Làm thế nào để sinh viên cảm nhận sâu sắc văn hóa dân tộc chứ không chỉ dừng lại ở khái niệm và lý thuyết? Môn học Văn hóa Du lịch (Học kỳ II Năm học 2024-2025) của Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đã tìm ra lời giải đầy cảm hứng: “Biến lớp học thành điểm đến, biến sinh viên thành hướng dẫn viên thực thụ.”

Điển hình là hoạt động thực hành “Tour du lịch văn hoá Việt – Tinh hoa ẩm thực đường phố”, do thầy Nguyễn Ngọc Dũng phụ trách, 120 sinh viên K68 (năm 2) được chia thành 10 nhóm (phụ trách 70 món ăn), hóa thân vào vai hướng dẫn viên, nhà tổ chức tour và thuyết minh viên. Sinh viên tự tay xây dựng không gian trưng bày, chọn món ăn, tìm hiểu câu chuyện đằng sau từng hương vị quê hương như bánh trôi nước, kẹo lạc, chè, phở cuốn...

Không gian lớp học trở thành một phiên chợ quê thu nhỏ – rộn ràng hương vị, rực rỡ sắc màu và đầy ắp cảm xúc. Mỗi món ăn là một câu chuyện văn hóa. Mỗi sinh viên là một người kể chuyện đậm chất Việt.

leftcenterrightdel
 Sinh viên ngành Quản lý và Phát triển Du lịch tham gia hoạt động thực hành môn Văn hóa Du lịch

Kỹ năng nghề được rèn giũa từ trải nghiệm thực tế

Điều đặc biệt của môn học không chỉ nằm ở kiến thức, mà là những kỹ năng mà sinh viên được rèn luyện:

·    Kỹ năng thuyết minh: đứng trước đám đông, tự tin kể chuyện về văn hóa, lịch sử, món ăn.

·    Kỹ năng tổ chức sự kiện: phân công công việc, dàn dựng không gian, lên kế hoạch hoạt động.

·    Kỹ năng làm việc nhóm: phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo và hỗ trợ lẫn nhau.

·    Tinh thần phục vụ: từ cách chào hỏi, giới thiệu món ăn, đến sự tỉ mỉ chăm chút cho từng đĩa bánh, từng câu chuyện.

leftcenterrightdel
 Sinh viên thuyết trình trong hoạt động thực hành “Tour du lịch văn hoá Việt – Tinh hoa ẩm thực đường phố”

Tiết học “Một ngày làm hướng dẫn viên ẩm thực” là một minh chứng sống động cho giá trị thực học – thực làm tại Khoa Du lịch và Ngoại ngữ. Đó không còn là môn học lý thuyết, mà là cơ hội để sinh viên khám phá chính mình, chuẩn bị hành trang để trở thành người làm du lịch chuyên nghiệp – có kiến thức, kỹ năng, thái độ và tinh thần trách nhiệm. Sinh viên Nguyễn Ngọc Hân chia sẻ: “Cảm ơn thầy cô đã tạo ra sân chơi bổ ích và ý nghĩa. Em không chỉ học được về văn hóa, mà còn rèn được sự tự tin, thuyết trình, làm việc nhóm và thấu hiểu giá trị nghề nghiệp. Đây là tiết học em sẽ không bao giờ quên”. Sinh viên Lê Duy Mạnh chia sẻ: “Em cảm nhận được mình không chỉ là người học, mà đang sống trong nghề – được thể hiện, trải nghiệm và tự hào kể câu chuyện văn hoá Việt bằng chính hành động của mình.”

Thầy Nguyễn Ngọc Dũng cho biết:“Sinh viên cần hiểu rằng, người làm du lịch không chỉ đưa khách đi tham quan, mà còn là người kể chuyện, người kết nối – đại sứ của văn hoá Việt Nam. Vì vậy, tôi luôn tạo điều kiện để các bạn SV được sống với nghề, bộc lộ tài năng và niềm đam mê từ trong chính lớp học.”

leftcenterrightdel
 

Môn học dành cho ai?

·    Sinh viên yêu thích văn hóa, mong muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch, chuyên viên phát triển sản phẩm du lịch văn hoá.

·    Những người muốn gắn bó với du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch di sản và quảng bá bản sắc Việt ra thế giới.

·    Các bạn đang tìm một môn học vừa sáng tạo, vừa thực tế, giúp phát triển tư duy nhân văn và năng lực giao tiếp chuyên nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Triết lý Học để làm – Làm để yêu nghề

Môn học Văn hoá Du lịch không chỉ giúp sinh viên biết thêm về văn hoá, mà còn giúp các em sống trong văn hoá, lan toả văn hoá, và quan trọng nhất – hiểu rằng làm du lịch là làm bằng cả trái tim, lòng tự hào dân tộc và khát vọng kết nối thế giới với Việt Nam. Thầy cô giảng viên ngành Quản lý và Phát triển du lịch luôn tâm tâm niệm triết lý: “Không còn là học để biết – mà là học để sống, học để cảm nhận và lan toả những giá trị văn hoá dân tộc.”

Trong thời đại toàn cầu hóa và cạnh tranh mạnh mẽ giữa các điểm đến du lịch, văn hóa trở thành yếu tố then chốt tạo nên sự khác biệt. Với triết lý “lấy trải nghiệm làm trung tâm”, môn học Văn hóa Du lịch tại Khoa Du lịch và Ngoại ngữ – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực sự trở thành một hành trình mở mang trí tuệ, nuôi dưỡng cảm xúc và rèn luyện kỹ năng cho sinh viên ngành Quản lý và Phát triển Du lịch.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam tự hào là nơi khơi nguồn cảm hứng và đồng hành cùng sinh viên trên hành trình trở thành người làm du lịch bản lĩnh – nhân văn – chuyên nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Trang Nhung – Khoa DL&NN