Có doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương lên tới hàng chục triệu đồng để thu hút nhân lực chất lượng cao.

Rộng cửa tìm việc

Trên các website tuyển dụng trực tuyến, nông - lâm - nghiệp là một ngành vốn bị “chê” nay trở thành “hot”. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thông báo tuyển hàng nghìn kỹ sư nông nghiệp trong tháng 8 và 9 với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/tháng. Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 vừa được Bộ LĐ-TB-XH công bố, chăn nuôi - thú y nằm trong tốp 3 những công việc có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn với 49.000 người.

Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agricare Việt Nam, chia sẻ: “Hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp rất cần người. Hằng năm, công ty tôi cần tuyển một lượng lớn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chúng tôi hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong tuyển dụng, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với Học viện tổ chức chương trình khởi nghiệp, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp… để giúp sinh viên có cơ hội phát triển năng lực bản thân”.

Theo ông Thắng, với sự góp mặt của các công ty như Vingroup, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai…, thị trường lao động trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây trở nên sôi động hơn, mức lương của lao động trong ngành nghề này cũng có sự thay đổi. “So với mặt bằng chung, mức lương kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cao hơn trước nhiều. Để chiêu mộ kỹ sư giỏi, các Doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn sẵn sàng trả lương từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, thậm chí những vị trí chuyên gia, trưởng phòng mức lương khoảng 70 triệu đồng/tháng”, ông Thắng cho hay.

Thống kê của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng cho thấy, trên 75% sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Rất nhiều sinh viên được trả lương trước khi tốt nghiệp và đặc biệt là được tuyển dụng ngay trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Một số ngành như: thú y, chăn nuôi được các doanh nghiệp cam kết trả lương khởi điểm vượt trên 15 - 20 triệu đồng/tháng. 

Ông Đàm Quang Thắng nhận định, nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm năng cho các bạn trẻ khởi nghiệp nhằm khuyến khích những người có đam mê kinh doanh và khát vọng lập nghiệp.

 

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực

Theo quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 sẽ phát triển tỷ lệ nhân lực qua đào tạo khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng từ mức 15,5% năm 2010 lên khoảng 28% năm 2015 và khoảng 50% năm 2020. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.

Ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn nhận: “Tư duy của nhiều người coi ngành nông nghiệp là làm nông dân, gắn với đồng ruộng vất vả nên không muốn con em theo học. Thực tế, nông nghiệp là ngành đang được nhà nước quan tâm và đầu tư lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các DN, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Do đó, ngành này rất cần những người có chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cao. Đây là cơ hội nghề nghiệp trong tương lai dành cho các bạn trẻ”.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng bên cạnh nhu cầu nhân lực kỹ sư nông nghiệp, hiện nay Việt Nam còn thiếu các chuyên gia chọn tạo giống, chuyên gia về đất đai, hệ thống canh tác… GS Võ Tòng Xuân bày tỏ: “Ngành nông nghiệp hiện nay ít người học, trong khi nhu cầu nhân lực có trình độ học nông nghiệp tới nơi tới chốn lại không nhiều. Do trong nước không đáp ứng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hiện nay có thực trạng nhiều doanh nghiệp phải thuê chuyên gia nông nghiệp từ nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD. Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân lực, các doanh nghiệp nên liên kết với các trường đại học, học viện đào tạo theo nhu cầu. Nếu không, khi Việt Nam gia nhập TPP và Cộng đồng chung ASEAN, rất có thể các doanh nghiệp sẽ phải thuê các chuyên gia, kỹ sư từ nước ngoài”.