Khoa Tài nguyên và Môi trường - Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tái thành lập năm 2021 trên cơ sở sáp nhập 2 khoa: Khoa Quản lý đất đai và Khoa Môi trường. Sứ mạng của Khoa Tài nguyên và Môi trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển các sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề về Tài nguyên và Môi trường, kết nối với cộng đồng thông qua chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật và hội nhập quốc tế.

Năm 2021, khoa Tài nguyên và Môi trường tuyển sinh 08 ngành đào tạo (4 nhóm ngành) với 251 chỉ tiêu. Ngoài các kiến thức và kỹ năng chuyên môn, sinh viên khoa Tài nguyên và Môi trường còn được trang bị các kỹ năng mềm như: Kỹ năng giao tiếp; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng tìm kiếm việc làm; Kỹ năng lãnh đạo; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng hội nhập quốc tế… Ngoài ra, sinh viên còn được “hòa mình” vào các hoạt động Đoàn, Hội để mở rộng các mối quan hệ, trao đổi học tập và tăng cường kỹ năng sống. 

I. Nhóm ngành: Quản lý đất đai và Bất động sản (HVN19 – 151 chỉ tiêu)

    Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, B00, D01 

1. Ngành Quản lý đất đai: Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ sở đầu tiên của Việt Nam đào tạo ngành Quản lý đất đai. Trải qua 45 năm,  Khoa Tài nguyên và Môi trường đã đào tạo cho đất nước hàng vạn kỹ sư Quản lý đất đai, 70% cán bộ chủ chốt của ngành Tài nguyên và Môi trường tốt nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Theo học ngành Quản lý đất đai tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai như: đăng ký, thống kê, kiểm kê đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân; lập quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất các cấp; thanh tra, giải quyết tranh chấp đất đai; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; định giá đất và quản lý bất động sản; đo đạc lập bản đồ; lập hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai. Bên cạnh kỹ năng mềm sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý đất đai; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, các nghiệp vụ hành chính, pháp lý phục vụ giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý đất đai.

 
leftcenterrightdel
Hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm xây dựng phương án Quy hoạch sử dụng đất
 Hướng dẫn sinh viên thảo luận nhóm xây dựng phương án Quy hoạch sử dụng đất

2. Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, rừng, khoáng sản, khí hậu và quản lý môi trường.

Sinh viên theo học ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trang bị kiến thức nền tảng để quản lý các loại tài nguyên thiên nhiên và môi trường như: phân tích ảnh hưởng của chính sách, pháp luật trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường; đánh giá công tác quản lý tài nguyên, môi trường để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng nguồn tài nguyên và môi trường đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững của Việt Nam và toàn cầu. Bên cạnh kỹ năng mềm sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả công tác quản lý tài nguyên và môi trường; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, các nghiệp vụ hành chính, pháp lý phục vụ giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.

leftcenterrightdel
Nhóm dự án VIBE của khoa Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Đại sứ quán Ailen trong buổi ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu
 Nhóm dự án VIBE của khoa Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo Đại sứ quán Ailen trong buổi ký kết hợp tác đào tạo và nghiên cứu
 

3. Ngành Quản lý bất động sản: Theo học ngành Quản lý bất động sản tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên được tiếp cận với chương trình đào tạo tiên tiến dựa trên kết quả khảo sát, phân tích nhu cầu tuyển dụng và đào tạo của các tổ chức quản lý, đầu tư, môi giới, kinh doanh bất động sản trên thị trường Việt Nam, đồng thời kế thừa những điểm ưu việt của chương trình đào tạo ngành Quản lý bất động sản của các nước trên thế giới. Đây là ngành học cung cấp những kiến thức cơ bản để thực hiện công tác quản lý và kinh doanh bất động sản như: đăng ký bất động sản, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, quản trị tòa nhà, chung cư, định giá bất động sản, kinh doanh bất động sản... Sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng phân tích ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế, chính sách, pháp luật đến quản lý, kinh doanh bất động sản; Đánh giá công tác quản lý, định giá bất động sản và đề xuất chính sách để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; lập dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh kỹ năng mềm sinh viên còn được trang bị kỹ năng chuyên môn như: thu thập thông tin, phân tích các yếu tố kinh tế, thị trường, chính sách, pháp luật đến quản lý và và kinh doanh bất động sản; kỹ năng lập, quản lý dự án, ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ công việc.

leftcenterrightdel
Giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
 Giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học
            

II. Nhóm ngành: Khoa học đất – Dinh dưỡng cây trồng (HVN11 – 40 chỉ tiêu)

      Tổ hợp xét tuyển: A00, B00, B08, D07

1. Ngành Khoa học đất là ngành được đào tạo tại Học viện từ năm 1960, trải qua 60 năm, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 1.600 kỹ sư ngành Khoa học đất. Nhiều sinh viên, học viên tốt nghiệp ngành này đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp. Ngành Khoa học đất là ngành nghiên cứu chuyên sâu về tài nguyên đất trên địa cầu. Các lĩnh vực nghiên cứu của ngành gồm: Nghiên cứu quá trình hình thành đất, phân loại và xây dựng bản đồ đất; các thuộc tính vật lý, hóa học, sinh học và độ phì nhiêu của đất; cũng như nghiên cứu các thuộc tính này trong mối liên hệ với việc sử dụng và quản lý đất đai… Chương trình đào tạo ngành Khoa học đất trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về đánh giá các đặc tính lý, hoá, sinh học của đất; đánh giá quá trình phát sinh, chuyển hóa trong đất và mối quan hệ đất - nước - dinh dưỡng - cây trồng; đề xuất các giải pháp sử dụng, bảo vệ tài nguyên đất hợp lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Bên cạnh đó, sinh viên được trang bị các kỹ năng chuyên môn như: Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại trong phân tích đất, nước, phân bón, trồng trọt và xây dựng các loại bản đồ sử dụng đất; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, bố trí thí nghiệm; kỹ năng thực hiện thành thạo các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực khoa học đất.

leftcenterrightdel
Sinh viên học về đất Việt Nam tại bảo tàng Đất - Đá khoa Tài nguyên và Môi trường
 Sinh viên học về đất Việt Nam tại bảo tàng Đất - Đá khoa Tài nguyên và Môi trường
  

2. Ngành Phân bón và Dinh dưỡng cây trồng: Đây là ngành đào tạo đại học mới được mở năm 2019 và ở Việt Nam duy nhất chỉ có tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị kiến thức về khoa học cây trồng, khoa học đất và môi trường để xác định nhu cầu dinh dưỡng và phương pháp cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng một cách hiệu quả, đạt năng suất cao và chất lượng tốt; vận dụng các kiến thức về công nghệ và thiết bị sản xuất phân bón, kinh tế và quản trị vào quá trình sản xuất và kinh doanh phân bón; thực hiện quy trình quản lý chất lượng phân bón theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng thành thạo thiết bị chuyên môn phục vụ hiệu quả  phân tích chất lượng phân bón, cây trồng, đất, nước và quy trình sản xuất một số loại phân bón; xây dựng và triển khai quy trình bón phân cho một số cây trồng phổ biến nhằm quản lý dinh dưỡng và sử dụng hiệu quả phân bón cho cây trồng; kỹ năng khảo sát, xử lý thông tin, quản trị trong hoạt động sử dụng, sản xuất và kinh doanh phân bón.

leftcenterrightdel
Sinh viên thử nghiệm bón phân hữu cơ sinh học trên đồng ruộng
 Sinh viên thử nghiệm bón phân hữu cơ sinh học trên đồng ruộng
  

III. Nhóm ngành: Khoa học môi trường (HVN15 – 20 chỉ tiêu)

      Tổ hợp xét tuyển: A00, B00, D01, D07 

Ngành Khoa học Môi trường là ngành học nghiên cứu về môi trường xung quanh và những tác động môi trường mà con người nhận được do những hành vi ứng xử của mình, nhằm mục đích bảo vệ và cải thiện môi trường sống ngày càng tốt hơn.

Sinh viên theo học ngành Khoa học môi trường được trang bị kiến thức và kỹ năng phục vụ công tác quản lý tài nguyên – môi trường, kiểm soát ô nhiễm gắn với mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và thiết bị hiện đại phục vụ hiệu quả việc phân tích đất, nước, phân bón, cây trồng và xây dựng các loại bản đồ chuyên ngành; kỹ năng điều tra, thu thập, xử lý thông tin, bố trí thí nghiệm để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực môi trường; kỹ năng thực hiện các nghiệp vụ hành chính, pháp lý liên quan đến lĩnh vực khoa học môi trường.

leftcenterrightdel
của Khoa Tài nguyên và Môi trường
 Hệ thống phòng thí nghiệm và thiết bị phân tích đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017 của Khoa Tài nguyên và Môi trường

 

IV. Nhóm ngành: Công nghệ hóa học và môi trường (HVN16 – 40 chỉ tiêu)

      Tổ hợp xét tuyển: A00, B00, D01, D07  

1. Ngành Công nghệ kỹ thuật Môi trường là sự kết hợp giữa khoa học, công nghệ và kỹ thuật về việc xử lý chất thải. Sinh viên được trang bị kiến thức về công nghệ/kỹ thuật xử lý môi trường, kỹ năng thiết kế, thi công, bảo trì, vận hành công trình xử lý cho các dạng chất thải. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên triết lý “kiến tạo” với các học phần lý thuyết kết hợp với thực hành trong phòng thí nghiệm và đi thực tập thực tế tại cơ sở nhằm củng cố các kiến thức, kỹ năng thực tế gắn với vị trị việc làm.

leftcenterrightdel
Sinh viên với các nghiên cứu trong lĩnh vực chỉ thị sinh học môi trường
Sinh viên với các nghiên cứu trong lĩnh vực chỉ thị sinh học môi trường 


2. Ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được xây dựng, thiết kế, tích hợp tương thích với chương trình của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Theo học ngành này, sinh viên được trang bị kiến thức về thành phần, cấu trúc và hàm lượng các chất hóa học trong môi trường và hợp chất thiên nhiên; hoạt tính sinh học của các hợp chất hữu cơ; tiềm năng khai thác và sử dụng các hợp chất thiên nhiên; quy trình tổng hợp, tách chiết và sản xuất vật liệu hóa học để xử lý ô nhiễm môi trường và sử dụng trong công nghệ thực phẩm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và quốc tế. Ngoài ra, sinh viên được trang bị kỹ năng điều tra, khảo sát, nghiên cứu các vấn đề của ngành công nghệ kỹ thuật hóa học; sử dụng công nghệ, các trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại trong phân tích, tổng hợp, tách chiết và sản xuất các vật liệu hóa học.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường trong giờ thực hành Hóa học
 

Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2021, xin liên hệ với số điện thoại: 024.6261.7578/ 024.6261.7520 hoặc 0961.926.639/ 0961.926.939

Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thị trấn Trâu Quỳ, H. Gia Lâm, TP. Hà Nội

Website: vnua.edu.vnhttp://tuyensinh.vnua.edu.vn

Facebook: www.facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn