằng việc thay đổi chiến lược sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường. Nghiên cứu cũng chỉ ra 3 biến độc lập gồm tuổi của nông dân, việc sống ở thôn Tháp và tỷ lệ mất đất của hộ có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sinh kế của người nông dân sau thu hồi đất.

Từ các kết quả đạt được, nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị tới chính quyền và người nông dân. Chính quyền nên đầu tư phát triển các năng lực cần thiết cho các cá nhân trong việc lựa chọn sinh kế bao gồm việc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính như tổ chức khóa đào tạo, tư vấn và tín dụng vi mô, và cải thiện cơ sở hạ tầng trong toàn xã. Đối với người nông dân, họ cần chủ động tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp phù hợp với điều kiện của mình để có thu nhập cao hơn, hoặc chuyển đổi hệ thống canh tác truyền thống sang hệ thống canh tác hiện đại theo hướng thị trường có sự kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

leftcenterrightdel

Địa bàn nghiên cứu là xã Dị Sử, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên - Ảnh Nguyễn Thị Huyền Châm - VNUA

 

Tại phiên thảo luận, bài seminar đã nhận được các ý kiến trao đổi, chia sẻ và thảo luận sôi nổi từ TS. Nguyễn Thị Hải Ninh, ThS. Trần Nguyên Thành, TS. Nguyễn Anh Đức, TS. Nguyễn Hữu Nhuần và PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng. Các kết quả nghiên cứu đạt được và các ý kiến chia sẻ sẽ góp phần nâng cao kiến thức cũng như có định hướng về nội dung, phương pháp cho các nghiên cứu tiếp theo của các giảng viên, nghiên cứu viên trong Khoa Kinh tế và PTNT.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương -

Nhóm Nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý Tài nguyên môi trường