Đã 5 tháng kể từ khi mình xa nhà, xa tập thể lớp K63 CNTYA, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đặt chân lên đất nước Đan Mạch - Một đất nước có nền chăn nuôi heo phát triển và cũng là đất nước có chỉ số hạnh phúc nhất thế giới. Sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu do chênh lệch múi giờ, sự khác biệt về văn hóa cũng như cách thức chăn nuôi, mình dần dần bắt nhịp được với cuộc sống cũng như công việc tại trang trại.
Trang trại mình thực tập gồm có 500 heo nái và có khả năng sản xuất được 15.000 heo con trong 1 năm. Trại có 3 nhân viên thường trực gồm: 1 người Đan Mạch: chịu trách nhiệm chính trên chuồng nái mang thai và rửa chuồng, 1 người Ukraine: chịu trách nhiệm chính trên chuồng heo con cai sữa và 1 người Việt Nam (là mình) chịu trách nhiệm chính trên chuồng đẻ làm việc với heo nái và heo con.
Những ngày đầu thực tập tại trang trại heo thực sự là những kí ức mà mình không thể quên với những thứ “nặng nặng” và “to to”. Mình với chiều cao khiêm tốn 1m52 và nặng 42 kg so với hai anh đồng nghiệp làm cùng người Ukraine và Đan Mạch vô cùng cao to và lực lưỡng thì mình thực sự rất nhỏ bé. Cái sự nhỏ bé của mình ở Việt Nam đã gọi là nhỏ con rồi, tại Đan Mạch thì lại càng nhỏ con hơn nữa. Trong 1 lần đi chơi sở thú với anh Ukraine thì được tính 1 vé người lớn và 1 vé trẻ em, mặc dù mình đã 21 tuổi rồi. Đặc biệt, trong 1 lần đi siêu thị mua vài lon bia thì nhân viên thu ngân yêu cầu cho kiểm tra thẻ căn cước vì quy định của các nước châu Âu không bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi.
Ngay ngày đầu tiên đi làm, mình bị sốc vì tốc độ cực nhanh của các đồng nghiệp. Các anh bước đi thôi mà mình lõm tõm chạy theo sau. Còn mấy cái xô đựng nước với cám mấy anh ấy xách dễ như cầm mớ rau, còn mình thì khệ na khệ nệ, chân tập tễnh. Cái xe cám nặng 200kg, mình đẩy không nổi. Khi đó anh người Ukraine giúp mình, rồi chỉ mấy cái mẹo khi đẩy xe, giờ thì mình có thể đẩy xe cám thuần thục rồi. Lần đầu vào chuồng heo nái mang thai cũng hơi sợ vì các heo nái to gấp 4 - 5 lần mình. Nhớ cảm giác hồi đầu tiêm cho heo nái, đầu chúng nó lắc liên hồi rồi hú hét mà tay run bần bật. Rồi những lần sát sinh mấy bé heo con bơi chải sắp chết, khoảng 2 tháng đầu mình nhờ anh Ukraina làm hộ hoặc mình để im cho nó tự chết. Nhưng giờ thì mình làm nhanh hơn và nghĩ đó là cách nhanh nhất để giải thoát cho các chú heo con còn hơn cứ để dai dẳng trong đau đớn mà không thể cứu chữa.
Đến thời điểm hiện tại mình thấy bản thân nhanh nhẹn và khoẻ khoắn hơn rất rất nhiều, quan sát tốt hơn và làm việc tỉ mỉ hơn. Vì sao mình lại kể những điều trên? Mình muốn khẳng định rằng: tuy người Việt Nam có thể hình nhỏ bé, yếu hơn nhưng mình chắc chắn rằng năng suất làm việc của mình không hề thua kém họ. Đặc biệt mình hơn họ ở niềm đam mê với nghề, sẵn sàng bỏ thời gian nghỉ, về muộn chỉ để chắc chắn rằng heo con ổn và ngày mai nó sẽ không chết. Mỗi ngày đi làm là một ngày vui với mình, tuy heo con hay la khóc chút nhưng rất đáng yêu và dễ thương.
Một trở ngại nữa đối với mình là vốn tiếng Anh chưa thực sự tốt nên nó làm hạn chế rất nhiều tính ham học hỏi của mình. Mỗi lần muốn hỏi gì thì lại không có từ vựng và cũng không biết cách diễn đạt như thế nào để người ta có thể hiểu mình và hỏi được rồi thì cũng không thể nghe hiểu hết câu trả lời. Để làm quen với điều này là cả một quá trình mà mình đang thực hiện: qua nhà anh Ukraine nói chuyện vài ngày/tuần để luyện kĩ năng nghe, nói. Nhờ anh ấy chỉnh phát âm cho, gạ anh ý học tiếng Anh chung, rồi thành gia sư tiếng Anh miễn phí cho mình. Lời khuyên của mình cho các bạn là hãy cố gắng học tiếng Anh không chỉ cho việc đi thực tập sinh mà còn sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Mình thấy trong xã hội hiện đại thì bất kể ngành nghề nào cũng cần tiếng Anh cả, ngành chăn nuôi của mình càng phải cần hơn. Vì sao mình nói như thế? Vì cơ hội việc làm cho ngành chăn nuôi, thú y không chỉ bó hẹp trong nước mà còn có rất nhiều thậm chí đó là các cơ hội cả ở các nước có nền chăn nuôi tiên tiến trên thế giới. Thậm chí mình biết có nhiều anh chị học ngành khác cũng sẵn sàng học văn bằng 2 về chăn nuôi, thú y hay nông học để được sang các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ. Vậy tại sao khi chúng ta đã lựa chọn ngành chăn nuôi, thú y rồi mà chưa biết tận dụng cơ hội của mình. Cơ hội thường nằm trong những rủi ro, chấp nhận rủi ro, chấp nhận vất vả, chăm chỉ và đặc biệt phải có niềm đam mê, yêu nghề cuồng nhiệt thì mọi cơ hội sẽ đến với mình.
Mình cũng đã đọc được rất nhiều bài viết của những em tân sinh viên lựa chọn ngành Chăn nuôi - Thú y, mình hiểu vì mình đã trải qua sự cấm cản học ngành này của gia đình, sự chê bai từ họ hàng, làng xóm, sự dè bỉu từ bạn bè vì đây là ngành không “Sang” lại vất vả. Mình đã dành trọn 3 năm để chứng tỏ với gia đình rằng quyết định lựa chọn ngành Chăn nuôi - Thú y, Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là chưa bao giờ sai lầm mà đặc biệt vô cùng đúng đắn. Một câu nói của các thầy/cô mà mình thấy rất tâm đắc là: “Yêu nghề - Nghề không phụ”.
Mình rất mong những ai đã, đang và sẽ là sinh viên của ngành Chăn nuôi - Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn tự tin vào sự lựa chọn của bản thân và càng ngày càng đam mê với ngành nghề của mình.
Thân ái các đồng nghiệp tương lai của tôi.
Phạm Kim Cúc K63 – CNTYA, Thực tập sinh tại Đan Mạch