leftcenterrightdel
 Nhóm sinh viên Học viện NNVN bên sản phẩm do các em nghiên cứu thực hiện

Với tính đột phá của đề tài “Cải tiến và phát triển sản phẩm từ gạo truyền thống và chiết xuất từ thiên nhiên, nhóm sinh viên trẻ đã giành giải nhì chung cuộc cho cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo 2020" vừa kết thúc vào đầu tháng 11 vừa qua.

Không muốn lãng phí “hạt ngọc trời”

Tô Hoàng Anh Minh (Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết, nhóm gồm 9 thành viên, trong đó bao gồm 4 bạn học khoa Công nghệ thực phẩm, 3 bạn học khoa Công nghệ sinh học, 1 bạn học khoa Nông học và 1 bạn học khoa Kinh tế.

Nói về lý do bắt tay vào thực hiện đề tài “Cải tiến và phát triển sản phẩm từ gạo truyền thống và chiết xuất từ thiên nhiên”, Anh Minh cho biết, Nhật Bản đã dùng hạt gạo của mình để chế biến thành bánh mochi nổi tiếng thế giới hay sản phẩm sữa gạo luôn được nhắc đến cùng 2 chữ Hàn Quốc, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm nổi bật từ gạo.

Mặc dù Việt Nam có rất nhiều những nghiên cứu phát triển giống lúa gạo nhưng lại rất ít nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ gạo. Do vấn đề đầu ra không giải quyết được nên đã xảy ra sự tồn đọng.

“Tuy đã có rất nhiều sản phẩm từ gạo truyền thống như bánh chưng, bánh giày, bún, phở… nhưng rất ít sản phẩm được đưa vào ngành công nghệ chế biến. Vì vậy chúng em nhận thấy đây là một cơ hội rất tốt để phát triển các sản phẩm từ gạo truyền thống”, Anh Minh thông tin.

Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, quá trình mọc mầm của hạt không những làm tăng các yếu tố dinh dưỡng như lysin, vitamin B1, vitamin B6, canxi, sắt,...mà còn làm tăng hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học cao như ferulic acid, Ɣ- oryzanol đặc biệt là γ- amino butyric acid (GABA).

Trong đó, GABA là một chất có giá trị sinh học cao, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hạ huyết áp, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; hỗ trợ điều trị căng thẳng, lo âu đồng thời cũng có tác dụng làm tăng sự trao đổi chất trong não, ngăn ngừa các rối loạn tự trị trong giai đoạn mãn kinh và làm giảm chứng mất ngủ.

Bởi vậy, quá trình nảy mầm được hiểu như là quá trình tạo ra các hợp chất dễ tiêu (đường đơn, axit amin tự do ...) hay một số hợp chất có giá trị sinh học (GABA, axit ferulic).

Trước tiềm năng của sản phẩm này, Tô Hoàng Anh Minh cùng các bạn đã thành lập nhóm và thực hiện đề tài từ năm thứ 2 với chủ đề  “Cải tiến và phát triển sản phẩm từ gạo truyền thống và chiết xuất từ thiên nhiên”.

“Chúng em đã lợi dụng quá trình nảy mầm của hạt gạo để thu những chất dinh dưỡng cần thiết để đưa vào ứng dụng trong sản phẩm, cải tiến từ sản phẩm truyền thống.

Những đề tài về sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật nói chung hay gạo nói riêng đã được các thầy cô trong Khoa công nghệ thực phẩm cũng như Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu và công bố trước đây. Nhóm nghiên cứu đã kế thừa, phát huy những đề tài trước đây và cố gắng phát triển và đưa sản phẩm nghiên cứu ra ngoài thị trường.

Vì vậy mục tiêu của chúng em không chỉ là giải quyết lượng gạo tồn đọng mỗi năm mà còn đưa đến người tiêu dùng một sản phẩm vượt trội về dinh dưỡng đồng thời lấy được sự tin tưởng của người tiêu dùng đến sản phẩm trong nước”, Tô Hoàng Anh Minh nói.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện sản phẩm theo thị hiếu xã hội và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, còn nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất và đang từng bước đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Bệ đỡ cho sinh viên nghiên cứu khoa học

Được biết, nhóm nghiên cứu của khoa Công nghệ Thực phẩm(CNTP) có được những sản phẩm chất lượng, mang lại giá trị dinh dưỡng cao như sữa gạo hay phở khô, bột gạo đều có sự cố vấn, hướng dẫn nhiệt tình của TS. Hoàng Hải Hà (khoa CNTP). Không chỉ cố vấn cho nhóm nghiên cứu về mặt kĩ thuật, vấn đề định hướng phát triển của sản phẩm và kết nối với Đại học Bách khoa Hà Nội giúp nhóm có môi trường cũng như trang thiết bị phù hợp nghiên cứu.

