Xin chào tất cả mọi người, đặc biệt là các bạn sinh viên đã, đang và sẽ theo học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử tại khoa Cơ - Điện, Học viện nông nghiệp Việt Nam. Mình là Nguyễn Đức Sơn, cựu sinh viên khóa 64, ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử. Mình đã ra trường và đi làm được hơn 1 năm. Công việc hiện tại liên quan nhiều đến chuyên môn mà mình đã được học và mang lại thu nhập khá tốt cho mình. Mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm cá nhân, hy vọng có thể giúp các bạn sinh viên đang và sẽ theo học ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử có định hướng rõ ràng và vững tin hơn về lựa chọn công việc của các bạn.
Kinh nghiệm đầu tiên đó là các bạn hãy tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc thật nhiều với các thiết bị thực hành, thực tập có trong nhà trường, dành thời gian để thực hiện các đồ án môn học, đồ án tốt nghiệp thật nghiêm túc và hiệu quả.
Khi còn học tại trường, mình đã tìm hiều nhiều về hệ thống sản xuất MPS có trong phòng thí nghiệm. Với tinh thần học hỏi, không ngại thử thách, nhóm mình chọn thực hiện đề tài tốt nghiệp: “Ứng dụng công nghệ Digital Twin cho hệ thống phân loại sản phẩm MPS”, mục tiêu là xây dựng một bản sao kỹ thuật số cho hệ thống hai trạm phân loại sản phẩm MPS. Tại buổi phỏng vấn xin việc lần đầu tiên, mình đã gây được ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng khi giới thiệu kết quả đạt được của đồ án, kết hợp với các kiến thức liên quan đến các học phần: Cảm biến đo lường và xử lý tín hiệu đo, Truyền động điện và điện tử công suất,… đã giúp mình dễ dàng vượt qua bài kiểm tra, rồi vòng phỏng vấn và ứng tuyển thành công vào vị trí mong muốn, trở thành nhân viên chính thức của Công ty sau 13 ngày thử việc.
|
|
Nhóm sinh viên thực hiện đồ án tốt nghiệp liên quan đến trạm MPS tại PTN Cơ điện tử tổng hợp, khoa Cơ - Điện, HVNNVN |
Cũng nhờ những kiến thức, kỹ năng tích lũy được khi học lý thuyết và thực hành, đặc biệt là khi thực hiện học phần “Đồ án thiết kế hệ thống cơ điện tử” trong nhà trường mà mình đã nhanh chóng bắt nhịp với công việc, thực hiện tốt các hoạt động chuyển giao công nghệ và xây dựng các dự án mới tại Công ty.
|
|
Tham gia lắp đặt và chuyển giao hệ thống SIF-400 tại trường Đại học VinUni |
|
|
Chuyển giao công nghệ cho giảng viên trường ĐH VinUni |
|
|
Giới thiệu công nghệ mới trong việc số hóa, quản lý vận hành đường dây cao thế cho lãnh đạo EVN TP. Hồ Chí Minh |
|
|
Chuyển giao công nghệ cho Truyền tải điện Bình Dương |
Một kinh nghiệm nữa mình muốn chia sẻ cùng các bạn đó là hãy tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, các cuộc thi về sáng tạo khoa học công nghệ, điều này sẽ giúp các bạn nâng cao các kỹ năng mềm, giúp ích cho công việc sau này rất nhiều. Trong quá trình học tập tại Học viện, mình đã rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khoa học (bật mí thêm với các bạn, nhóm mình đã từng đạt Giải nhì Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khoa học công nghệ dành cho sinh viên năm 2022 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Việc này giúp mình rèn luyện, nâng cao kỹ năng thuyết trình, phát biểu trước đám đông cũng như giúp mình dạn dĩ hơn khi tiếp xúc với khách hàng. Đây là điều cực kỳ quan trọng, giúp công việc của mình thuận lợi và được Công ty đánh giá cao.
|
|
Phát biểu tại ĐH đại biểu Liên chi Đoàn khoa Cơ - Điện, nhiệm kỳ 2022-2024 |
Lời cuối mình muốn nhắn nhủ tới các bạn sinh viên còn đang học trong nhà trường, đó là: mỗi kiến thức, kỹ năng mà mình tích lũy được khi học, dù ít hay nhiều, đều sẽ góp phần vào sự thuận lợi trong công việc sau này. Nhu cầu của thị trường lao động đối với lĩnh vực cơ điện tử là rất lớn, cơ hội phát triển nghề nghiệp rất cao. Các bạn hãy cứ chăm chỉ, tranh thủ mọi cơ hội để học - cả lý thuyết, thực hành và trau dồi kỹ năng trong các đợt làm đồ án, thực tập tại doanh nghiệp. Chúc các bạn có nhiều trải nghiệm tốt và thành công sau khi rời mái trường đại học.
Nguyễn Đức Sơn
CSV lớp K64CNCDT, khoa Cơ-Điện, HVNNVN