Trong 10 ngày tham gia chương trình Japan – Asia Youth Exchange Program in Science (15/2 – 24/2/2017), giữa Đại học Miyazaki (University of Miyazaki, Nhật Bản) và Học viện Nông Nghiệp Việt Nam (Vietnam National University of Agriculture); 4 bạn sinh viên lớp Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, đại diện khoa Kinh tế và PTNT (Bùi Thị Lệ Quyên – K58KTNE, Nguyễn Thị Thúy – K58KTNE, Lê Văn Dũng – K59KTNE và Mai Đại Hùng – K59KTNE) đã tham gia rất tích cực, góp phần đưa hình ảnh của Học viện cũng như của khoa đến với bạn bè thế giới.

 


 Sau chuyến bay dài 6 giờ, hình ảnh đất nước và con người Nhật Bản hiện lên như một “Chuyến du hành đến tương lai” (“Trip to the future”). Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến xử sở hoa anh đào là bầu không khí vô cùng trong lành. Ở đây, mọi thứ dường như đã được sắp xếp một cách bài bản ngay từ khi mới xuất hiện. Những hàng cây được cắt tỉa gọn gàng. Tại các ga tàu điện ngầm, người dân khi đi thang cuốn luôn đứng về bên trái, bên phải dành cho người đang vội có thể thẳng bước mà không phải chờ. Giao thông quy củ và thuận tiện, đường xá được trải nhựa và được phân chia bằng những vạch kẻ đường rõ nét. Người dân khi tham gia giao thông rất đúng luật, đi đúng phần đường và làn đường dù đường xá có quanh co đến mức nào, họ tuyệt đối không đi lấn làn đường, bấm còi xe và chú ý quan sát, chỉ tiếp tục đi khi đã đảm bảo an toàn. Không có các quán nước ven đường mà thay vào đó là những máy bán nước tự động.

Nhật Bản là đất nước của công nghệ cao, Viện bảo tàng khoa học Miraikan (Miraikan Museum) là nơi lưu trữ mô hình của những công trình nghiên cứu lớn. Một tàu du hành vũ trụ, mô hình vận chuyển của năng lượng mặt trời, “giếng” lưu trữ toàn bộ thông tin của các nguồn nước trên khắp thế giới. Cuối ngày là chương trình giới thiệu robot Asimo, một loại robot tiên tiến nhất của Honda với các tính năng và hoạt động linh hoạt như một con người.

Nông nghiệp Nhật Bản đạt đến mức tiên tiến vượt bậc. Đoàn sinh viên Học viện Nông Nghiệp Việt Nam đã được đến thăm 3 địa điểm nông nghiệp: Nông dân ở vùng núi Takachiho (Miyazaki), Công ty Shinpuku – Seika và công ty Kushima AoiFarm. Vấn đề già hóa dân số và đô thị hóa, nông dân ở vùng núi Takachiho chủ yếu là người già. Họ nuôi gà, trồng nấm, nuôi bò, trồng lúa và dưa chuột. Toàn bộ quá trình chăn nuôi đều được thực hiện bằng các thiết bị kỹ thuật, giúp giảm tối đa sức người trong sản xuất.

Công ty thực phẩm Công nghệ cao Shinpuku – Seika (Miyazakonojo-city) sản xuất các mặt hàng nông sản như củ bơ-đốc (Burdocks), cà rốt, khoai môn... Kết hợp cùng tập đoàn Fujitsu và Rubicon, công ty Shinpuku – Seika lắp đặt chuỗi camera bay và vệ tinh, kết nối trực tiếp với các thiết bị máy móc dưới mặt đất thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS (Global Positioning System) để quản lý cánh đồng canh tác rộng lớn của mình và giảm thiểu sai sót trong quá trình sản xuất đến mức tối đa.

Công ty Kushima AoiFarm nằm ở Kushima-city, là công ty duy nhất nghiên cứu và sản xuất 6 giống khoai lang, mỗi loại được đặc trưng bởi một nhân vật hoạt hình. Ông Makoto Ikeda, CEO của công ty, nhấn mạnh rằng, giống khoai là vô cùng quan trọng. Bằng việc nghiên cứu các giống khoai mới có thể thích ứng với các môi trường sống khác nhau. Ông ấp ủ ước mơ sẽ trồng khoai lang tại các miền đất khác trên thế giới và cả vũ trụ!

 

Kimono – Trang phục truyền thống Nhật Bản

 

Chương trình kết thúc trong sự nuối tiếc của tất cả chúng tôi. Trở lại Việt Nam cùng guồng sống, học tập và làm việc, chắc hẳn, những hình ảnh về đất nước và con người Nhật Bản sẽ không thể xóa mờ. Nhờ chương trình trao đổi sinh viên quốc tế về văn hóa và nông nghiệp do trường Đại học Miyazaki tổ chức, chúng tôi đã dần định hướng tu dưỡng bản thân cho những bước phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Xin cảm ơn các Thầy, Cô, và Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế và PTNT đã thiết kế được chương trình chất lượng cao Kinh tế nông nghiệp, trong đó có những cơ hội trao đổi sinh viên để chúng em tham gia.

 

Lê Văn Dũng và Mai Đại Hùng, lớp Kinh tế NN chất lượng cao khóa 59; 

Bùi Thị Lệ Quyên và Nguyễn Thị Thúy, lớp Kinh tế NN chất lượng cao khóa 58.