Khoa CNTP và Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất để nhóm nghiên cứu có được những sản phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam.

Sinh viên Tô Hoàng Anh Minh cho biết thêm, những sản phẩm thử nghiệm do nhóm nghiên cứu từng được trưng bày tại chương trình Bệ phóng khởi nghiệp do trường ĐH Nông nghiệp tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua đều có tính khác biệt so với thị trường.

leftcenterrightdel
 Nhóm nghiên cứu đã giành được giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo 2020“ 

Cụ thể: Đối với sản phẩm Sữa gạo mầm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy gạo nếp đã cho nảy mầm bằng cách ngâm và ủ gạo trong nước ở điều kiện thích hợp, khi đã được nảy mầm thì hàm lượng gamma-amino butyric axit (GABA) trong gạo mần tăng gấp nhiều lần so với gạo nếp nguyên liệu thông thường, GABA là một amino acid tự do dẫn truyền thần kinh, điều hòa huyết áp, tăng tốc sự trao đổi chất trong não, ngăn ngừa sự mất kiểm soát của 1 số hoocmon trong thời kỳ lõa hóa tiền mãn kinh, cải thiện tình trạng mất ngủ, hay quên, rối loạn trí não và tốt cho bệnh nhân Alzheimer, ngoài ra GABA trong gạo mầm có chứa γ - orynazol, một acid ferulic có tác dụng chống oxy hóa ngăn ngừa sự lão hóa và điều chỉnh lượng cholesterol trong máu.

Đối với Sữa gạo nếp cẩm, được sản xuất từ giống gạo nếp cẩm ĐH-6, giàu anthosyanins(là hợp chất có nhiều hoạt tính sinh học quí như: khả năng chống oxy hóa cao nhờ hạn chế sự hình thành các gốc tự do, tăng cường sức đề kháng, có tác dụng làm bền thành mạch, chống viêm, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư; tác dụng chống các tia phóng xạ,…).

“Vì vậy, anthocyanin cũng là thành phần không thể thiếu trong các loại thực phẩm chức năng và thực phẩm khác, điều đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng hiện nay của các nước trên thế giới là nghiên cứu khai thác tính ưu việt của các hợp chất từ thiên nhiên phục vụ cho các nhu cầu nâng cao cuộc sống của con người”, sinh viên Tô Hoàng Anh Minh nói.

Sản phẩm Sữa gạo mầm bổ sung trà hoa vàng: sản phẩm được phát triển dựa trên sản phẩm sữa gạo mầm giàu GABA được bổ sung chiết xuất từ lá trà hoa vàng giàu EGCG, catechin có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, tăng cường sức khỏe tim mạch, não bộ.

Với Bột mầm GABA được nghiên cứu phát triển theo hướng tạo thành loại bột dinh dưỡng ăn liền – giàu hoạt chất. Thành phần bột gạo mầm được phối trộn gồm có hạt gạo nếp cẩm, hạt sen, đậu đen nảy mầm. Cũng giống như sản phẩm từ sữa gạo, bột dinh dưỡng ăn liền có chứa GABA, ferulic axit giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hạ huyết áp, giảm lo âu, hỗ trợ trị mất ngủ. Với các nguyên liệu đơn giản, của người Việt Nam bột mầm GABA hứa hẹn sẽ là một món ăn giàu dinh dưỡng góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn của người Việt.

Đặc biệt với sản phẩm Phở khô – có khả năng hỗ trợ giải độc rượu là sản phẩm trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm bước đầu. Sợi phở khô được sản xuất trên quy mô bán công nghiệp từ một số loại gạo phổ biến, có bổ sung hợp chất thiên nhiên có khả năng hỗ trợ giải độc rượu. Sản phẩm có độ dai tốt, có thể nấu từ 5-7 phút trong nước sôi mà không bị nát.

N.Huyền-https://m.infonet.vietnamnet.vn/