Cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua, tập thể lớp K67CNSHA đã hoàn thành chuyến tham quan thực tập đầu tiên ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các công ty tại Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội. Chuyến đi tham quan và học tập này là dịp để các sinh viên có cơ hội tìm hiểu về những mô hình sản xuất thực tế và ứng dụng công nghệ sinh học vào đời sống, đồng thời định hướng nghề nghiệp cho sinh viên trong tương lai. Mỗi địa điểm trong hành trình đều cung cấp những góc nhìn mới, kiến thức mới về ngành Công nghệ sinh học trong thực tiễn.

Công ty C.P. Hải Dương

Nhà máy C.P. Hải Dương thuộc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam là điểm đến đầu tiên của đoàn thực tập. Ở đây, những sinh viên thực tập đã được các cấp lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của công ty chào đón nồng nhiệt, được giới thiệu chi tiết về quy trình chăn nuôi (FARM), sản xuất thực phẩm (FOOD) và thức ăn chăn nuôi (FEED). Sinh viên được chứng kiến, quan sát các quy trình sản xuất từ khâu kiểm tra đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào đến đóng gói sản phẩm với công nghệ tự động, tiên tiến, hiện đại.

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh kỷ niệm cùng lãnh đạo, cán bộ của Công ty C.P. Việt Nam – Chi nhánh nhà máy Hải Dương

Viện Nghiên cứu Hải sản, Hải Phòng

Tạm biệt Công ty C.P Hải dương, đoàn thực tập đến với thành phố Hải Phòng, thành phố hoa phượng đỏ, thành phố lớn thứ 3 Việt Nam và là một thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ của Việt Nam. Điểm đầu tiên đoàn thực tập ghé thăm là Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng.

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh kỷ niệm cùng các cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản

Tại đây, đoàn thực tập được Ban Giám đốc giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển và thành tựu của Viện, thăm các phòng ban, được trải nghiệm và đánh giá những sản phẩm được phát triển bởi Viện, được tham quan Bảo tàng - nơi lưu giữ rất nhiều loài sinh vật biển được đánh bắt từ nhiều nơi trên vùng biển Việt Nam. Sinh viên được nghe báo cáo tóm tắt của Phòng Khoa học về một số quy trình sản xuất các sản phẩm từ hải sản cũng như ứng dụng các chế phẩm sinh học vào thực tế sản xuất, bảo quản các sản phẩm được sản xuất tại Viện. Đây chính là những thông tin thiết thực liên quan tới CNSH, cụ thể là công nghệ vi sinh mà sinh viên quan tâm. Các câu hỏi, thắc mắc của sinh viên đã được giải đáp chi tiết, do đó các bạn càng tin tưởng vào lựa chọn của mình.
leftcenterrightdel
 Một số hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng của Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng

 

Công ty TNHH nước mắm hương vị Cát Hải

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh kỉ niệm tại Công ty TNHH nước mắm hương vị Cát Hải

Rời Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng với bao lưu luyến, đoàn thực tập đến với Công ty TNHH nước mắm hương vị Cát Hải. Tại đây, đoàn thực tập được Giám đốc Công ty cùng các công nhân của Công ty hướng dẫn, chỉ rõ các quy trình sản xuất nước mắm truyền thống, từ khâu chọn lựa nguyên liệu cá tươi sạch cho đến quá trình lên men, bảo quản và đóng gói đều được quản lý nghiêm ngặt với mục đích mang những sản phẩm tốt nhất đến tay khách hàng. Công ty chú trọng vào sự kết hợp giữa phương pháp chế biến truyền thống và áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo chất lượng nhưng vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng của nước mắm Cát Hải. Sinh viên đã được nghe giới thiệu về các loại mắm khác nhau, và quá trình đánh chượp, phơi nắng để kích thích quá trình thủy phân protein trong cá nhằm tăng nồng độ đạm trong nước mắm, được giới thiệu về việc xử lý bã thải sau khi kết thúc quá trình lọc mắm làm thức ăn chăn nuôi. Sinh viên hy vọng những kiến thức về công nghệ vi sinh được áp dụng vào quá trình sản xuất mắm, cụ thể là giai đoạn chượp cá, sẽ rút ngắn thời gian ủ và tăng hương vị cho nước mắm.
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh về Công ty TNHH nước mắm hương vị Cát Hải
 

Công ty TNHH Việt Trường

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh lưu niệm tại Công ty TNHH Việt Trường

Vào ngày thứ ba, đoàn thực tập đã có cơ hội đến tham quan Công ty TNHH Việt Trường, một trong những công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu lớn miền Bắc Việt Nam và được anh Ngô Minh Phương, CEO của công ty giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển, thành tựu và các định hướng phát triển trong tương lai của công ty. Ngoài ra, đoàn thực tập được tham quan các khu vực sản xuất, được tìm hiểu về các công nghệ hiện đại, các dây chuyền sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt một số thủy hải sản phổ biến (như cá thu, hải sâm, ngao…). Cùng với những tiêu chuẩn chất lượng khắt khe, công ty đã cho ra những sản phẩm tốt nhất đưa đến thị trường các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia... 
leftcenterrightdel
 Một số hoạt động của đoàn thực tập tại Công ty TNHH Việt Trường

 

Công ty CP Rau quả Việt Xô

Điểm đến cuối cùng trên hành trình trải nghiệm thực tế của sinh viên tại Hải Phòng là Công ty Cổ phần rau quả Việt Xô. Công ty có bề dày lịch sử với mục tiêu tiếp tục sản xuất kinh doanh các mặt hàng truyền thống: Sản xuất Agar từ rong câu, chế biến rau quả đóng hộp, bảo quản và phân phối rau quả tươi, cũng như kinh doanh các sản phẩm nông sản khác. Tại đây, đoàn thực tập đã được lắng nghe những trao đổi của bác Lê Đình Thám - Giám đốc công ty về thực tế phát triển của công ty cũng như những suy tư, trăn trở của bác về việc ứng dụng Công nghệ sinh học thực vật trong chọn tạo giống rong năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với điều kiện vùng biển của nước ta để góp phần nâng cao nguồn thu nhập của bà con trồng rong tại các vùng này và đã được quan sát cũng như được các cán bộ của công ty giải thích quy trình sản xuất rau câu từ rong biển đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khu vực sản xuất với các dây chuyền máy móc tự động, giúp nâng cao hiệu quả và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. Nhà máy sản xuất thạch từ rong câu sử dụng nhiều nước, nhưng nước thải từ quá trình sản xuất đã được thu gom và chuyển về hệ thống xử lý nước thải. Bằng cách kết hợp biện pháp kỹ thuật vật lý, hóa học với công nghệ sinh học trong hệ thống xử lý nước thải, nên sau khi xử lý, nước thải của nhà máy đạt tiêu chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh tại Công ty Cổ phần Rau quả Việt Xô
leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh kỉ niệm cùng Giám đốc, công nhân viên của Công ty CP Rau quả Việt Xô

 

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

Tại Hà Nội, sinh viên đã tham quan Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong những năm qua, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đóng góp rất nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển bền vững nền nông nghiệp nước nhà. 

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh lưu niệm tại Trang trại SmartFarm Việt – Hàn

Tại Viện KHNN Việt Nam, sinh viên đã tham quan Trang trại thông minh Việt - Hàn thuộc dự án “Thiết lập chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh và an toàn tại Việt Nam” (Smart Farm). Trang trại được đặt ở Khu trình diễn công nghệ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sản xuất một số cây trồng ôn đới có giá trị cao như dâu tây, ớt chuông,... dựa trên công nghệ tiên tiến từ Hàn Quốc. Sinh viên đã rất hào hứng với các công nghệ trồng cây trong nhà lưới, như các mô hình thủy canh, khí canh từ đó thấy được ứng dụng thực tiễn của Công nghệ sinh học và tiềm năng kinh tế rất lớn của các mô hình này.
leftcenterrightdel
 Một số hình ảnh tại SmartFarm

Đoàn thực tập cũng đã được tham quan và nghe giới thiệu về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ, nơi nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh về cây đậu đỗ (lạc, đậu tương, đậu xanh và một số loài cây đậu đỗ khác) trong phạm vi cả nước. Được sự hướng dẫn và chia sẻ tận tình của các nhà khoa học của Trung tâm, các bạn sinh viên đã tiếp thu thêm nhiều những kiến thức về kỹ thuật và kinh nghiệm quý báu về đậu đỗ, đồng thời được giải đáp nhiều khúc mắc của mình, như ứng dụng các chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống, barcoding, kỹ thuật PCR để so sánh các giống khởi động. Các bạn sinh viên đã thấy rõ vai trò của CNSH trong chọn tạo các giống cây trồng đáp ứng với điều kiện hạn, mặn và biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ

 

Trung tâm Nghiên cứu Trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội – Viện Dược liệu

leftcenterrightdel
 Đoàn thực tập chụp ảnh kỉ niệm tại Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội

Trung tâm Nghiên cứu Trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình thực tập lần này của tập thể sinh viên lớp K67CNSHA. Tại đây, đoàn thực tập không chỉ được gặp gỡ và trao đổi với Giám đốc Trung tâm, mà còn được Giám đốc tận tình chỉ bảo khi tham quan các vườn thuốc và quy trình chế biến cây thuốc sau khi thu hoạch. Với sự nồng nhiệt tiếp đón và những chia sẻ đầy bổ ích của Giám đốc Trung tâm cùng các cán bộ nơi đây, sinh viên đã học hỏi được nhiều điều, biết được giá trị và tầm quan trọng của cây thuốc trong thời đại hiện nay cũng như các biện pháp chọn tạo và canh tác, chăm sóc để tăng các dược chất trong cây dược liệu.
leftcenterrightdel
Một số hình ảnh của đoàn thực tập tại Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội 

Chuyến tham quan trải nghiệm thực tế của tập thể sinh viên lớp K67CNSHA đã diễn ra rất thành công. Các sinh viên đã được tham quan những mô hình, cơ sở có liên quan tới ngành học Công nghệ sinh học, trên cơ sở đó lập kế hoạch định hướng cho tương lai của bản thân. Sinh viên có cơ hội trao đổi các thông tin liên quan tới ngành đào tạo, được chứng kiến những mô hình và quy trình sản xuất tiên tiến, được giải thích và trao đổi trực tiếp với những chuyên gia trong ngành về ứng dụng của CNSH trong sản xuất và đời sống.

Thông qua chuyến đi thực tập, tham quan này, sinh viên không chỉ bồi đắp thêm được nhiều kiến thức mới, những hiểu biết chuyên sâu hơn đối với ngành Công nghệ sinh học trong thực tiễn, những kĩ năng giao tiếp, trình bày ý kiến, làm việc nhóm và tư duy sáng tạo cũng được tiếp thu và vận dụng trong quá trình học tập và làm việc sau này.

Chuyến đi này cũng là một cơ hội hiếm có để tập thể lớp K67CNSHA thể hiện và nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cả học tập và cuộc sống.

Tập thể sinh viên lớp K67CNSHA xin trân trọng gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ban Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Sinh học, Ban Giám đốc và cán bộ thuộc các viện nghiên cứu, trung tâm, các công ty đã tạo điều kiện, hỗ trợ để chuyến đi lần này của đoàn thực tập được hoàn thành tốt đẹp. Đặc biệt, đoàn thực tập xin cảm ơn các thầy/cô đã đồng hành với đoàn thực tập trong suốt hành trình này. Cuối cùng xin cảm ơn sự tuân thủ và hợp tác của các bạn sinh viên lớp K67 CNSHA đã giúp cho chuyến đi này trở nên thật ý nghĩa! 

Đoàn thực tập nghề nghiệp lớp K67CNSHA