Cùng với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi những người lao động ngày càng phải có trình độ cao hơn và sự cạnh tranh giữa người lao động trong các lĩnh vực nghề nghiệp của nền kinh tế cũng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Chính vì vậy, thế hệ trẻ ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn: vấn đề công ăn việc làm, hướng đi của bản thân, xây dựng sự nghiệp,…

Ngay từ năm 1995, UNESCO đã đề xướng bốn trụ cột của giáo dục cho thế kỷ XXI, đó là: "Học để biết, Học để làm, Học để tự khẳng định mình và Học để chung sống cùng nhau".

Mỗi bạn trẻ chúng ta hôm nay đang nỗ lực học tập để tích lũy kiến thức chuyên môn và nghề nghiệp, thực chất đây mới chỉ dừng lại ở “Học để biết”. Và nếu chỉ có kiến thức không thôi thì chưa đủ để chúng ta gặt hái thành công trong công việc và cuộc sống. Khoảng cách giữa nhận thức và hành động: từ “hiểu” đến “làm” vẫn còn là một khoảng cách rất lớn. Đó là chưa nói “Học để tự khẳng định mình” và “Học để chung sống cùng nhau" lại càng là những vấn đề khó khăn hơn gấp bội. Trên thực tế, có nhiều bạn trẻ có thành tích học tập rất cao nhưng vẫn gặp một số khó khăn nhất định trong việc hòa nhập với công việc, với cuộc sống và giao tiếp với những người xung quanh.

Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, khốc liệt, các công ty sẽ phải có rất nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức quản lý và cách thức tiến hành hoạt động kinh doanh. Nhiều công việc không chỉ đòi hỏi người lao động phải có trình độ được đào tạo ngày một cao hơn, mà họ còn phải có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi, có năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh trong thực tiễn công việc nhiều hơn. Nói cách khác, người lao động trong thế kỷ XXI phải có được trình độ chuyên môn xuất sắc nhất, có tư duy sáng tạo nhất và cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để đối mặt với mọi sự thay đổi của thị trường.

Việc không được trang bị đầy đủ các kỹ năng sống không chỉ là một thiệt thòi cho bản thân chúng ta, mà còn ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển nghề nghiệp tương lai và cuộc sống của mỗi chúng ta. Càng chậm trễ trong việc trang bị các kỹ năng sống cho bản thân bao nhiêu, chúng ta càng bị thu hẹp cơ hội phát triển nghề nghiệp và bản thân mình bấy nhiêu.

Theo ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc ngân hàng Mitsubishi UFJ Việt Nam, chia sẻ: “Tôi rất tiếc là các sinh viên học được rất nhiều ở trường, nhưng để chuyển giao kiến thức thành kỹ năng làm việc lại không làm được, không áp dụng được thực tế và khi có một vấn đề gì, các bạn cũng không nói chuyện hay trao đổi được với cấp trên”.

Nghiên cứu của Công ty Giải pháp Nguồn nhân lực L&A cho thấy có khoảng 70% sinh viên ra trường khó xin việc vì thiếu năng lực tự chủ. Cơ hội tìm được công việc thích hợp, lương cao, môi trường tốt ở các công ty hay tập đoàn nước ngoài là khá xa vời. Ở các công ty, tập đoàn có bề dày hoạt động lâu năm và tổ chức hoàn chỉnh, việc một nhân viên thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, nói chuyện trước đám đông, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm chủ bản thân,… là hạn chế khiến họ khó có thể hòa đồng và tồn tại lâu (Nguồn: https://vieclam24h.vn/cam-nang-nghe-nghiep/co-kho-khan-gi-trong-viec-tim-kiem-nguon-nhan-luc-tre).

Tất cả những lý do nêu trên cho chúng ta thấy sự cần thiết của việc giáo dục kỹ năng mềm. Đây là công việc hết sức quan trọng đòi hỏi sự tham gia của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì thế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm, để đảm bảo chuẩn đầu ra theo chương trình đào tạo cho tất cả sinh viên trong Học viện. Bên cạnh đội ngũ giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm và nhiệt huyết hiện đang giảng dạy tại Học viện, Trung tâm cũng đã liên kết hợp tác với nhiều đơn vị đào tạo chuyên nghiệp như Tâm Việt Group, Viện Quản trị kinh doanh FSB, Công ty CP đầu tư TM&XD Hải Phong,... và các diễn giả giữ vai trò lãnh đạo trong các Công ty lớn như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Đào tạo và Truyền thông T&C Việt Nam,... để cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng mềm có chất lượng cao.

Đến nay, Trung tâm đã đạt được một số kết quả sau:

- Tổ chức đào tạo 208 lớp kỹ năng mềm, trong đó có 60 lớp kỹ năng giao tiếp, 43 lớp kỹ năng làm việc nhóm, 35 lớp kỹ năng quản lý bản thân, 30 lớp kỹ năng tìm kiếm việc làm, 20 lớp kỹ năng lãnh đạo và 20 lớp kỹ năng hội nhập quốc tế.

- Hàng kỳ, Trung tâm khảo sát, đánh giá chất lượng các học phần kỹ năng mềm và hiện nay đã tổng hợp được 4.419 ý kiến phản hồi. Có tới 78% các ý kiến đánh giá tích cực cho rằng nội dung môn học mang tính thiết thực, phù hợp với sinh viên, giúp các em ngày một thay đổi và hoàn thiện mình, 20% ý kiến mong muốn được tăng thời lượng rèn luyện, thực hành các kỹ năng mềm.


Lớp học chuyên biệt về đào tạo kỹ năng mềm

Buổi nói chuyện chuyên đề cùng diễn giả của Tâm Việt Group

Trong hành trang đi vào tương lai của mình, nếu bạn vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm cần thiết thì thật khó mà bảo đảm rằng bạn sẽ gặt hái thành công, nó không chỉ giúp mỗi chúng ta tự hoàn thiện bản thân, nâng cao hiệu quả công việc mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Hãy đến với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đến với Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố về năng lực, kỹ năng, môi trường học tập tốt nhất để các bạn được tỏa sáng và phát triển.

Mọi chi tiết xin liên hệ: TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KỸ NĂNG MỀM

Phòng 105 – Khu làm việc của các Khoa, Viện, Trung tâm – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

ĐT: 024.6261.7545 – Hotline: 0167.666.0316

Website: http://trungtamkynangmem.edu.vn/

Facebook: https://www.facebook.com/CSST.vnua/