Quá trình toàn cầu hoá đang chi phối mạnh mẽ và trở thành động lực thúc đẩy sự hội nhập của các nước vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, trong đó hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học đang trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhiều quốc gia đã tăng cường hợp tác, mở rộng quan hệ, hội nhập nhằm phát huy tiềm năng, nội lực, khai thác các lợi thế, các thành tựu của thế giới để phát triển đất nước. Làn sóng toàn cầu hoá và quốc tế hoá giáo dục mang lại cho giáo dục đại học Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức và cần có những bước đi phù hợp để hội nhập bền vững.

Nhận thức rõ vai trò của hợp tác quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thực hiện Chiến lược hợp tác quốc tế của Học viện giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến 2030, tháng 8/2017, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã giao Ban Hợp tác quốc tế chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong Học viện xây dựng Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”. 

Sáng ngày 20/12/2017, Ban Hợp tác quốc tế đã trình bày Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2030”. Tham dự buổi họp góp ý hoàn thiện và kế hoạch triển khai Đề án có PGS. TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của Học viện: Ban Tổ chức cán bộ, Ban Quản lý đào tạo, Ban Khoa học công nghệ, Ban CTCT&CTSV, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Trung tâm Ngoại ngữ và Đào tạo quốc tế và Trung tâm Cung ứng nguồn nhân lực.

Mục tiêu chung của Đề án là nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Học viện NNVN theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của xã hội và tiếp cận với giáo dục đại học quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Học viện trong khu vực và trên thế giới. Đề án đã tập trung phân tích đánh giá thực trạng, kết quả đạt được cũng như những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện công tác hợp tác quốc tế giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở đó, Ban Hợp tác quốc tế và nhóm xây dựng Đề án đã đề xuất kế hoạch thực hiện các hoạt động HTQT cũng như lộ trình, dự kiến các kết quả và đề xuất các giải pháp trong  giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2030. Đề án bao gồm 2 nội dung chính:

1. Phát triển HTQT trong đào tạo: Đề án tập trung thực hiện các hoạt động phát triển các chương trình đào tạo liên kết do các trường đại học có uy tín trên thế giới cấp bằng hoặc bằng kép; đổi mới các chương trình đào tạo hiện có của Học viện để đạt chuẩn AUN hoặc quốc tế; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ giảng viên và quản lý thông qua tổ chức các khóa tập huấn, chương trình trao đổi trong và ngoài nước; tăng cường năng lực, kỹ năng cho người học, đặc biệt là nâng cao năng lực ngoại ngữ thông qua các chương trình trao đổi, thực tập sinh, khóa học ngắn hạn,…; nâng cấp cơ sở vật chất, nguồn học liệu, tham gia các mạng lưới liên kết quốc tế, tuyên truyền, quảng bá tuyển sinh sinh viên quốc tế, xây dựng Quỹ Học bổng quốc tế của Học viện.

Chương trình trao đổi sinh viên Summer school với trường ĐH Tây Úc

Chương trình giao lưu văn hóa giữa lưu học sinh các nước đang học tập tại Học viện

2. Phát triển HTQT trong nghiên cứu khoa học: Đề án đề xuất xây dựng cơ chế chính sách HTQT nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực HTQT của Học viện thông qua việc tạo môi trường thuận lợi để các thầy, cô giáo và nhà khoa học của Học viện đã tốt nghiệp và được tập huấn tại nước ngoài phát triển hợp tác nghiên cứu; đồng thời khai thác các mối quan hệ quốc tế truyền thống và tiềm năng; mời các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham gia nghiên cứu và trình bày tại các hội thảo quốc tế do Học viện tổ chức; kết nối và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài để xây dựng các chương trình, dự án HTQT, tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm và khai thác các nguồn quỹ nghiên cứu quốc tế, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, giảng viên và tăng cường các công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín quốc tế. 

Ký kết thỏa thuận tài trợ chuyên gia giỏi nước ngoài giữa Ban QLDA FIRST và Học viện NNVN

Hội thảo quốc tế ISSAAS chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp

Ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án từ các đơn vị tham gia buổi họp tập trung vào nhóm các giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ hoạt động trao đổi tín chỉ và công nhận tương đương cho người học khi tham gia học tập, thực tập tại nước ngoài cũng như người học tại các cơ sở nước ngoài học tập và thực tập tại Học viện; tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên đạt chuẩn để giảng dạy cho các chương trình đào tạo quốc tế; đổi mới phương thức và hình thức truyền thông quảng bá tuyển sinh, chương trình đào tạo và nghiên cứu cũng như hình ảnh của Học viện trong khu vực và trên thế giới; Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh của Học viện có sự tham gia của các đối tác và chuyên gia nước ngoài,...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi họp, PGS. TS. Nguyễn Thị Lan đã nhấn mạnh để thực hiện thành công các mục tiêu của đề án cần: huy động nguồn lực và sức mạnh của các cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Học viện; cụ thể hóa các nhóm giải pháp, lộ trình thực hiện, phân công rõ trách nhiệm của các khoa, phòng, ban và trung tâm trong việc chủ trì và phối hợp thực hiện các nội dung cụ thể của Đề án; xác định rõ những thế mạnh của Học viện để phát huy đồng thời đề xuất các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động hợp tác quốc tế. Trong thời gian đầu tháng 1 năm 2018, Ban HTQT chịu trách nhiệm chủ trì và tổ chức tiếp tục lấy ý kiến từ các khoa, trung tâm trong Học viện để hoàn thiện Đề án chi tiết.

Xây dựng và thực hiện thành công Đề án sẽ góp phần tích cực trong việc thực hiện chiến lược của Học viện nhằm tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đối tác và tổ chức quốc tế đồng thời nâng cao vị thế của Học viện trong khu vực và trên thế giới. Đề án cũng góp phần tạo mối quan hệ liên kết chặt chẽ và huy động trí tuệ của cán bộ trong Học viện để phối hợp thực hiện có hiệu quả và bền vững các hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện.