Sự cần thiết của ngành đào tạo
Công nghệ thực phẩm là ngành học nghiên cứu về lĩnh vực bảo quản và chế biến nông sản; kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; vận hành dây chuyền sản xuất - bảo quản; tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm hoặc hóa học… Ứng dụng của công nghệ thực phẩm giúp sản xuất các sản phẩm thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Việt Nam là một đất nước với dân số đông, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế đòi hỏi ngày càng nhiều. Lĩnh vực thực phẩm của Việt Nam ngày càng mở rộng để phục vụ không chỉ nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Vì vậy, Công nghệ thực phẩm đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam.
Ngành Công nghệ thực phẩm có 2 mảng chính: sản xuất thực phẩm và nghiên cứu khoa học thực phẩm. Khi ý thức của người dân về thực phẩm sạch và về sức khỏe ngày càng tăng, kết hợp cùng với những khám phá khoa học mới về dinh dưỡng và con người, mảng khoa học thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm mới giúp gia tăng giá trị của nông sản và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, việc đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm có kiến thức thực tế, kiến thức lý thuyết sâu rộng, làm chủ kiến thức trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm là hết sức cần thiết, để có thể tạo ra nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực nghiên cứu phát triển, đổi mới và sử dụng các công nghệ phù hợp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Đào tạo thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm không chỉ tạo ra những người có trình độ chuyên sâu trực tiếp tham gia nghiên cứu và sản xuất thực phẩm, mà còn tạo ra một đội ngũ có thể hướng dẫn, tập huấn, phổ biến kiến thức cho lực lượng lao động đang ngày càng lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Tiềm năng thị trường và nhu cầu xã hội
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Công nghệ thực phẩm là ngành được xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2025. Theo dự báo nhu cầu nhân lực đến năm 2030 thì công nghệ thực phẩm cũng là một trong chín nhóm ngành cần nhiều nhu cầu nguồn nhân lực gắn với sự phát triển Kinh tế số hiện nay. Nhu cầu nhân lực trình độ cao cho ngành Công nghệ thực phẩm là nhu cầu chung của các công ty, nhà máy, trường học, viện nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực thực phẩm. Vì vậy, ngành Công nghệ thực phẩm hứa hẹn nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho cử nhân và thạc sĩ sau khi tốt nghiệp.
Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm được đào tạo kiến thức chuyên sâu và nâng cao trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm; ứng dụng được các phương pháp phân tích và công nghệ hiện đại phục vụ cho nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất; ứng dụng cơ sở lý luận và khoa học phục vụ cho cải tiến và phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn; phương pháp luận để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm.
Các doanh nghiệp trong ngành này luôn tìm kiếm nhân sự giỏi, trình độ cao cho rất nhiều vị trí điều hành, quản lý, nghiên cứu khoa học để phát triển doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhiều trường cao đẳng, đại học, viện nghiên cứu cũng mở các chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm để đáp ứng nhu cầu lao động, tạo nên nhu cầu lớn hơn về nguồn nhân lực có trình độ sau đại học. Thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm có thể hoạt động và làm việc tại nhiều vị trí khác nhau như:
- Cán bộ quản lý trong các công ty sản xuất và kinh doanh thực phẩm, các cơ quan nhà nước về quản lý an toàn thực phẩm;
- Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) tại các viện nghiên cứu, công ty, nhà máy thực phẩm;
- Chuyên viên tư vấn, lập kế hoạch, soạn thảo các chính sách liên quan đến sản xuất và quản lý chất lượng thực phẩm;
- Chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cộng đồng và an toàn thực phẩm tại các trung tâm dinh dưỡng, trung tâm y tế và trung tâm y tế dự phòng,…
- Cán bộ nghiên cứu trong các viện, các trung tâm, các công ty, các nhà máy xí nghiệp sản xuất thực phẩm;
- Cán bộ giảng dạy Công nghệ thực phẩm trong các trường đại học và cao đẳng;
- Các doanh nhân trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm;
Ngoài ta, thạc sĩ Công nghệ thực phẩm còn có thể tham gia vào các ngành như công nghệ sinh học, y sinh, mỹ phẩm;
Ngành Công nghệ thực phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Trước đây là Trường Đại học Nông nghiệp I) bắt đầu đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm từ năm 2009. Trải qua hơn 15 năm đào tạo, Học viện đã đào tạo cho đất nước hàng nghìn thạc sĩ công nghệ thực phẩm. Nhiều học viên tốt nghiệp đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp.
|
|
Học viện đã đào tạo cho đất nước và nước bạn hàng nghìn thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm |
Theo học ngành Công nghệ thực phẩm tại Học viện, học viên được học tập, hướng dẫn nghiên cứu bởi đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm, 100% giảng viên được đào tạo sau đại học tại các nước có nền khoa học tiên tiến như: Úc, Bỉ, Pháp, Áo, Hàn Quốc… Bên cạnh đó, học viên có cơ hội thực hiện nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ thực phẩm đạt chuẩn ISO tại Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo của Học viện. Học viên có cơ hội nhận được học bổng tài trợ để hoàn thành luận văn cao học từ các dự án quốc tế, các doanh nghiệp có hợp tác với Học viện, có cơ hội trao đổi thực tập sinh ngắn hạn và tiếp tục làm PhD tại Đại học Ghent hoặc Đại học Leuven, Bỉ; và Đại học BOKU, Áo,...
|
|
Học viện tham gia seminar trao đổi kiến thức chuyên môn |
|
|
Theo học tại Học viện, học viên sẽ được thực hành trong phòng thí nghiệm đại tiêu chuẩn ISO |
Năm 2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 50 chỉ tiêu trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm. Thí sinh yêu thích ngành Công nghệ thực phẩm và mong muốn phát triển bản thân trong lĩnh vực này, hãy nhanh tay nộp hồ sơ về Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Chi tiết liên hệ ThS. Vũ Thị Khánh Toàn (Số điện thoại: 0977311338/02462617519).