Với sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ cựu sinh viên Úc (Aus4skills) và Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR), dự án phát triển sản xuất rau theo chuỗi giá trị đã góp phần nâng cao năng lực và cải thiện sinh kế cho các hộ nông dân vùng Tây Bắc

Tiếp nối thành công của 2 dự án được quỹ Hỗ trợ các cựu sinh viên Úc (AAGF) tài trợ giai đoạn 2018-2019 & 2021-2022, nhóm giảng viên Khoa KT&PTNT (TS. Nguyễn Hữu Nhuần – chủ nhiệm đề tài, ThS. Trần Thế Cường) và Khoa Nông học (TS. Vũ Thị Thúy Hằng, TS. Nguyễn Thị Hòa) đã được quỹ hỗ trợ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tiếp tục tài trợ giai đoạn 2022-2023 để thực hiện dự án ARSF3-ERC “Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị rau để cải thiện sinh kế cho các hộ dân tộc Thái ở xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, vùng Tây Bắc, Việt Nam”. Mục tiêu của dự án là phát triển chuỗi giá trị rau theo định hướng thị trường do hợp tác xã dẫn dắt cho phụ nữ Thái ở xã Quài Cang trên cơ sở cải thiện kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất rau cũng như tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc và là mô hình giúp chính quyền và hệ thống khuyến nông địa phương mở rộng quy mô góp phần phát triển sinh kế bền vững cho những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như Tây Bắc.

Trong khuôn khổ các hoạt động, nhóm dự án đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo, HTX DVNN Lường Ninh tại xã Quài Cang, huyên Tuần Giáo tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ dân tộc người Thái về phát triển chuỗi giá trị rau an toàn, hạch toán kinh tế trong sản xuất rau, chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cũng như vai trò của HTX trong thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau,…Sau 1 năm thực hiện, dự án đã tổ chức tập huấn cho trên 100 lượt hộ nông dân, 20 lượt cán bộ khuyến nông cơ sở và cán bộ HTX dịch vụ Nông nghiệp Lường Ninh. Ngoài ra, các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và đánh giá chuỗi giá trị rau hiện có trên địa bàn huyện Tuần Giáo cũng được triển khai và là căn cứ quan trọng cho các thảo luận và đề xuất phát triển chuỗi giá trị rau của các hộ người Thái tại xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo và xã viên HTX Lường Ninh tham gia tập huấn về Quản lý và Phát triển HTX
leftcenterrightdel
 Lãnh đạo và xã viên HTX Lường Ninh tham gia tập huấn phát triển chuỗi giá trị rau an toàn
 

Bên cạnh đó, để bà con nông dân người Thái học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm từ các vùng sản xuất rau hàng hóa, chuyên nghiệp cũng như tìm hiểu hoạt động thị trường và cơ hội thị tiếp cận thị trường tiêu thụ rau, nhóm dự án đã tổ chức nhiều chuyến thăm quan mô hình sản xuất và tiêu thụ rau tại Đông Anh (Hà Nội) cũng như tại Sơn La, Điện Biên, và các siêu thị, chuỗi thực phẩm tại Hà Nội và khu vực Tây Bắc.

leftcenterrightdel
 Nông dân thăm quan mô hình sản xuất rau xã Vân Nội, huyện Đông Anh và siêu thị Aeon Mall tại thành phố Hà Nội
leftcenterrightdel
 Nông dân xã thăm quan mô hình sản xuất và kinh doanh rau tại Điện Biên và Sơn La
 

Trên cơ sở các hoạt động nâng cao năng lực tiếp cận và phát triển thị trường cho các hộ nông dân cũng như các nghiên cứu đánh giá, nhóm dự án đã tổ chức Hội thảo các tác nhân chuỗi giá trị rau xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia tư vấn, đại diện chuỗi thực phẩm Happy Mart, tác nhân thị trường rau cùng với đại diện cơ quan quản lý địa phương. Hội thảo đã trở thành diễn đàn để các chuyên gia, tác nhân chuỗi và cơ quan quản lý địa phương cùng người nông dân thảo luận, đánh giá để đưa ra các định hướng phát triển chuỗi giá trị rau trên địa bàn trong thời gian tới.

Kết thúc dự án, đại diện chính quyền địa phương, TT Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tuần Giáo và các hộ nông dân đánh giá cao đóng góp của các cựu sinh Úc tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đồng hành cùng địa phương và người dân trong xây dựng quy trình sản xuất và phát triển thị trường rau an toàn trên địa bàn. Các kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kết quả nghiên cứu từ dự án sẽ là động lực tốt để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị rau tại xã Quài Cang trong thời gian tới.

Nhóm cựu sinh Úc tại HV NNVN