Chiều ngày 27/9/2021, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề: “Các giải pháp chủ yếu thúc đẩy các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội”. Seminar được diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Dương Nga và sự tham gia của các giảng viên, cán bộ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Chủ đề trình bày là nội dung nghiên cứu thuộc đề tài cấp thành phố Hà Nội do PGS.TS. Phạm Bảo Dương chủ nhiệm được thực hiện từ tháng 10/2019 đến tháng 9/2021.
|
|
Bài trình bày được thực hiện trực tuyến qua nền tảng Ms Teams |
Seminar được trình bày bởi TS. Lê Thị Thanh Loan, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp. Nghiên cứu tiến hành khảo sát toàn bộ 15 HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau theo Báo cáo số 407/2020/BC-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Bên cạnh đó nghiên cứu tiến hành khảo sát 20 HTX không ứng dụng CNC trên địa bàn các huyện Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thanh Trì, Đông Anh nơi tập trung sản xuất nhiều loại rau cung cấp cho địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiện nay tỷ lệ diện tích rau ứng dụng CNC trên tổng diện tích rau của HTX được khảo sát tại Hà Nội là 21,7%. Tỷ lệ này ở các HTX toàn xã/toàn thôn là 19,9% trong khi ở các HTX kiểu mới đạt tỷ lệ cao hơn hẳn là 36,6%. Về loại CNC, các HTX hiện chủ yếu tập trung đầu tư CNC trong khâu canh tác (nhà màng, nhà lưới và hệ thống tưới tự động với tỷ lệ 86,67%), bước đầu quan tâm tới CNC trong khâu bảo quản, sơ chế (33,33%) và tiêu thụ (40%). Phỏng vấn sâu với các HTX cho thấy các HTX đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư đồng bộ CNC trong đó đặc biệt lưu ý tới kho lạnh bảo quản tuy nhiên cần vốn đầu tư lớn. Truy xuất nguồn gốc sử dụng tem QR đã được sử dụng ở môt số HTX với tỷ lệ 40% các HTX ứng dụng CNC được khảo sát. Tuy nhiên hiện này mã QR mà các HTX sử dụng mới dừng lại ở truy xuất nguồn gốc tới một số thông tin như tên HTX, các chứng nhận chất lượng được niêm yết công khai trên cổng thông tin Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội. Hiện nay chưa có HTX nào ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc rau, quả tại Hà Nội. Nghiên cứu đã chỉ ra so với sản xuất truyền thống thì các HTX sản xuất và tiêu thụ rau ứng dụng CNC có hiệu quả hơn hẳn. Các khía cạnh hiệu quả được xem xét trên các khía cạnh về hiệu quả kinh tế: tăng năng suất, tiết kiệm các loại chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động…; hiệu quả xã hội: các HTX ứng dụng CNC 100% tạo việc làm cho thành viên HTX, cung cấp vật tư nông nghiệp, giúp kết nối thị trường tiêu thụ, và tiến hành kiểm tra giám sát thành viên sản xuất theo đúng quy trình và hiệu quả môi trường: tỷ lệ thành viên ứng dụng CNC sử dụng thiên địch trong sản xuất rau với tỷ lệ 100%, các HTX ứng dụng CNC đã thực hành các biện pháp xử lý rác thân thiện như ủ rác hữu cơ và giảm sử dụng túi nilon và chất thải nhựa.
