\r\n Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã liên tục phát triển với tốc độ cao, đạt được nhiều kết quả vượt trội, khoa học và công nghệ nông nghiệp đã đóng góp to lớn trong tăng trưởng ngành và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong thành tích chung đó, không thể không nhắc đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam – một cơ sở giáo dục đại học ngành nông nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm đóng góp cho đất nước hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp, cán bộ quản lý về nông nghiệp.
\r\n
\r\n Học viện không chỉ là cái nôi đào tạo nhân lực ngành nông nghiệp, mà còn là trung tâm nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các nghiên cứu của Học viện được triển khai từ cơ bản đến ứng dụng. Đặc biệt, công tác chuyển giao công nghệ ứng dụng là một mũi nhọn cơ bản trong khoa học công nghệ của Học viện, đây là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
\r\n
\r\n Phát triển nguồn lực chất lượng cao và kinh phí cho hoạt động NCKH
\r\n
\r\n Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, cán bộ tham gia nghiên cứu khoa học đạt 80% trên tổng số CBVC toàn Học viện. Cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại với nhiều phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO. Các đơn vị trực thuộc Học viện được tổ chức, hoạt động theo cơ chế mở và liên thông trong khuôn khổ lãnh đạo, điều hành, quản lý thống nhất của Đảng uỷ, Hội đồng Học viện, Ban Giám đốc, nên số lượng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và kinh phí phục vụ cho nghiên cứu khoa học của Học viện tăng dần qua các năm. Từ 500 nhiệm vụ giai đoạn 2000 – 2005 lên đến 1067 nhiệm vụ giai đoạn 2011 – 2015, với tổng kinh phí 306,2 tỷ đồng, trong đó cấp nhà nước 43, cấp bộ 127, hợp tác quốc tế 17, địa phương 55 và cấp cơ sở 825 nhiệm vụ.
\r\n
\r\n Ngoài ra, Học viện còn chủ trì và tham gia một số chương trình trọng điểm Quốc gia như: Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình KHCN phát triển vùng Tây Bắc; Chương trình vacxin; Chương trình sản phẩm quốc gia: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, sữa và thịt bò...
\r\n
\r\n Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phục vụ xây dựng nông nghiệp, nông thôn
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Với hơn 50 dự án, mô hình KHCN, được triển khai tại các địa phương như: Hà Nội (ứng dụng máy gặt đập mini, hệ thống máy canh tác đồng bộ khoai tây, mô hình trồng chuối tây lai, trồng hoa cúc vạn thọ lùn..); Hà Nam (mô hình sản xuất rau hữu cơ, mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, mô hình sản xuất hạt giống lúa lai…); Bắc Ninh (đánh giá hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng nông thôn mới và đề xuất giải pháp, mô hình sản xuất khoai tây giống, mô hình sản xuất giống lúa mới…); Bắc Giang (nghiên cứu và phát triển bưởi diễn tại Hiệp Hòa, xây dựng vườn cây đầu dòng cho các cây ăn quả, xây dựng mô hình sản xuất cà chua, dưa chuột và na phục vụ chế biến và xuất khẩu, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn chất lượng cao…); Phú Thọ (nghiên cứu chính sách bảo hiểm cho người trồng chè tại Phú Thọ, chuyển giao công nghệ chế biến và sản xuất phân bón lá Pomior…); Lai Châu (nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa tẻ râu, nghiên cứu phục tráng và phát triển giống lúa nếp tan và khẩu ký…); Cao Bằng (nghiên cứu ứng dụng công nghệ bếp khí hóa và ủ phân compost, xây dựng mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mô hình sản xuất rau Dạ hiến theo tiêu chuẩn VietGAP…); Bắc Kạn (mô hình cải tạo đàn dê, phục tráng giống lúa Bao Thai…); Yên Bái (mô hình phát triển các giống cây ăn quả, mô hình cải tạo đàn dê…); Hải Dương (mô hình phục tráng giống bưởi, mô hình chăn nuôi cá trắm cỏ, mô hình phát triển giống lúa Bắc Thơm 7 và Bắc ưu 253 kháng bệnh bạc lá…);
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Hưng Yên (mô hình phát triển chăn nuôi rươi, mô hình chăn nuôi lợn Petrain kháng stress…); Hải Phòng (mô hình sản xuất cà chua phục vụ chế biến, mô hình máy cấy mini…); Quảng Ninh (mô hình canh tác trên đất một vụ lúa mùa, mô hình phát triển cây khoai môn, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng cây dược liệu…); Thái Bình (xây dựng và phát triển thương hiệu tỏi Thái Thụy – Thái Bình, mô hình chăn nuôi ong…); Nam Định (mô hình sản xuất hạt giống lúa lai, mô hình trình diễn giống lúa Bắc thơm số 7 kháng bạc lá…); Thanh Hóa (mô hình canh tác hợp lý trên đất 1 vụ lúa mùa tại huyện miền núi Thanh Hóa)...
\r\n
\r\n Ngoài mô hình KHCN được triển khai tại các địa phương, các công trình nghiên cứu của Học viện cũng được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất như: giống lúa thuần, giống lúa lai, giống cà chua, ngô, đậu tương, phân viên nén, hoa hồng... Các quy trình kỹ thuật, tiến bộ kỹ thuật và bằng bảo hộ độc quyền giải pháp hữu ích, KIT chẩn đoán nhanh bệnh tai xanh trên lợn tại Việt Nam (2-5 phút), vắc xin tai xanh vô hoạt nhũ dầu, vacxin care phòng bệnh sài sốt chó, vacxin dịch tả vịt, máy gặt liên hoàn…
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Cùng với nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, cán bộ, sinh viên Học viện còn tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Trong giai đoạn 2011 – 2015, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao TBKT phục vụ xây dựng nông thôn mới của Học viện được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Các hoạt động đó đã thực sự góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
\r\n
\r\n Thành tích được ghi nhận
\r\n
\r\n Các công trình khoa học được Học viện chuyển giao công nghệ thành công đã đã giúp địa phương tiếp nhận, làm chủ công nghệ để giải quyết các vấn đề cơ bản về: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao nhằm tăng năng suất, tăng thu nhập trên diện tích hiện có tại địa phương; phát triển các sản phẩm lợi thế của Việt Nam; khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống và nghề phụ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp; sản xuất giống và nuôi thủy sản với các hình thức nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông sản an toàn; cung cấp thông tin khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Một số dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực trên địa bàn thực hiện dự án, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, kết quả dự án đã được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương, nâng cao niềm tin và ý thức của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Chuyển giao công nghệ đã thực sự đem lại những thay đổi trong sản xuất nông, lâm nghiệp của địa phương, góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí về tăng thu nhập của người dân trong vùng. Kết quả chuyển giao công nghệ không chỉ được người dân trên địa bàn triển khai chấp nhận mà còn được ghi nhận tại các địa phương.
\r\n
\r\n Với những thành tích về chuyển giao công nghệ, Học viện đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ, bằng khen của Trung ương đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Đặc biệt PGS.TS Nguyễn Thị Trâm được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động; PGS. TS. Nguyễn Thị Lan vinh dự nhận Cúp vàng “Trí thức Khoa học & Công nghệ tiêu biểu năm 2015”…
\r\n
\r\n Để thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng sâu rộng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, theo Bí thư Đảng uỷ - Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan: “Thời gian tới, Học viện sẽ đồng bộ cơ chế chính sách đổi mới, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt là chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp và nông thôn. Hoàn thiện cơ chế đặt hàng sản phẩm khoa học và công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
\r\n