Lễ trao bằng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức trong những ngày xuân ấm áp, mở đầu cho những kỳ vọng về tương lai của những tân cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thú y. Buổi lễ có sự tham dự của Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện các ban chuyên môn, khoa, phòng và rất nhiều phụ huynh ở mọi miền đất nước đã đến để chứng kiến một mốc mới trong cuộc đời của con em mình.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, đây không chỉ là cột mốc quan trọng trên hành trình tri thức của 52 học viên cao học nhận bằng Thạc sĩ và 934 sinh viên nhận bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thú y mà còn là khoảnh khắc đáng nhớ đối với mỗi người tham dự.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao bằng thạc sĩ cho học viên cao học tại Học viện.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, ngày hôm nay là thành quả của nhiều năm học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ. Đó là những buổi học đầy căng thẳng, những đêm thức trắng làm bài tập, những giọt mồ hôi trên sân thực nghiệm, và cả những khoảnh khắc tưởng chừng như muốn từ bỏ. Nhưng chính sự kiên trì và quyết tâm đã giúp các em đi đến ngày hôm nay, với tấm bằng trong tay, tự hào và tràn đầy hy vọng.

Dưới mái trường này, các em không chỉ học được những kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện được bản lĩnh và tinh thần dám đương đầu với thử thách. Mỗi buổi học, mỗi giờ thực hành, mỗi khó khăn vượt qua không chỉ là nền tảng tri thức mà còn là những bài học lớn lao về ý chí, trách nhiệm và lòng biết ơn. Hành trình này là minh chứng rõ nét rằng, thành công không đến dễ dàng mà phải được đánh đổi bằng sự nỗ lực và ý chí mạnh mẽ.

:Tấm bằng mà các em nhận hôm nay không chỉ là sự ghi nhận về mặt học thuật, mà còn là một lời nhắc nhở về trách nhiệm - trách nhiệm với bản thân, với gia đình, và với xã hội. Tôi mong các em luôn ghi nhớ rằng: Học không phải để dừng lại, mà là để tiếp tục khai phá những chân trời mới, nơi tri thức và đam mê trở thành động lực để tạo nên sự khác biệt", Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh. 

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng gửi lời tri ân đến các bậc phụ huynh và khẳng định, đằng sau mỗi tấm bằng tốt nghiệp là sự quan tâm, động viên thầm lặng của gia đình, là những giọt nước mắt của sự lo toan và cả những khoảnh khắc hạnh phúc khi nhìn thấy con em mình trưởng thành.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao bằng tốt nghiệp bác sĩ thú y cho sinh viên xuất sắc của Khoa Thú y.

GS.TS Nguyễn Thị Lan cũng nhắc đến sự cống hiến hết mình của các thầy cô giáo, những người luôn âm thầm vun đắp, truyền lửa đam mê và tri thức cho các thế hệ sinh viên. Từ những bài giảng trên giảng đường đến những buổi hướng dẫn tận tình ngoài thực địa, các thầy cô không chỉ là người dạy học, mà còn là những người đồng hành, người dẫn lối cho các em. 

Nhắn nhủ các tân cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thú y, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, chặng đường phía trước chắc chắn sẽ không ít khó khăn, nhưng cũng đầy những cơ hội để các em phát triển và khẳng định bản thân. Thế giới đang thay đổi từng ngày, đất nước đang cần những con người trẻ trung, sáng tạo và đầy khát vọng như các em. Hãy mang theo niềm tin, sự tự hào và tình yêu quê hương để đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. "Hãy nhớ rằng: Hôm nay, các em tự hào về Học viện, nhưng ngày mai, Học viện sẽ tự hào về các em", GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chúc các tân cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thú y sớm tìm được công việc phù hợp, luôn nhớ về Học viện, coi Học viện như ngôi nhà thứ hai. "Học viện Nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, luôn sẵn sàng đón nhận các em sinh viên tốt nghiệp từ Học viện. Học viện cũng có bộ phận tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm nên nếu có khó khăn các em hãy liên hệ, các thầy cô, các anh chị cựu sinh viên sẽ sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các em", GS.TS Nguyễn Thị Lan nhắn nhủ.

leftcenterrightdel
 GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với các tân thạc sỹ.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam thành lập năm 1956, là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu tại Việt Nam, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển bền vững của nông nghiệp và nông thôn.

Trải qua gần 70 năm phát triển, Học viện đã khẳng định vị thế vững chắc với cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên trình độ cao và mạng lưới hợp tác quốc tế rộng khắp. Là trung tâm nghiên cứu tiên tiến và đổi mới sáng tạo, Học viện không ngừng tạo ra các đột phá khoa học, đóng góp quan trọng vào hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế.

Với diện tích gần 200ha, Học viện sở hữu 52 phòng thí nghiệm, trong đó có 6 phòng đạt tiêu chuẩn ISO, và Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc với 20 phòng nghiên cứu chuyên sâu, tạo điều kiện lý tưởng cho nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ. Hệ thống phòng học thông minh, thư viện kết nối quốc tế với 30.000 đầu sách, cùng các mô hình khoa học công nghệ tiên tiến hỗ trợ mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo, phục vụ sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 Các sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong niềm vui ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Đội ngũ giảng viên của Học viện gồm gần 100 giáo sư, phó giáo sư và hơn 360 tiến sĩ, với hơn 90% được đào tạo tại các quốc gia có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Hà Lan, ... Nhiều giảng viên được vinh danh với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú và các giải thưởng uy tín, tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo tiến sĩ và phát triển các nhà khoa học xuất sắc.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế hàng đầu. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với hơn 100 tổ chức và trường đại học danh tiếng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan và Úc mở ra cơ hội hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực khoa học, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các sản phẩm khoa học vào thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.

https://danviet.vn/