Hóa học là môn học bao gồm nhiều học phần được giảng dạy cho sinh viên của hầu hết các khoa tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với mỗi khoa chuyên ngành riêng thì sinh viên sẽ học số lượng các học phần khác nhau tuy nhiên có 3 học phần hóa học cơ bản là Hóa học đại cương, Hóa hữu cơ và Hóa phân tích được dạy cho sinh viên 10 khoa trong Học viện. Sinh viên giữa các khoa khác nhau khi tuyển sinh có điểm đầu vào khác nhau và kiến thức hiểu biết cơ bản về Hóa học phổ thông không đồng đều. Do đó khi học tại đại học nên chia các lớp học theo từng khoa để thầy cô giảng dạy sẽ điều chỉnh theo lực học của sinh viên.

Buổi học đầu tiên các thầy cô sẽ giới thiệu về môn học, vị trí, vai trò ứng dụng của học phần Hóa học đối với từng chuyên ngành học của sinh viên để tạo động lực, kế hoạch học tập và niềm đam mê học hóa với cho sinh viên. Giới thiệu các tài liệu, giáo trình, bài giảng, bài tập trong nước, nước ngoài và lộ trình môn học để sinh viên chủ động đọc tài liệu và học tập chuẩn bị trước ở nhà theo kế hoạch môn học, giảng viên giao các nhiệm vụ của bài mới dưới dạng bài tập, đặt vấn đề cần giải quyết hoặc các video thí nghiệm cho sinh viên quan sát quá trình làm và dự đoán hiện tượng xảy ra và giải thích hiện tượng đó gần với ứng dụng trong từng chuyên ngành để sinh viên xem thí  nghiệm, tìm đọc tài liệu và làm trước có thể đúng hoặc sai nhưng sinh viên có sự tìm tòi đọc trước, khi đến trường sinh viên sẽ cùng giảng viên tổng hợp lại các kiến thức trong bài học, giải đáp thắc mắc và giải thích hiện tượng và nhiệm vụ được giao, tổng hợp kiến thức bài học dưới dạng sơ đồ chuỗi phản ứng hóa học hay sơ đồ tư duy “mind map”, sinh viên sẽ ghi chú những kiến thức trọng tâm, ngắn gọn, xúc tích, công thức hóa học hay công thức tính toán… để sinh viên dễ nhớ và học.

Để học được Hóa học sinh viên cần học thường xuyên thông qua thực hành, giải quyết bài tập, viết các phương trình phản ứng, công thức…việc học cần được lặp lại thường xuyên, do đó giảng viên có thể kiểm tra kiến thức của sinh viên qua các bài kiểm tra ngắn (có thể dưới dạng thẻ học nối tên gọi với công thức, hay gọi tên hợp chất, số đồng phân, hoặc công thức tính của nồng độ…) hoặc bài tập nhỏ theo nhóm vài sinh viên (việc sinh viên sắp theo lớp hoặc Khoa sẽ thuận tiện cho sinh viên làm việc nhóm), trải dài theo từng chương từng bài học để mỗi nhóm sẽ chuẩn bị khi đến bài học đó. Với sinh viên lớp lý thuyết rất đông nên chia thành nhiều nhiệm vụ nhỏ để tất cả sinh viên đều tham gia vào từng phần.

Tăng cường kĩ năng thực hành, thực tập cho sinh viên, ngoài các tiết học thực hành theo thời gian biểu, nếu sinh viên muốn tăng cường tay nghề làm thí nghiệm thì nên có phòng thực hành luôn có người hướng dẫn và hóa chất để sinh viên có thể lên làm (có thể hoạt động như câu lạc bộ hóa học, làm thí nghiệm và quay video các sinh viên khóa cũ có thể hướng dẫn sinh viên khóa mới…). Học phần thực hành nhà trường kết hợp cùng giảng viên quay các video hướng dẫn thí nghiệm thường xuyên trình chiếu và gửi các video để sinh viên có thể xem tại nhà, hay bất kì thời gian nào ngoài các bài thực hành theo giáo trình còn cả những thao tác phòng thí nghiệm, các thí nghiệm hóa học hay, các hiện tượng đẹp gắn liền cuộc sống thực tế, việc đọc nhãn hóa chất, cảnh báo an toàn phòng thí nghiệm, pha chế hóa chất… để từ đó tạo hứng thú, đam mê làm thí nghiệm cho sinh viên và khi học lý thuyết sẽ hiểu sâu hơn do ghi nhớ từ thực tế sinh viên được tự làm các video.

Một ví dụ hướng dẫn lập sơ đồ tư duy minh họa chương 1 Hóa phân tích. Sinh viên chỉ cần học thông qua bảng ngắn gọn đã hiểu toàn bộ các bài tập của chương

leftcenterrightdel
 

Cuối cùng, để học tập hay tiếp thu kiến thức của bất kỳ lĩnh vực nào, cũng cần có niềm đam mê và sự kiên trì. Sinh viên cần lên kế hoạch học tập cụ thể cho các môn học, phân bố thời gian hợp lý để học bài, chuẩn bị bài, tích lũy kiến thức thường xuyên thì sẽ nâng cao được hiệu quả học tập.

Bộ môn Hóa học