Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được quan tâm triển khai thực hiện và có sự phối kết hợp của các tổ chức kinh tế - xã hội từ trung ương đến địa phương. Ở Việt Nam, kết quả giảm nghèo đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương và quốc gia, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Việt Nam là một quốc gia đa dạng về tộc người và ngôn ngữ với 54 nhóm dân tộc cùng nhau sinh sống, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 14,119 triệu người, hơn 3,6 triệu hộ, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù đã có nhiều chính sách phát triển đặc thù nhưng tỷ lệ hộ nghèo và kết quả giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa đạt được như mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo các dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo của cả nước và có sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc thiểu số, và theo vùng sinh thái. Vì vậy việc phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng DTTS và miền núi có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì sự ổn định xã hội và đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi. Một số chính sách đặc thù cho phát triển kinh tế, xã hội cho vùng DTTS và miền núi có thể kể đến như Chương trình định canh định cư, Chương trình 135, Chương trình 30a. Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020) nhằm mục đích tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ cơ bản đối với nhóm DTTS.
Trong khuôn khổ thực hiện chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”, Uỷ ban Dân tộc đã tuyển chọn và giao nhiệm vụ thực hiện đề tài cấp nhà nước “Giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030”, mã số CTDT.43.18/16-20 cho nhóm nghiên cứu của Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chủ nhiệm đề tài là PGS.TS. Trần Đình Thao. Nghiên cứu của đề tài nhằm tập trung giải quyết một số câu hỏi đặt ra như: (1) Thực trạng nghèo ở vùng DTTS và miền núi ở Việt Nam (tập trung vào đối tượng người DTTS) diễn ra như thế nào?; (2) Kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi Việt Nam từ năm 1986 đến nay ra sao? Những khó khăn, bất cập trong thực thi các chính sách giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam là gì?; (3) Đâu là các yếu tố chính ảnh hưởng đến thực hiện các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam thời gian qua?; (4) Những vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam hiện nay là gì?; (5) Xu hướng, diễn biến, ảnh hưởng của vấn đề nghèo ở vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới như thế nào?; và (6) Đâu là những giải pháp chính sách cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi Việt Nam đến năm 2030?. Nghiên cứu tiến hành khảo sát thực địa tại 12 tỉnh thuộc 4 vùng có tỷ lệ hộ nghèo người DTTS cao nhất cả nước gồm các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng thuộc Miền núi phía Bắc; các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Thuận thuộc Duyên hải miền Trung; các tỉnh An Giang, Sóc Trăng thuộc Đông Nam Bộ; và các tỉnh Kon Tum và Đăk Nông thuộc Tây Nguyên.
|
|
Nghiệm thu đề tài cấp Quốc gia tại Ủy Ban dân tộc, ngày 19/1/2021
|
Nghiên cứu đã đề xuất một số nhóm giải pháp cơ bản nhằm giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi đến 2030 như: (i) Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực góp phần phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay (Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở vùng DTTS và miền; Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động ở vùng DTTS và miền núi; Cơ chế chính sách đặc thù tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số); (ii) Nhóm giải pháp nâng cao năng lực kết nối thị trường cho vùng DTTS và miền núi; (iii) Nhóm giải pháp phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi; (iv) Đề xuất cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển vùng DTTS và miền núi; (v) Nhóm giải pháp nâng cao vai trò của các tổ chức phát triển, phi chính phủ trong thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi; (vi) Nhóm giải pháp nhằm nhân rộng và thực hiện các mô hình/kinh nghiệm tốt trong công tác giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS và miền núi.
Kết quả nghiên cứu đề tài đã đóng một phần quan trọng cho việc xây dựng, hoàn thiện và gợi mở các giải pháp, chính sách nhằm thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được xuất bản dưới dạng các bài báo khoa học (2 bài báo khoa học đăng trên tập chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus, 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong nước), xuất bản 1 cuốn sách chuyên khảo phục vụ đào tạo. Nghiên cứu của đề tài đã góp phần hỗ trợ đào tạo 10 sinh viên đại học chính quy, 5 thạc sĩ, và 1 nghiên cứu sinh. Nghiên cứu đã giúp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các cán bộ, giảng viên, sinh viện của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị phối hợp khi tham gia thực hiện đề tài.
Hồ Ngọc Ninh, Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường