Sáng ngày 08/12/2020, tại xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã tổ chức Hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất giống Ngô nếp tím VNUA141 và giống ngô nếp trắng VNUA69.

leftcenterrightdel
Hình ảnh thăm quan mô hình sản xuất giống ngô nếp tím VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69
Hình ảnh thăm quan mô hình sản xuất giống ngô nếp tím VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69 
 

Trong khuôn khổ của đề tài Xây dựng mô hình sản xuất ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69 tại Hải Dương được đưa vào Kế hoạch Khoa học và Công nghệ tỉnh năm 2020-2021. Trong vụ Thu Đông 2020, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã phối hợp với các địa phương tại huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Chí Linh và Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương xây dựng mô hình sản xuất thương phẩm hai giống ngô nếp tím giàu anthocyanin VNUA141 và ngô nếp trắng VNUA69.

Ngô là cây màu được trồng với diện tích lớn tại Hải Dương phục vụ nhu cầu làm ngô quà nội tỉnh và cung cấp cho các địa phương lân cận, đặc biệt là cung cấp cho thị trường ngô nếp ăn tươi ở Hà Nội. Giống ngô nếp lai được trồng hiện tại ở tỉnh Hải Dương chủ yếu là giống HN88. Trong vài năm trở lại đây,  giống HN88 có biểu hiện nhiễm bệnh khô vằn và gỉ sắt ở mức độ cao, làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng. Việc thử nghiệm đưa các giống ngô nếp lai mới vào sản xuất, nhằm tìm ra những giống ngô nếp có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho bà con nông dân trồng ngô là vấn đề cần thiết, cụ thể là hai giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69.

Trong năm 2020, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đã xây dựng mô hình sản xuất giống Ngô nếp tím VNUA141 và giống ngô nếp trắng VNUA69 tại 8 xã của 4 huyện tại tỉnh Hải Dương trong ba mùa vụ (vụ Xuân, Hè Thu, Thu Đông) với tổng diện tích 25.000ha trên mỗi giống.

leftcenterrightdel
Giống ngô VNUA141 và VNUA69 có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt
 Giống ngô VNUA141 và VNUA69 có khả năng chống chịu với sâu bệnh tốt
 

Qua đánh giá 3 vụ tại Hải Dương, hai giống VNUA141 và VNUA69 đều sinh trưởng, phát triển tốt, giống ngô VNUA141 có thời gian thu hoạch bắp tươi ngắn hơn đối chứng Fancy111, VNUA69 có thời gian thu hoạch bắp tươi ngắn hơn đối chứng HN88 khoảng 5-6 ngày. Mức độ nhiễm bệnh gỉ sắt và sâu đục thân của VNUA141, VNUA69 thấp hơn đối chứng Fancy111 và HN88.

 

leftcenterrightdel
TS. Phạm Quang Tuân – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội nghị
 TS. Phạm Quang Tuân – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại Hội nghị
 

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Phạm Quang Tuân – chủ nhiệm đề tài cho biết: “Hai giống ngô này được chọn tạo và nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nên có ưu điểm là chọn tạo được nguồn hạt giống và do được chọn tạo ở trong nước nên giá hạt giống sẽ thấp hơn so với các giống nhập nội khác; từ đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. So với các giống ngô nhập nội khác thì giống ngô nếp trắng VNUA69 có năng suất rất là cao, cao hơn các giống khác từ 5-12%. Một ưu điểm lớn nữa của hai giống ngô này là khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại và bệnh gỉ sắt tốt hơn các giống ngô khác.”

Ông Vũ Thế Sáng – Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện chia sẻ: “Phòng Nông nghiệp đánh giá rất cao hai giống ngô nếp tím VNUA141 và giống ngô nếp trắng VNUA69. Hy vọng trong thời gian tới các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục tạo các giống có năng suất cao để địa phương được thử nghiệm và đưa vào sản xuất.”

leftcenterrightdel
Cô Nguyễn Thị Từ - đại diện các hộ dân trồng hai giống ngô VNUA141 và VNUA69 xã Tân Trào phát biểu tại Hội nghị
 Cô Nguyễn Thị Từ - đại diện các hộ dân trồng hai giống ngô VNUA141 và VNUA69 xã Tân Trào phát biểu tại Hội nghị
 

Hai giống ngô này nhận được sự đánh giáo cao của bà con nông dân xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cô Nguyễn Thị Từ - đại diện hộ nông dân tham gia trồng hai giống ngô này cho biết: “Gia đình bắt đầu trồng hai giống ngô nếp tím VNUA141 và giống ngô nếp trắng VNUA69 từ năm ngoái, đến thời điểm hiện tại tôi đánh giá hai giống ngô này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Gia đình vừa thu hoạch vụ thứ 3, sản lượng có bắp lên tới 600g/1 bắp. Hiện tại địa phương có nhiều hộ gia đình muốn trồng, đề nghị Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng cung cấp thêm giống để nhiều bà con có thể gieo trồng hai giống ngô này.”

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Văn Mười - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng phát biểu tổng kết Hội nghị
 TS. Nguyễn Văn Mười - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng phát biểu tổng kết Hội nghị
 

Kết luận tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Mười – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng nhấn mạnh: Hai giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại Hải Dương. Thông qua đây, Viện nghiên cứu và Phát triển cây trồng xin được gửi lời cảm ơn đến các cấp Sở, Ban ngành, cùng bà con nông dân đã phối hợp và giúp đỡ Viện triển khai thực hiện tốt mô hình trong thời gian qua. Trong thời gian tới kính đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cùng các Sở, Ban ngành có liên quan tạo điều kiện cho Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng phát triển, mở rộng sản xuất giống ngô nếp lai VNUA141 và VNUA69 trên địa bàn tỉnh trong các mùa vụ tiếp theo.

Ban CTCT&CTSV