Đánh giá thực hiện các giải pháp thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội, kết quả đã chỉ ra rằng có độ trễ trong việc ban hành cũng như cụ thể các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển các HTX. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020 nhưng tới ngày 04/10/2018 thành phố mới cụ thể hỗ trợ này thông qua Kế hoạch số 192/KH-UBND thành phố về “Chương trình hỗ trợ phát triển HTX trên địa bản thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020”. Về quy hoạch, diện tích quy hoạch cho sản xuất rau cho các vùng chuyên canh tập trung theo Quyết định số 3215/2019/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội là 6.685 ha, tuy nhiên thực tế diện tích rau hiện có năm 2018 chỉ đạt 2.696 ha. Trong khi 42,86% các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau được hỏi chia sẻ rằng họ thiếu vùng sản xuất và khu ứng dụng CNC. Quỹ đất của các HTX chủ yếu thuê từ các hộ nông dân với tỷ lệ (46,6%) với diện tích hạn chế. Các HTX nông nghiệp ứng dụng CNC trong sản xuất rau không tiếp cận được vốn vì không có tài sản thế chấp, không có tổ chức tín dụng để triển khai chính sách cũng như các ngân hàng thương mại chưa tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi theo các chương trình như chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 của Chính phủ và Quyết định 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước để đầu tư phát triển nông nghiệp CNC. Về thực hiện các giải pháp nhân lực, thực tế cho thấy các HTX chưa tăng cường đội ngũ tốt nghiệp đại học về làm tại các HTX, cơ quan hỗ trợ nguồn lực đào tạo nhân lực phân tán ở cấp thành phố, nội dung đào tạo tập huấn cho HTX chưa sát với nhu cầu thực tiễn, chưa có các nội dung đào tạo nâng cao năng lực của các HTX trong việc thực hiện các báo cáo tài chính, nội dung giảng dạy hàng năm còn lặp lại. Ngoài ra, việc đầu tư dây chuyền sản xuất rau bị hạn chế do nhà sơ chế được xây dựng cần khuyến khích gần khu vưc sản xuất thì lại vướng quy định sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) và mô hình hồi quy nhằm xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới ý định ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau của các HTX. Kết quả phân tích EFA đã rút ra một số yếu tố ảnh hưởng bao gồm nhận thức về tính hữu ích của nông nghiệp CNC, nguồn vốn, kỹ năng và năng lực của cán bộ và thành viên HTX, các yếu tố lao động, đất đai, công nghệ và chuyển giao công nghệ và nhóm nhân tố chính sách. Các giải pháp nhằm thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả ở thành phố Hà Nội bao gồm: Về quy hoạch, cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn, sớm hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp CNC, quy hoạch lưu ý gắn phát triển sản xuất rau với phát triển du lịch sinh thái; Về thị trường: tuyên truyền những lợi ích của ứng dụng nông nghiệp CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu rau đi kèm với việc minh bạch các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác giám sát lẫn nhau của thành viên HTX đặc biệt lưu ý với nhóm các HTX quy mô toàn xã/toàn thôn; Về đất đai: cần xem xét ràng buộc liên quan tới sử dụng đất đúng mục đích, đất nông nghiệp thì không được xây dựng các công trình kiên cố; Về tín dụng: các HTX cần có sự tư vấn pháp lý, hỗ trợ hồ sơ tín chấp, thế chấp để thuyết phục các tổ chức tài chính, cần đảm bảo cơ chế phối hợp “win-win” giữa 3 bên bao gồm HTX - tổ chức tín dụng - đơn vị cung cấp đầu vào và bao tiêu đầu ra; Về nhân lực: việc phân bổ nguồn kinh phí và phân công nội dung triển khai đào tạo bồi dưỡng cho các HTX cần được thống nhất đảm bảo chất lượng, không trồng chéo từ cấp thành phố, cần khảo sát nhu cầu đào tạo, các trường đại học phối hợp các HTX trong quá trình đào tạo cho sinh viên thực tập các chủ đề về HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau; và Về chính sách: cần hoàn thiện nội dung chính sách, cụ thể hóa chính sách, kịp thời giảm độ trễ khi triển khai các chính sách vào thực tiễn.
Bài trình bày được các đại biểu đánh giá cao về sự công phu và tính logic của đề tài. Nghiên cứu có ý nghĩa về giá trị khoa học và đóng góp cho thực tiễn triển khai các giải pháp chính sách thúc đẩy các HTX ứng dụng CNC trong sản xuất và tiêu thụ rau, quả. Seminar diễn ra sôi nổi với các câu hỏi và góp ý chia sẻ thêm kinh nghiệm của các thành viên tham dự.Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp