Khái niệm

Công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hay người ta thường gọi ngắn gọn là Nông nghiệp công nghệ cao. Vậy Nông nghiệp công nghệ cao là gì? Trước hết hãy nói về “Công nghệ cao”, sau sẽ bàn tới “Nông nghiệp công nghệ cao”.

Bàn về công nghệ cao, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đưa luật công nghệ cao số 21 vào ngày 13 tháng 11 năm 2008. Trong bộ luật có nói rõ: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.

Nông nghiệp công nghệ cao, chính là việc áp dụng các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tạo ra sản phẩm có giá trị tăng cao, vượt trội và thân thiện với môi trường mà luật công nghệ cao số 21 cũng chỉ rõ: Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao. Các hình ảnh dưới đây thể hiện công nghệ cao đã có trong thực tiễn nông nghiệp Việt Nam (Hình 1,2).

Các công nghệ cao nào được ứng dụng trong nông nghiệp?

Sau đây là các loại công nghệ cao trong nông nghiệp đã được Luật công nghệ cao số 21 của Quốc Hội chỉ rõ:

a) Chọn tạo, nhân giống cây trồng, giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;

b) Phòng, trừ dịch bệnh;

c) Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao;

d) Tạo ra các loại vật tư, máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;

đ) Bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp;

e) Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

g) Phát triển dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Nông nghiệp công nghệ cao đã có ở Việt Nam chưa?

Hai khu công nghệ cao lớn nhất được thành lập: (1) Quyết định số 198/1998/QD-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1998. Thành lập khu công nghệ cao Hòa Lạc tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội với diện tích 1586 ha; (2) Quyết định số: 3534 / QD-UB ngày 14 tháng 7, 2004 thành lập khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 88,17 ha tại huyện Củ Chi. Đây là 2 địa chỉ lớn nhất, đáng tin cậy hiện nay ở Việt Nam cho những ai muốn được thử sức với nông nghiệp công nghệ cao.

Đà Lạt hiện được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là địa phương đứng đầu trong cả nước về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở phía Nam Tây Nguyên. Nơi đây có không ít nhà khoa học làm nông nghiệp và ngược lại cũng rất nhiều nông dân làm khoa học. Có thể nói, cả vùng chuyên canh rau, hoa ở Đà Lạt và các vùng phụ cận là một vườn thực nghiệm lớn và toàn diện về nông nghiệp công nghệ cao mà tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn “xanh – sạch – chất lượng cao” đang giữ vai trò quyết định.

Kỹ thuật in vitro đã đưa nông nghiệp của Đà Lạt nhảy vọt một bước dài trong thực hiện mục tiêu nông nghiệp xanh, đó là tạo được những thế hệ giống cây trồng mới, những cây giống mới sạch bệnh, có sức đề kháng cao, hạn chế tối đa việc dùng các loại hóa chất (thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng…) trong sản xuất nông nghiệp.

Trang trại bò sữa hữu cơ (Trang trại bò sữa Organic Đà Lạt) đóng tại Phú Thạnh xã Tu Tra huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng với diện tích lên đến 76 ha, gồm 500 con bò nhập khẩu và hứa hẹn tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Là một trong những trang trại bò sữa organic đầu tiên tại Việt Nam, được đầu tư theo chuẩn Châu Âu.

Các hợp tác xã sản xuất hữu cơ cho thu nhập cao như Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ xã Đồng phú huyện Chương Mỹ, Hà Nội chuyên sản xuất lúa hữu cơ; Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn, Hòa Bình và Sóc Sơn Hà Nội; Trang trại sản xuất hữu cơ Hoa viên Thạch Thất, Hà Nội; Trang trại hữu cơ Tuệ viên tại Cự Khối, Gia Lâm, Hà Nội,...

Hơn thế nữa, hiện nay ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước đều có quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký ngày 27 tháng 3 năm 2017. Mới đây, Việt Nam đã tạo ra giống lúa LT 25 đạt giải nhất thế giới tại Hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila, Philippines.

Với tình hình thực tế trên đây về nông nghiệp công nghệ cao thì trong tương lai không xa sẽ cần rất nhiều lao động có tay nghề về công nghệ cao và đây chính là cơ hội lớn cho những người được đào tạo về công nghệ cao trong nông nghiệp.

Ai sẽ là ứng viên cho các khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

Đứng trước thách thức lớn lao của công nghệ cao đang đặt ra và cũng là cơ hội việc làm cho thế hệ trẻ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng chương trình đào tạo sinh viên nông nghiệp công nghệ cao từ năm học 2017-2018, 2018-2019 và vẫn đang tiếp tục tuyển sinh cho những năm học tới.

Khi vào trường, các em sẽ được đào tạo các kiến thức rất sâu về các lĩnh vực khoa học mới, hiện đại ví dụ như:

-  Phân tích, đánh giá về gen, tế bào để tạo cây, con có khả năng cho năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng chống chịu với sâu, bệnh, như các giống lợn siêu nạc, giống lúa chất lượng cao.

-  Tìm hiểu Công nghệ điều khiển tự động môi trường sống của cây, con như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bón phân cho cây trồng,... Ví dụ, thông qua các thiết bị cầm tay như điện thoại, bạn có thể điều khiển được việc tưới cây ở vườn nhà mình từ bất cứ đâu trên thế giới.

-  Khám phá vai trò của những vi sinh vật không thể nhìn thấy bằng mắt thường nhưng có tác dụng to lớn và được ứng dụng khá rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên công nghệ cao có nhiều cơ hội tham gia nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giáo sư trong Học viện và có thể thực hiện được các công nghệ mang tính ứng dụng rất thiết thực ngay trong thời gian đầu của chương trình học (hình 3,4).

Hy vọng các bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực này để có thể trở thành chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đóng góp nhiều sản phẩm, công trình NCKH mới cho đất nước.

leftcenterrightdel
Hình 3. Thiết kế trụ trồng rau tưới tự động
 Hình 3. Thiết kế trụ trồng rau tưới tự động
leftcenterrightdel
Hình 4. Nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo
Hình 4. Nuôi cấy nấm Đông trùng hạ thảo  
leftcenterrightdel
Hình 1. Mô hình Nuôi tảo spirulina  (Anh: Kim Hoa)
Hình 1. Mô hình Nuôi tảo spirulina  (Anh: Kim Hoa) 

 

leftcenterrightdel
Hình 2. Trồng rau công nghệ cao (Ảnh: Kim Hoa)
Hình 2. Trồng rau công nghệ cao (Ảnh: Kim Hoa) 

GS.TS. Phạm Tiến Dũng