Đôi khi việc tìm một chủ đề thực tập giáo trình hoặc thực tập tốt nghiệp có thể làm mất nhiều thời gian và công sức của nhiều sinh viên. Trong bài viết này, bạn hãy cùng tìm hiểu về các chủ đề tiềm năng trong lĩnh vực quản trị tài chính doanh nghiệp nhé!

leftcenterrightdel
 

Các bạn sinh viên có thể băn khoăn về sự khác biệt giữa TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP & QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP. Sự băn khoăn đó là đương nhiên, và rất nên được đánh giá cao. Câu trả lời thường thấy nên là thế này: Trong khi TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP quan tâm đến khía cạnh nguyên lý về những chủ đề tài chính trong doanh nghiệp thì QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP quan tâm cụ thể hơn đến việc ứng dụng các nguyên lý vừa được đề cập trong thực tiễn các hoạt động hướng tới mục tiêu của doanh nghiệp.

Do đó, có thể nói rằng TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP và QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP chỉ là hai hướng tiếp cận khác nhau về cùng một vấn đề. Sự khác biệt và do đó kéo theo tên gọi cũng chính là để đảm bảo sự phù hợp trong thiết kế các học phần cho hợp lý với từng chuyên ngành đào tạo.

Chẳng hạn, với các ngành kinh tế tài chính, kế toán và một số ngành khác thì thường sẽ học tài chính doanh nghiệp bởi yêu cầu kiến thức với lĩnh vực này chỉ dừng lại ở nguyên lý để bổ trợ hiểu biết sâu hơn về các kiến thức trong lĩnh vực chuyên ngành. Trái lại, quản trị tài chính được thiết kế cho các ngành học mang định hướng thực hành trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp như là quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, và một số ngành khác. Từ đây, trong khuôn khổ đề xuất các chủ đề thực tập trong lĩnh vực quản trị tài chính doanh nghiệp thì tên gọi "quản trị tài chính doanh nghiệp" được dùng chung cho cả "quản trị tài chính doanh nghiệp", "tài chính doanh nghiệp", và "quản trị tài chính". 

Khái quát về quản trị tài chính doanh nghiệp:

Có thể khái quát thế này: Quản trị tài chính doanh nghiệp là những hoạt động tạo ra và sử dụng các dòng tiền trong doanh nghiệp để giúp đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp. Mục tiêu chung của doanh nghiệp là làm cho các chủ sở hữu doanh nghiệp được trở nên ngày càng thịnh vượng hơn, đồng thời với việc doanh nghiệp đảm bảo tốt các trách nhiệm xã hội của mình, và đảm bảo lợi ích cho tất cả các tác nhân có liên quan đến quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Cụ thể, quản trị tài chính của doanh nghiệp bao gồm ba nhóm hoạt động chính là: nhóm hoạt động đầu tư, nhóm hoạt động huy động vốn, và nhóm hoạt động giám sát và đánh giá hiện trạng hiệu quả tài chính của doanh nghiệp. Ba nhóm hoạt động này luôn liên quan và bổ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

- Nhóm hoạt động đầu tư:

 

Nhóm hoạt động đầu tư trả lời câu hỏi rằng "doanh nghiệp đã đầu tư số tiền mà mình huy động được vào những nguồn lực nào?". Ở mỗi doanh nghiệp, các thông tin về phần tài sản của doanh nghiệp chính là câu trả lời cho câu hỏi vừa được nêu. Tức là các doanh nghiệp đã dùng tiền để đầu tư vào các tài sản được liệt kê trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Tất nhiên, doanh nghiệp không thể đầu tư hết mọi đồng tiền mà nó huy động được, vì nếu như vậy thì doanh nghiệp sẽ thiếu tiền mặt để đảm bảo cho các khoản chi tiêu khi cần thiết.

leftcenterrightdel
 

Và tất nhiên, nếu như các em sinh viên đã biết về các thông tin tài sản trong các bảng cân đối kế toán thì chắc là các em cũng có thể hiểu rằng "à, vậy là doanh nghiệp dùng tiền để đầu tư vào tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn". Các doanh nghiệp đầu tư vào các tài sản để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh theo các dự án sản xuất kinh doanh đã được kế hoạch trước nhằm tạo ra lợi nhuận và qua đó tạo sự tăng trưởng giá trị của doanh nghiệp. Trước khi thực hiện các khoản đầu tư đó doanh nghiệp thường phải tiến hành đánh giá tính khả thi của các dự án vừa được đề cập.

