Sáng ngày 26/12/2020, tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả mô hình sản xuất thử nghiệm giống Ngô nếp tím lai giàu Anthocyanin VNUA141 tại Hà Nội.

leftcenterrightdel
Hình ảnh thăm quan mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô nếp tím VNUA141 tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 Hình ảnh thăm quan mô hình sản xuất thử nghiệm giống ngô nếp tím VNUA141 tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 

Trong những năm gần đây diện tích trồng ngô nếp phục vụ ăn tươi và làm ngô quà tại Hà Nội tăng lên khá nhanh. Tuy nhiên, sản xuất ngô nếp ở các địa phương quanh thành phố Hà Nội còn gặp một số khó khăn như: quy trình kỹ thuật thâm canh, tăng vụ chưa cao, dẫn tới chưa tăng được năng suất, chất lượng trên một đơn vị diện tích; bộ giống ngô nếp mới có năng suất, chất lượng, đặc biết là giàu anthocyanin (chất kháng ôxy hóa có lợi cho sức khỏe người sử dụng) chưa đáp ứng được nhu cầu sản suất và tiêu dùng. Hệ thống sản xuất hạt giống ngô lai đã hình thành ở một số huyện nhưng còn nhiều manh mún, chưa có một vùng giống chuyên canh ổn định. Việc tổ chức sản xuất, duy trì nhóm sản xuất còn khó khăn, áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất chưa chặt chẽ. Vì vậy sản xuất giống chưa bền vững, chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa thật cao. Cho thấy lĩnh vực sản xuất giống ngô nếp phục vụ người trồng ngô của Hà Nội và hướng tới cung cấp giống cho các địa phương khác cần được khai thác, nhằm đáp ứng nhu cầu về giống của Hà Nội, tạo công ăn việc làm và giảm giá thành hạt giống do chi phí sản xuất thấp, chủ động được hạt giống.

Dự án “Sản xuất thử và phát triển giống ngô nếp tím lai VNUA141 giàu Anthocyanin, phục vụ nhu cầu ăn tươi tại Hà Nội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt thực hiện từ tháng 10 năm 2019. Nằm trong nội dung xây dựng mô hình sản xuất thử và tiêu thụ ngô nếp tím lai VNUA141 trên địa bàn Hà Nội của dự án, trong vụ Đông 2020, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã cùng với Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và Phát triển nông nghiệp ADI, phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng mô hình sản xuất giống ngô nếp lai VNUA141 tại 3 huyện Gia Lâm, Hoài Đức và Đông Anh với tổng quy mô diện tích là 15 ha.

leftcenterrightdel
Ruộng sản xuất giống ngô nếp tím VNUA141 vụ Đông 2020 tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 Ruộng sản xuất giống ngô nếp tím VNUA141 vụ Đông 2020 tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức

Giống ngô nếp tím lai VNUA141 gieo trồng vụ Đông 2020 tại Hà Nội (trà sớm) có thời gian từ gieo cho đến thu hoạch bắp tươi tại các điểm triển khai mô hình dao động từ 70-75 ngày, ngắn ngày hơn so với giống đối chứng Fancy111 từ 3-6 ngày. Giống VNUA141 có chiều cao cây thuộc mức trung bình, giống thấp hơn so với giống đối chứng Fancy111 cả về chiều cao cây và chiều cao đóng bắp. Trạng thái cây được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu về độ đồng đều cây, mức độ nhiễm các loại sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy rằng, tại các điểm triển khai mô hình, giống VNUA141 có trạng thái cây đạt mức khá (điểm 2), độ đồng đều của ruộng trồng giống VNUA141 tốt hơn so với giống Fancy111 tại Minh Khai - Hoài Đức, Tàm Xá - Đông Anh, Trâu Quỳ - Gia Lâm.

Trong vụ Đông 2020, giống VNUA141 được trồng tại Hà Nội nhiễm nhẹ một số loại sâu bệnh hại chính, mức độ nhiễm ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng của cây, năng suất và chất lượng giống khi thu hoạch. Cụ thể, giống VNUA141 nhiễm sâu đục thân mức điểm 1-2, nhẹ hơn so với giống đối chứng Fancy111 (mức điểm 1-3) tại các điểm Minh Khai, Trâu Quỳ và Tàm Xá. Sâu đục bắp là đối tượng gây hại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng bắp tươi của ngô nếp. Đánh giá cho thấy, giống VNUA141 nhiễm rất nhẹ loại sâu này (điểm 1) tại tất cả các điểm triển khai mô hình, trong khi đó giống đối chứng Fancy111 nhiễm sâu đục thân mức điểm 2 ở 5/6 điểm. Đánh giá về tỷ lệ nhiễm bệnh hại tại các mô hình cho thấy, giống VNUA141 nhiễm khô vằn (4-6%), gỉ sắt (điểm 1), đốm lá lớn/nhỏ (điểm 1-2) đều nhẹ hơn so với giống đối chứng Fancy111. Đồng thời, giống VNUA141 được đánh giá là có khả năng chống đổ gãy tốt với tỷ lệ bị đổ rễ thấp (4-10%), trong khi tỷ lệ này ở giống Fancy111 là 8-14%.

