Qua đó, ngoài các đầu tư cho đào tạo, phòng thí nghiệm… đạt chuẩn theo cơ chế đổi mới, Học viện rất quan tâm, chú trọng đến chế độ chính sách đối với sinh viên. Đặc biệt là sinh viên vùng nông thôn, vùng núi, sinh viên khuyết tật, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…
Thực hiện các chế độ chính sách theo quy định hiện hành
Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện đúng các thông tư, nghị định hướng dẫn của ngành, của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong học kỳ 2 năm học 2015 – 2016, Học viện đã xét duyệt hồ sơ miễn, giảm học phí cho 1.611 sinh viên thuộc các đối tượng sinh viên ngành sư phạm; sinh viên là con của thương bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh; sinh viên mồ côi, sinh viên khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Ngoài miễn giảm học phí, Học viện còn còn quan tâm đến các đối tượng thuộc thành phần được hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học. Trong học kỳ 2 năm học 2015 – 2016, Học viện đã xét cấp tiền hỗ trợ chi phí học tập cho 485 sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2016 với mức hỗ trợ 690.000đồng/tháng, mỗi học kỳ cấp 05 tháng. Tổng số tiền hỗ trợ là 3.450.000 đồng/01 sinh viên/kỳ. Đặc biệt, chính sách đối với người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cần nghèo đang học tập tại Học viện luôn được chú trọng và quan tâm hàng đầu. Trong năm học vừa qua Học viện đã cấp học bổng và hỗ trợ kinh phí mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập cho 14 sinh viên tàn tật, khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức học bổng 920.000 đồng/tháng/01 sinh viên. Mỗi học kỳ cấp 05 tháng. Hỗ trợ kinh phí mua sắm đồ dùng học tập là 1.000.000 đồng/sinh viên/năm.
Cũng trong kỳ 2 năm học này, Học viện đã xét cấp trợ cấp xã hội cho 887 sinh viên đại học, cao đẳng hệ chính quy với tổng số tiền 106.260.000 đồng. Đối tượng được cấp trợ cấp xã hội là sinh viên người dân tộc thiểu số có cha mẹ thường trú tại vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn với mức trợ cấp 140.000 đồng/tháng, hưởng 06 tháng/kỳ; Sinh viên là con mồ côi; sinh viên tàn tật, khuyết tật; sinh viên thuộc hộ nghèo năm 2016. Mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng, hưởng 06 tháng/kỳ.
Như vậy, ngoài học bổng khuyến khích học tập được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, Học viện luôn quan tâm đến các đối tượng sinh viên thuộc diện chính sách khác để các sinh viên này một phần ổn định đời sống, yên tâm học tập và nghiên cứu.
Có quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng cho sinh viên và thành lập học bổng VNUA
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Bí thư Đảng uỷ - Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan và Ban CTCT&CTSV, Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên Học viện phát động phong trào quyên góp tạo quỹ học bổng VNUA hỗ trợ sinh viên. Quỹ này được sử dụng hỗ trợ cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên vùng núi, dân tộc thiểu số, đặc biệt là sinh viên nông thôn có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập. Học viện luôn khen thưởng kịp thời sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, hoạt động văn hóa, thể thao, đạt giải các kỳ thi Olympic… cũng như trợ cấp đột xuất, thăm viếng sinh viên bị tai nạn rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo.
Hàng năm, Học viện huy động, kêu gọi nguồn tài trợ học bổng của các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có tinh thần vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện, tích cực, gương mẫu trong các hoạt động Đoàn thanh niên, Hội Sinh viên.
Năm học 2015 – 2016, Học viện đã tiếp nhận nguồn tài trợ học bổng từ 39 đơn vị, tổ chức tài trợ cho sinh viên của học viện. Đã có 273 sinh viên được nhận học bổng khuyến học với tổng số tiền 1.942.147.000 đồng.
Bí thư Đảng uỷ - Giám đốc Học viện Nguyễn Thị Lan cho biết: Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Học viện Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015-2017 cũng đặc biệt nhấn mạnh vào yêu cầu bảo đảm cho sinh viên nghèo, sinh viên nông thôn, đặc biệt là sinh viên thuộc đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận với các chương trình đào tạo của Học viện. Điều đó tạo điều kiện thúc đẩy sinh viên tiếp tục học tập, rèn luyện để những sinh viên này sau khi tốt nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế dựa vào tri thức của đất nước.