- Nhóm hoạt động huy động vốn:

Nhóm hoạt động huy động vốn còn được gọi là nhóm hoạt động tài trợ trả lời câu hỏi rằng "doanh nghiệp lấy đâu ra tiền vốn để đầu tư vào các tài sản như đã được đề cập ở nhóm hoạt động đầu tư?". Nếu các em đã biết về bảng cân đối kế toán thì phần "nguồn hình thành tài sản (hay nguồn vốn)" của doanh nghiệp chính là nơi chứa đựng các thông tin để trả lời câu hỏi vừa nêu cho các em. Bên nguồn hình thành tài sản chỉ ra rằng doanh nghiệp có thể huy động vốn từ 3 nguồn chính bao gồm từ việc sử dụng các khoản nợ & vay (kể cả ngắn hạn và dài hạn), từ việc huy động vốn góp (vốn góp, vốn tự có, hoặc vốn cổ phần), và từ nguồn lợi nhuận tạo ra từ quá trình sản xuất kinh doanh nhưng được giữ lại để tái đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tất nhiên, hoạt động tài trợ vốn trong doanh nghiệp không chỉ chỉ ra thông tin về việc doanh nghiệp đã huy động vốn từ nguồn nào, mà còn cần chỉ ra các chính sách mà doanh nghiệp sử dụng để làm cho các hoạt động huy động vốn trở nên hiệu quả hơn. Hiệu quả hơn trên khía cạnh rằng các chi phí để huy động được các đồng vốn là thấp nhất, lợi ích của các tác nhân có liên quan được đảm bảo một cách tốt nhất, và doanh nghiệp làm những việc đó một cách cạnh tranh nhất trên thị trường tài chính.

- Nhóm hoạt động giám sát và đánh giá hiện trạng và hiệu quả hoạt động quản trị tài chính

Nhóm hoạt động này hướng tới việc đảm bảo rằng tất cả những hoạt động quản trị tài chính trong các nhóm hoạt động đầu tư và hoạt động tài trợ trong doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu chung của doanh nghiệp một cách vững chãi và hiệu quả. Sự đảm bảo mục tiêu hướng tới đảm bảo rằng doanh nghiệp có một hệ thống giám sát quản trị doanh nghiệp minh bạch, công tâm, và hiệu quả, đảm bảo rằng quá trình tìm kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp không để xảy ra những mâu thuẫn với các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hạn chế tối đa mâu thuẫn giữa mục tiêu của doanh nghiệp và lợi ích của các tác nhân khác có liên quan đến doanh nghiệp, và hạn chế tối đa mâu thuẫn lợi ích và mối quan tâm giữa các cấp quản trị của doanh nghiệp và các chủ sở hữu của doanh nghiệp. Sự vững chãi thể hiện ở sức khoẻ và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp được đảm bảo và ổn định trong so sánh chung với trung bình ngành và các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Các chủ đề tiềm năng mà các sinh viên có thể lựa chọn cho các đợt thực tập:

Nếu các em sinh viên đã rõ về những nét khái quát về QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP như ở phần trên đã đề cập thì chắc hẳn là các em đã có thể hình dung ra một số những chủ đề liên quan mà các em có thể tìm hiểu ở doanh nghiệp mà các em sẽ đến thực tập.

Với nhóm hoạt động đầu tư, các em có thể lựa chọn một hoặc kết hợp một số trong số các chủ đề sau:

- Tìm hiểu về quá trình đánh giá và lựa chọn các phương án (dự án) sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Với chủ đề này, các em cần trả lời được các câu hỏi sau:

+/ Hướng hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiêp là gì? Quy mô và chủng loại sản phẩm dịch vụ như thế nào?

+/ Các phương án tiềm năng mà doanh nghiệp đã có thể lựa chọn để phục vụ hướng hoạt động sản xuất kinh doanh chính là gì?

+/ Doanh nghiệp đã lựa chọn những phương án nào để đảm bảo hiệu quả phương hướng sản xuất kinh doanh chính của mình? Những điều kiện nào của doanh nghiệp đã "thôi thúc" doanh nghiệp lựa chọn các phương án như vậy? Điều kiện nào là chủ quan từ doanh nghiệp, điều kiện nào thuộc về khách quan đến từ thị trường và môi trường bên ngoài?

+/ Doanh nghiệp đã thực hiện quá trình đánh giá và lựa chọn các phương án kinh doanh như thế nào? Qua các bước nào, các thủ tục & tiến trình, các tiêu chuẩn, kỹ thuật đánh giá và lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh là gì?

