Hầu hết sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp có tâm lý háo hức, phấn khởi với bao dự định và ý tưởng phía trước. Tuy nhiên, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc trong tương lai, sinh viên cần có những trải nghiệm thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với mục tiêu đó, Bộ môn Sinh thái Nông nghiệp đã tổ chức cho 90 sinh viên K60 ngành Khoa học Môi trường trải nghiệm thực tế tại vườn quốc gia (VQG) Ba Vì và các xã vùng đệm từ ngày 5/11 đến ngày 2/12/2018. Nội dung thực tập giáo trình tại Bộ môn Sinh thái Nông nghiệp tập trung vào các khối kiến thức cơ bản bao gồm (i) đánh giá thực trạng tài nguyên thiên nhiên tại địa phương và (ii) phân tích hiện trạng môi trường nông thôn nhằm phát hiện các vấn đề, tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục. Những tình huống thực tế gặp phải trong quá trình thực tập sẽ tạo cho sinh viên tính chủ động trong tìm hiểu các vấn đề, tạo sự tự tin và trưởng thành hơn. 

Vườn quốc gia Ba Vì là địa điểm lý tưởng cho sinh viên thực tập rèn nghề. Nơi đây có hệ sinh thái rừng tự nhiên được bảo tồn nghiêm ngặt với sự đa dạng sinh học cao thỏa sức cho sự tò mò và niềm đam mê khám phá. Sinh viên được thực hành kỹ năng đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng bằng phương pháp lập ô tiêu chuẩn, thực hành sử dụng các thiết bị đo, khảo sát quần xã thực vật rừng và các yếu tố môi trường.

Khảo sát hệ sinh thái rừng - VQG Ba Vì 

Ngoài nội dung học tập về hệ sinh thái rừng, sinh viên còn được hòa mình trong môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ba Vì có các cộng đồng người Kinh, người Mường và người Dao với các nét văn hóa đặc thù. Cộng đồng người Dao xã Ba Vì nổi tiếng với các bài thuốc Nam gia truyền được nhiều người tin dùng và đã trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, theo đánh giá của người dân, tài nguyên cây dược liệu đang bị suy giảm do khai thác quá mức và nhu cầu thị trường tăng mạnh. Điều này đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với chính quyền địa phương và người dân.

 

Khảo sát tình hình chế biến và kinh doanh thuốc nam của dân tộc Dao – xã Ba Vì 

Xã Vân Hòa, huyện Ba Vì là một trong những xã điển hình về chăn nuôi gia súc. Trước đây người dân sống phụ thuộc khá nhiều vào khai thác nguồn tài nguyên từ vườn quốc gia. Tuy nhiên 15 năm trở lại đây, sinh kế của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi bò sữa đã và đang mang lại nguồn thu nhập ổn định. Tại đây vấn đề chất thải chăn nuôi và những ảnh hưởng đến môi trường đang được chính quyền địa phương và người dân rất quan tâm và tìm hướng giải quyết. 

Tìm hiểu tình hình chăn nuôi bò sữa và vấn đề quản lý

chất thải chăn nuôi tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì 

Minh Quang nằm ở sườn Tây núi Ba Vì, cách trung tâm huyện Ba Vì trên 34 km. Người dân xã Minh Quang từ lâu đã chịu ảnh hưởng từ mỏ quặng pyrite. Quặng pyrite được khai thác ở xã từ những năm 1980 để cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao. Giữa những năm 1990, do không cạnh tranh được vơi nguồn lưu huỳnh nhập ngoại với giá thành rẻ nên chủ mỏ (Xí nghiệp Địa chất khoáng sản 303) đã phải đóng cửa. Mặc dù đã gần 20 năm kể từ khi ngừng hoạt động, hệ lụy từ khai thác mỏ vẫn đang tác động trực tiếp tới môi trường nơi đây. Theo phản ánh của cư dân địa phương, nước thải giàu sắt và axit sulphuric rò rỉ từ mỏ cũ đã gây ô nhiễm nặng đến nguồn nước suối xung quanh, ảnh hưởng đến các ao nuôi ở phía cuối nguồn, làm mất diện tích đất nông nghiệp, nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất và tài nguyên đất. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường vẫn đang bị bỏ ngỏ.

 

Khảo sát nguồn nước bị ô nhiễm gần khu mỏ pyrite tại xã Minh Quang 

Những trải nghiệm và kiến thức thực tế thu được từ đợt thực tập giáo trình sẽ giúp sinh viên không bị bỡ ngỡ khi ra trường. Đây là cơ hội để sinh viên được thực hành các kỹ năng mềm trong môi trường làm việc thực thụ, từ đó giúp các em tự tin và có thể tự đánh giá năng lực bản thân để hoàn thiện mình hơn.