Lúa mạch còn gọi là đại mạch (Hordeum vulgare) là một loài thực vật thuộc họ hòa thảo được trồng nhiều ở khu vực ôn đới. Ngày nay, lúa mạch được trồng rộng rãi ở hơn 100 quốc gia, với diện tích 46,25 triệu ha và sản lượng gần 145,8 triệu tấn, tập trung tại Liên bang Nga, Canada, Úc, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ,…

Lúa mạch là loại ngũ cốc quan trọng đứng thứ tư trên Thế giới chỉ sau ngô, lúa mì và lúa gạo. Hạt lúa mạch thường được dùng làm thức ăn gia súc (70% sản lượng). Một số loại lúa mạch có chất lượng dinh dưỡng cao được sử dụng làm thực phẩm cho con người (bánh mì, mạch nha,…) hoặc lên men để sản xuất bia (malt bia). Hạt lúa mạch rất giàu dinh dưỡng và chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe con người, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, ngăn ngừa sỏi mật, tiểu đường, giảm cholesterol, hạn chế các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, giảm ung thư ruột kết, hen suyễn, phòng chống loãng xương, hỗ trợ chăm sóc da,… Thêm vào đó, cỏ lúa mạch (một dạng rau mầm lúa mạch) được đánh giá là một loại siêu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe có tác dụng ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, thanh lọc cơ thể, giải độc gan, điều trị thiếu máu, táo bón, tăng cường miễn dịch, giảm béo, chống lão hóa,…

Tại Việt Nam, bia là thức uống giải khát quen thuộc và có đóng góp không nhỏ với ngân sách quốc dân. Tuy nhiên, có tới 60-70% nguyên liệu sản xuất bia phải nhập khẩu, đặc biệt là malt bia. Theo tính toán của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát, trồng lúa mạch không chỉ tận dụng đất hoang hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn giúp Nhà nước tiết kiệm hàng chục triệu USD nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bia mỗi năm. Do đó, việc nghiên cứu thử nghiệm, trồng và sản xuất lúa mạch trong nước là hết sức cần thiết để phát triển bền vững nền công nghiệp sản xuất trong nước.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Rượu - Bia - Nước giải khát cho thấy diện tích có khả năng trồng lúa mạch ở các tỉnh miền núi phía Bắc khoảng 115.000 ha tại các tỉnh như Lai Châu, Sơn la, Cao Bằng, Bắc Cạn,… Năm 2004, Viện đã thử nghiệm 300 giống lúa mạch và chọn ra được hai giống tiêu biểu RIB0127 và RIB0110 có độ thích nghi lớn, năng suất cao, chống chịu được bệnh đốm nâu, phấn trắng và mốc hồng.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Nguyễn Việt Long & cs. (2014) nghiên cứu khả năng chịu hạn của 9 giống lúa mạch nhập nội triển vọng từ tập đoàn các giống lúa mạch chịu mặn, kết luận hai giống BCC884 và BCC483 có khả năng thích ứng cao và chịu hạn rất tốt. Năm 2024, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng, tiếp tục thử nghiệm các giống lúa mạch triển vọng cho thấy kết quả khả quan với nhiều giống có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu sâu bệnh tốt, tiềm năng năng suất cao như giống BCC118, BCC718, BCC043, California,…

leftcenterrightdel
Một số giống lúa mạch triển vọng năm 2024 

Gần đây, tại Nghệ An, Đặng Thị Tâm đã trồng thử nghiệm cỏ lúa mạch và phát triển thành công sản phẩm mỳ lúa mạch (Báo Dân trí, 2021). Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh (2018) cũng chế biến thành công các sản phẩm trà và bột dinh dưỡng có giá trị cao từ cỏ lúa mạch. Những tín hiệu tích cực trong nghiên cứu và sản xuất cho thấy tiềm năng phát triển lúa mạch tại Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới, sẽ có nhiều giống lúa mạch được công nhận phục vụ các nhu cầu sản xuất bia và các thực phẩm chức năng tại Việt Nam.

Đinh Thái Hoàng

Nhóm NCM Công nghệ chọn tạo và sản xuất giống cây trồng