+/ Doanh nghiệp lựa chọn các phương án sản xuất kinh doanh mới hay sáp nhập (thâu tóm) để phục vụ hướng sản xuất kinh doanh chính?

- Tìm hiểu về quá trình đầu tư và quản lý các tài sản của doanh nghiệp

+/ Các doanh nghiệp đầu tư vào các tài sản dài hạn nào? Theo những phương thức nào?

+/ Việc lựa chọn đầu tư vào các tài sản dài hạn được thực hiện ra sao? Các ưu tiên để một tài sản dài hạn được lựa chọn đầu tư là gì? Cụ thể như thế nào?

+/ Các tài sản dài hạn sau khi được đầu tư được quản lý như thế nào để đảm bảo khai thác đúng công năng sử dụng của tài sản? Việc theo dõi hao mòn và trích khấu hao được thực hiện như thế nào?

+/ Hàng tồn kho được quản trị ra sao để đảm bảo rằng chi phí lưu kho và các chi phí khác có liên quan là tối thiểu trong khi vẫn có thể đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp? Các ưu điểm và hạn chế của công tác quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp là gì?

+/ Các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp được quản lý như thế nào? Trong quản lý nợ phải thu thì mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới là gì? Cơ cấu nợ phải thu ra sao? Chính sách nợ phải thu thế nào? Tại sao doanh nghiệp sử dụng các chính sách đó? Những ưu điểm và hạn chế trong quản trị nợ phải thu của Cty là gì?

+/ Các khoản đầu tư ngắn hạn của Cty được quản lý như thế nào? Chiến lược đầu tư vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là gì? Thời gian duy trì các khoản đầu tư ngắn hạn là bao lâu? Cty lựa chọn các khoản đầu tư ngắn hạn bằng cách nào? Mối liên quan giữa các khoản đầu tư ngắn hạn với các kế hoạch đầu tư vào các tài sản khác là gì?

Với nhóm hoạt động huy động vốn

- Tìm hiểu về thực trạng huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

+/ Mục tiêu và chiến lược huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

+/ Các nguồn hình thành vốn đầu tư của doanh nghiệp? Cơ cấu các nguồn hình thành vốn đầu tư của doanh nghiệp?

+/ Cty làm dự báo tài chính và ước lượng nhu cầu vốn đầu tư dài hạn bằng cách nào, trải qua những bước nào? Cty lập kế hoạch cho các nhu cầu vốn đầu tư dài hạn như thế nào?

leftcenterrightdel
 

+/ Cty dự báo nhu cầu tiền mặt trong ngắn hạn như thế nào? Cty lập kế hoạch đáp ứng nhu cầu tiền mặt trong ngắn hạn như thế nào?

- Tìm hiểu các chiến lược, cách thức, và chính sách liên quan đến huy động vốn

+/ Các chiến lược và chính sách huy động vốn cổ phần/ vốn chủ sở hữu là gì? Minh chứng bằng số liệu như thế nào? Tiến trình thực hiện đã diễn ra như thế nào?

+/ Chính sách cổ tức của doanh nghiệp?

+/ Chiến lược và chính sách huy động vốn vay (phát hành nợ) là gì? Minh chứng bằng số liệu như thế nào? Tiến trình thực hiện đã diễn ra như thế nào?

+/ Chiến lược và chính sách đối với các khoản phải trả và các nghĩa vụ tài chính khác là gì? Minh chứng bằng số liệu như thế nào? Tiến trình thực hiện đã diễn ra như thế nào?

+/ Doanh nghiệp tự xây dựng xếp hạng tín dụng của mình như thế nào? Các yếu tố 5C được doanh nghiệp quan tâm ở mức nào? Ngoài 5C ra, những yếu tố nào khác được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để tự mình cải thiện xếp hạng tín dụng?

+/ Các quyết định về cấu trúc vốn và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cấu trúc vốn

Với nhóm hoạt động giám sát quản trị doanh nghiệp và đánh giá hiện trạng & hiệu quả quản trị tài chính doanh nghiệp

- Tìm hiểu về hệ thống giám sát quản trị doanh nghiệp (corporate governance)

+/ Doanh nghiệp quan tâm ở mức nào đến vấn đề đại diện (agency problem) trong doanh nghiệp? Doanh nghiệp dùng cơ chế nào để giảm thiểu vấn đề đại diện?