leftcenterrightdel
Th.S Vũ Thị Xuân Bình – chủ nhiệm dự án Báo cáo Kết quả thực hiện mô hình tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 Th.S Vũ Thị Xuân Bình – chủ nhiệm dự án Báo cáo Kết quả thực hiện mô hình tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức
 

Một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá giống ngô nếp ăn tươi chính là chất lượng cảm quan. Tại các địa phương triển khai mô hình thành lập các hội đồng đánh giá thử nếm trên 10 người, cho điểm chất lượng theo thang điểm từ 1-5 (theo QCVN 01-56:2011/BNNPTNT). Kết quả được tổng hợp như trong trình bày bảng 3 cho thấy rằng, giống VNUA141 có chất lượng ăn tươi tốt, các chỉ tiêu đánh giá cảm quan của giống bao gồm độ ngọt (điểm 1-2), độ dẻo (điểm 2), hương thơm (điểm 2), vị đậm (điểm 2). So sánh với giống Fancy111 thấy rằng, giống VNUA141 được đánh giá ngọt, dẻo và đậm vị hơn Fancy111 ở một số địa phương. Đặc điểm chung về bắp của 2 giống VNUA141 và Fancy111 là đều có lớp vỏ hạt màu tím do có chứa hoạt chất anthocyanin. Tiến hành phân tích hàm lượng anthocyanin tổng số của 2 giống bằng phương pháp pH vi sai. Kết quả cho thấy, giống VNUA141 có hàm lượng anthocyanin tổng số cao hơn đối chứng Fancy111 từ 13-17% tại các điểm triển khai mô hình.

Đánh giá năng suất của giống VNUA141 trong vụ Đông 2020 tại 6 điểm triển khai mô hình cho thấy rằng: năng suất bắp tươi bình quân của giống VNUA141 dao động từ 11,31-12,24 tấn/ha, trong đó năng suất cao nhất đạt tại 2 xã thuộc huyện Hoài Đức (12,06-12,24 tấn/ha), sau đó là Gia Lâm (11,57-12,08 tấn/ha) và Đông Anh (11,31-11,48 tấn/ha). So sánh với đối chứng Fancy111 (năng suất dao động từ 10,51-11,53 tấn/ha), giống VNUA141 có năng suất cao hơn chỉ khoảng từ 2-9%. Tuy nhiên, giống VNUA141 có tỷ lệ bắp loại 1 (bắp thương mại, dao động từ 83,2-88,5%), cao hơn so với Fancy111 (79,7-85,8%), đây là yếu tố đem lại hiệu quả kinh tế của giống VNUA141 cao hơn Fancy111. Đánh giá sơ bộ cho thấy, với mỗi ha mô hình sản xuất giống VNUA141 đem lại lãi thuần cho người trồng từ 34,6-41,2 triệu đồng/ha, cao hơn so với Fancy111 từ 10,5-15,2% tại các điểm triển khai mô hình.

leftcenterrightdel
Giống Ngô nếp tím lai VNUA141 cho năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt
 Giống Ngô nếp tím lai VNUA141 cho năng suất cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt
 

Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã liên kết với một số thương lái, đặc biệt là liên kết với Công ty Cổ phần Rượu truyền thống tiến hành thu mua sản phẩm của các mô hình (bắp tươi vào giai đoạn chín sữa).

Với các kết quả thu được khẳng định rằng, giống ngô VNUA141 có tiềm năng phát triển tại Hà Nội, giống có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, kiểu hình cây gọn, cứng cây, nhiễm nhẹ một số sâu bệnh hại đặc biệt là gỉ sắt, đốm lá nhỏ. Giống VNUA141 có chất lượng ăn tươi ngon phù hợp với thị trường, hạt màu tím đậm do chứa hàm lượng cao hoạt chất chống ô xy hóa anthocyanin. Các mô hình sản xuất giống ngô nếp tím VNUA141 đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, thích hợp với điều kiện canh tác của các địa phương. Đồng thời, đây là giống ngô có nguồn gốc chọn tạo trong nước, chủ động trong sản xuất hạt lai F1 phục vụ cho sản xuất thương phẩm, do đó góp phần giảm giá thành hạt giống và nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Ban CTCT&CTSV

Viện NC&PTCT