TINH THẦN THỰC HỌC, THỰC NGHIỆP ĐANG LAN TỎA VÀ ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐỒNG BỘ TRONG TOÀN HỆ THỐNG GIÁO DỤC. RIÊNG VỚI BẬC ĐẠI HỌC - NƠI CUNG ỨNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CHO ĐẤT NƯỚC, CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI ĐANG ĐƯỢC TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT VỚI TINH THẦN LẤY NGƯỜI HỌC LÀM TRUNG TÂM; THỰC HIỆN SỐNG ĐỘNG NGUYÊN LÝ ĐÀO TẠO “HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH, NHÀ TRƯỜNG GẮN LIỀN VỚI XÃ HỘI".
- Bệnh nhân ngừng tuần hoàn rồi
- Kéo máy sốc điện ra đây, chuẩn bị bộ đặt ống nội khí quản
- Nhanh tay lên, đặt ống nhanh lên!
- Bệnh nhân có dấu hiệu sinh tồn trở lại...
Và thế là thêm một ca cấp cứu thành công, Nguyễn Xuân Hoàng - bác sĩ nội trú Hồi sức cấp cứu K45 – Trường Đại học Y Hà Nội lui về phía cuối hành lang bệnh viện, lau vội mồ hôi đã ướt nhoà gương mặt, nhìn cả ê-kíp thở phào nhẹ nhõm.
"Đứng giữa lằn ranh sinh tử để giành giật sự sống và cái chết cho bệnh nhân không chỉ cần kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn mà cần cả sự bình tĩnh và kiểm soát được cảm xúc.
Để làm được điều đó cần cả quá trình tôi luyện. Với sinh viên ngành Y đa khoa, chúng em bắt đầu làm quen với môi trường bệnh viện từ năm 3. Sáng đi lâm sàng, chiều học lý thuyết đến tối đi trực ở bệnh viện là chuyện diễn ra như cơm bữa. Cường độ này diễn ra liên tục đến năm 6 đại học, còn khi vào nội trú việc học và làm sẽ diễn ra hoàn toàn tại các cơ sở y tế, bệnh viện mà mình công tác. Đúng với cụm từ “nội trú”, sinh viên sẽ học và làm việc 24/24 tại cơ sở y tế" - Xuân Hoàng chia sẻ.
“Em đã từng ôn thi quên ăn, quên ngủ, sách xếp chồng chồng lớp lớp, thậm chí đã đọc hết hàng chục cân sách. Em cũng được thực hiện công việc như một nhân viên y tế thực thụ, được tham gia vào quá trình giành giật hơi thở cho bệnh nhân. Em hiểu những áp lực mà các y bác sĩ phải trải qua, cảm nhận rõ sự hạnh phúc khi đưa bệnh nhân từ cửa tử quay trở về" - Hoàng hồi tưởng.
Sau 9 năm theo học tại Trường Đại học Y Hà Nội, Hoàng khẳng định - yếu tố tác động trực tiếp đến sự trưởng thành trong tư duy với nghề là được "xắn tay áo" tham gia vào quá trình cứu chữa bệnh nhân, được chung sức, đồng lòng cùng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế.
“Với ngành y, nếu học không đi đôi với hành sẽ giống thầy bói xem voi. Chỉ đọc sách hay học lý thuyết đơn thuần không thể hình dung rõ tiếng tim, tiếng phổi, không thể chẩn đoán bệnh nhân, không thể điều trị. Sinh viên trường Y đi trực từ năm 3, va vấp với các ca bệnh, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, được trải nghiệm thực tế và tham gia vào quá trình cứu chữa bệnh nhân đã làm dày dặn vốn nghề” – Hoàng chia sẻ.
Khẳng định gắn học với hành trong môi trường đào tạo y khoa rất quan trọng, tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, bác sĩ Vũ Quốc Đạt - bộ môn Truyền nhiễm - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, với chương trình đào tạo hiện nay, việc cho sinh viên thực hành và làm quen với môi trường bệnh viện được đặt ra từ rất sớm. Về cơ bản, chương trình có nhiều môn học khác nhau cũng như nhiều hình thức đào tạo về mặt thực hành.
Giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, ngành y là một ngành đặc thù, vì vậy việc gắn học với hành là điều bắt buộc đối với tất cả các sinh viên. Nếu không có thực hành sinh viên sẽ không thu được những kỹ năng, kiến thức lâm sàng để có thể đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn trong tương lai.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lực lượng y tế còn rất mỏng, việc đào tạo sinh viên từ sớm để các em có thể tham gia vào hệ thống chăm sóc y tế sẽ giúp cho xã hội tiết kiệm nhiều nguồn lực.
Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, các trường đại học không chỉ dừng lại ở việc học đi đôi với hành, mà còn chú trọng đẩy mạnh liên minh chiến lược, phát huy vai trò kết nối người học với doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên khi ra trường có thể làm việc lập tức và "đắt hàng" trong mắt nhà tuyển dụng.
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhiều sinh viên có cơ hội tìm được việc làm ngay tại buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh – Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết - có nhiều doanh nghiệp trực tiếp đến tham dự và tuyển dụng sinh viên trong các buổi bảo vệ khóa luận. Đây không chỉ là cơ hội cho sinh viên năm cuối mà còn có lợi cho sinh viên năm 1, 2, 3 hiểu rõ nhu cầu của các doanh nghiệp về kỹ năng, kiến thức, thái độ để các em có định hướng học tập, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà tuyển dụng.
Khẳng định những năm gần đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và quản trị theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới, TS Giang Trung Khoa - Trưởng Ban công tác Chính trị và công tác sinh viên cho biết, Học viện xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tinh thần thực học, thực nghiệp, lấy người học làm trung tâm; thực hiện sống động nguyên lý của quá trình đào tạo “Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội”.
Theo đó, chương trình đào tạo được rà soát, cập nhật định kỳ, đối sánh với các chương trình tiên tiến, chất lượng trong và ngoài nước. Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu của các bên liên quan, đặc biệt là của người sử dụng lao động. Điều này cho phép sinh viên tích lũy, hình thành đầy đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ đáp ứng nhu cầu công việc sau khi ra trường.
Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc theo đuổi triết lý “Thực học – thực nghiệp”, TS Giang Trung Khoa cho biết, nhà trường cũng xác định nghiên cứu khoa học là sức sống của nhà trường. Kết quả từ hoạt động nghiên cứu khoa học được cập nhật và tích hợp trong bài giảng để nâng cao chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng thúc đẩy hoạt động đào tạo, nghiên cứu theo đặt hàng doanh nghiệp.
Không khí thực học thực nghiệp hiện nay của ngành Giáo dục không chỉ là đốm lửa nhỏ ở một vài điểm trường mà đã lan ra toàn hệ thống từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Đối với các trường đại học, không riêng gì khối Y Dược, Kinh tế, Kỹ thuật hay khối các ngành khoa học cơ bản đặc thù... tất cả đều coi việc học đi đôi với hành, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao là nhiệm vụ sống còn.
Đặc biệt, đối với đào tạo sư phạm - ngành được coi là yếu tố quyết định của đổi mới giáo dục, bởi thành hay bại đều bắt đầu từ người thầy.
Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến sự quay trở lại top đầu của nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên. Nâng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) và điểm chuẩn vào các trường sư phạm tăng cao được xem là bước tiến lớn.
Khẳng định sự học phải đề cao thực nghiệp, TS Trần Bá Trình - Phó trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết - mục tiêu đào tạo của nhà trường được cụ thể hoá thành 4 chuẩn đầu ra lớn, cụ thể là: phẩm chất, năng lực chung, năng lực sư phạm và năng lực ngành nghề. Các chuẩn đầu ra diễn đạt được năng lực mà người học thể hiện sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và bước đầu tiếp cận được yêu cầu đối với nghề nghiệp.
Hàm lượng thực hành trong tất cả các học phần được xác định rất rõ. Những học phần môn chung sẽ thiên về kiến thức và tri thức nền tảng. Khi đi dần vào các học phần về chuyên ngành, đặc biệt đối với các ngành đào tạo giáo viên có khối học vấn nghiệp vụ sư phạm chiếm tới 25% thời lượng của chương trình đào tạo và chủ yếu mang tính chất thực hành. Đặc biệt, phần thực hành học tập sư phạm đóng vai trò vô cùng quan trọng ở khâu tổ chức đào tạo.
Theo https://laodong.vn/