+/ Doanh nghiệp có cơ chế nào để đảm bảo các hoạt động đầu tư và huy động vốn đi đúng mục tiêu và đạt hiệu quả cao nhất? Tiến trình thực hiện giám sát ấy là gì? Có thể cụ thể như thế nào bằng số liệu hoặc phân tích diễn giải, minh hoạ?

+/ Doanh nghiệp quan tâm ở mức độ nào đến trách nhiệm với xã hội và có cơ chế nào để đảm bảo rằng doanh nghiệp luôn có thể thực hiện tốt các trách nhiệm xã hội?

+/ Doanh nghiệp quan tâm ở mức nào đến lợi ích của các tác nhân khác có liên quan đến doanh nghiệp? Doanh nghiệp có những cơ chế nào để đảm bảo lợi ích của từng loại tác nhân có liên quan? Có thể minh hoạ cụ thể như thế nào bằng số liệu và các hình thức phân tích khác?

- Phân tích tài chính doanh nghiệp

+/ Các tỷ số thể hiện sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp: các tỷ số thể hiện khả năng thanh khoản của doanh nghiệp? Các tỷ số nợ? So với trung bình ngành thì doanh nghiệp đang ở đâu? Vì sao doanh nghiệp lại đang ở tình trạng đó?

+/ Các tỷ số nợ của doanh nghiệp? So với trung bình ngành thì thế nào? Vì sao có thực trạng đó?

+/ Các tỷ số về khả năng sinh lợi? So với trung bình ngành ra sao? Tại sao lại có tình trạng đó?

+/ Các tỷ số về hoạt động? So với trung bình ngành ra sao? Tại sao lại có tình trạng đó?

+/ Các tỷ số về định giá doanh nghiệp như thế nào? So với trung bình ngành ra sao?

+/ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp đang nói lên điều gì về doanh nghiệp?

+/ Hệ thống đòn bẩy trong doanh nghiệp?

Một số chủ đề nâng cao:

leftcenterrightdel
 

- Sáp nhập và thâu tóm doanh nghiệp (M&A)

Nếu Cty đã hoặc đang thực hiện các phi vụ sáp nhập hoặc thâu tóm doanh nghiệp khác hoặc bị sáp nhập & thâu tóm vào doanh nghiệp khác thì cần trả lời những câu hỏi sau:

+/ Lý do sáp nhập hoặc thâu tóm cụ thể là gì? Có thể minh chứng bằng dữ liệu hoặc phân tích không?

+/ Các lợi thế của sáp nhập thâu tóm được xác định như thế nào?

+/ Việc định giá trong sáp nhập thâu tóm được thực hiện như thế nào?

+/ Chi phí vốn được xác định như thế nào?

+/ Phương thức thanh toán cho sáp nhập/ thâu tóm là gì? Chi tiết tiến trình và các công việc, trách nhiệm mỗi bên?

+/ Các yếu tố rủi ro được quan tâm như thế nào trong quá trình định giá doanh nghiệp?

- Quản trị rủi ro trong quản trị tài chính doanh nghiệp

+/ Các dạng rủi ro trong doanh nghiệp cần tới quản trị rủi ro là gì?

+/ Các chiến lược quản trị rủi ro mà doanh nghiệp đang sử dụng là gì? Mô tả chi tiết nội dung và các tiến trình như thế nào?

+/ Các công cụ tài chính, đặc biệt là chứng khoán phái sinh được sử dụng như thế nào trong quản trị rủi ro của doanh nghiệp?

- IPO và tiến trình tiến tới IPO của các Cty.

- Các tiếp cận mới trong quản trị tài chính doanh nghiệp

+/ Fintech (công nghệ tài chính) và kinh tế số được ứng dụng như thế nào ở doanh nghiệp?

+/ Tài chính xanh được ứng dụng thế nào ở doanh nghiệp?

+/ Hệ sinh thái kinh doanh được thể hiện thế nào trong quản trị tài chính doanh nghiệp?

+/ Crowdfunding và Equity Crowdfunding

- Các dạng thị trường tài chính mới hình thành & tiềm năng phát triển (Vd Bitcoin, Crowd-Funding) và sự phát triển của quản trị tài chính doanh nghiệp: Thành phần là gì, vai trò của mỗi thành phần ra sao, trong đó có regulators;

- Giải pháp mà các dạng thị trường mới tạo ra cho nền kinh tế và các bộ phận của nền kinh tế.

Tác giả: Ts. Hoàng Sĩ Thính, Th.S Lê Thị Thanh Hảo, PGS.TS. Đỗ Quang Giám - Khoa Kế toán & Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.