Trong khuôn khổ Chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Pibulsongkram Rajabhat và các khoa của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam, cùng một bạn sinh viên Khoa Thuỷ sản, em rất vinh dự khi được đại diện cho sinh viên Khoa Chăn nuôi tham gia vào Chương trình trao đổi sinh viên năm 2018.

Chương trình kéo dài trong 4 tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 6 năm 2018. Bốn tháng là thời gian không quá dài cũng không quá ngắn, nhưng đó là quãng thời gian đã giúp em trải nghiệm, học hỏi được rất nhiều, không chỉ kiến thức chuyên ngành mà còn nhiều kiến thức về cuộc sống, về một nền văn hóa khác. Chúng em trở về với đầy ắp những kỷ niệm khó quên.

Vẫn nhớ như in hình ảnh của ngày đầy tiên đặt chân đến đất nước Thái Lan xinh đẹp, khác hoàn toàn so với suy nghĩ trước đó của bản thân, Thái Lan hiện ra trước mắt em là một đất nước thật thanh bình nhưng hiện đại. Thật lạ lùng khi xe cộ đi lại tấp nập nhưng không có tiếng còi, sau này khi đã làm quen được với người dân Thái Lan mới biết rằng người dân Thái Lan rất tôn trọng luật lệ giao thông, không thích sự ồn ào của tiếng còi.

Trường Đại học Pibulsongkram Rajabhat cách Bangkok hơn 300km nên khi xuống sân bay Bangkok, chúng em đã được thầy cô giáo đón tiếp ân cần và tận tình. Đến trường, thầy cô đã hỗ trợ, hướng dẫn sinh hoạt một cách tỷ mỷ, chu đáo. Ngoài kinh phí, chỗ ăn ở, chúng em còn được trường cho mượn một chiếc xe đạp để có thể dễ dàng đi lại trong quá trình thực tập.

Những ngày đầu tiên đúng là những ngày khó khăn nhất. Nỗi nhớ gia đình, thầy cô, bạn bè luôn luôn canh cánh trong lòng, nhưng khi được gặp thầy cô giáo, các anh chị làm việc trong khoa và các bạn sinh viên, tất cả dường như tan biến mà thay vào đó là niềm vui và hạnh phúc bởi chúng em được sống và làm việc với những người thật sự rất tốt bụng.

Mọi người nơi đây luôn chào đón chúng em bằng nụ cười cùng câu chào quen thuộc của người Thái Lan ‘Sawasdee kha’. Chúng em còn được các thầy cô giáo đặt tên Thái Lan để dễ dàng trong giáo tiếp với người Thái.

Một vấn đề khó khăn nhất đó chính là bất đồng ngôn ngữ, chỉ các thầy cô giáo và một số bạn sinh viên mới có thể dùng tiếng Anh để giao tiếp còn tất cả mọi người dân Thái ở đây không phải ai cũng có thể nói tiếng Anh. Nhưng bên cạnh việc được sự chỉ dẫn của thầy cô, sự giúp đỡ của các anh chị làm trong trại, để giao tiếp với người dân trong vùng, chúng em đã tự học một số câu tiếng Thái cơ bản để ngày đầu tiên đi làm có thể tự giới thiệu bản thân. Đó cũng là một trải nghiệm tuyệt vời khi chúng em được học hỏi và giao tiếp bằng một thứ ngôn ngữ mới.

Trong thời gian thực tập, chúng em không chỉ học và làm thí nghiệm về chăn nuôi mà còn được tham gia nhiều hoạt động khác. Ngày đầu tiên đến trường, chúng em rất may mắn khi được tham gia vào lớp học dạy sinh viên về kỹ thuật trồng nấm, được tham gia học, thực hành và làm quen cùng với các bạn.

Tham gia buổi học về kỹ thuật trồng nấm

Làm quen và đi chơi cùng các bạn sinh viên

Cùng các bạn sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa 

Những ngày sau đó gắn liền với công tác chuẩn bị cho thí nghiệm sắp tới. Em được tham gia lắp đặt hệ thống chuồng nuôi gà, vệ sinh máng ăn, máng uống cho gà, vệ sinh khu vực quanh khu chăn nuôi và tiêu độc sát trùng chuồng trại cùng với anh chị trong trại và các bạn sinh viên.

Sinh viên tham gia bố trí chuồng trại, vệ sinh khu vực chăn nuôi chuẩn bị thí nghiệm

Bên cạnh công việc chính ở trại gà, em còn học hỏi được rất nhiều kiến thức như kiến thức về thủy sản, cách trồng nấm, chăm sóc nuôi dưỡng chó mèo, nuôi dế, nai, … 

Cùng các anh chị công nhân làm việc hàng ngày ở trang trại

Sau khi chuẩn bị xong tất cả mọi thứ, em bắt đầu tiến hành thí nghiệm của mình. Những chú gà được chào đón bằng một môi trường được chuẩn bị tốt nhất tại trại gà của Khoa.   

Nhập gà về trại và bắt đầu thí nghiệm

Một số hình ảnh sinh viên làm đề tài tốt nghiệp

Đặc biệt, ngày 13 đến ngày 15 tháng 04, chúng em được tham gia lễ hội Songkran - Tết của người Thái Lan, lễ hội té nước. Những ngày này, người dân đổ ra đường mang theo thùng nước lớn và dội nước vào nhau cùng với lời chúc mừng năm mới ‘Sawasdee Pee Mai!’, và tất nhiên là mỗi lần bạn ra đường có thể bạn sẽ không thể về nhà trước khi người bạn ướt sũng trừ khi bạn mặc áo mưa hoặc ngồi yên trong xe ô tô. Theo quan niệm của người dân, lễ hội này mang ý nghĩa rửa sạch tất cả những điềm xấu và chào đón một năm mới tốt lành. Ở trường học, lễ hội cũng cũng được tổ chức, và là dịp ý nghĩa để sinh viên tỏ lòng biết ơn với các thầy cô giáo của mình.

Lễ hội Songkran tại trường và quanh khu vực

Bên cạnh công việc dạy học, thầy cô giáo ở đây cũng thường xuyên tổ chức các buổi trưng bày sản phầm nông nghiệp, tọa đàm với nông dân chuyển giao khoa học kĩ thuật thực tiễn về lĩnh vực chăn nuôi.

   

Cùng thầy cô tham gia các buổi trưng bày sản phẩm và tọa đàm với nông dân

Cùng thầy cô, sinh viên, công nhân tổ chức lễ cầu siêu cho động vật

Vào những ngày nghỉ cuối tuần, chúng em được các anh chị công nhân và thầy cô đưa đi chơi, tham các hoạt động ngoại khóa để hiểu hơn về nên văn hóa, con người nơi đây, thưởng thức nét đẹp về ẩm thực của đất nước Thái Lan.

Một số hình ảnh về món ăn mà sinh viên được thưởng thức tại Thái Lan

Sinh viên được đi tham quan, tìm hiểu nền văn hóa của đất nước Thái Lan   

Sinh viên được thầy cô giáo trong Khoa tổ chức buổi lễ trao giấy chứng nhận thực tập -

đồng thời, sinh viên cũng gửi tặng thầy cô những món quà kỉ niệm ý nghĩa 

Kết thúc chuyến thực tập tốt đẹp cùng nhiều kỉ niệm, chúng em chân thành cảm ơn quý thầy cô Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo cho chúng em cơ hội được học hỏi một nên văn hóa mới, đặc biệt gửi lời cảm ơn tới thầy Hướng dẫn PGS.TS. Phạm Kim Đăng và thầy TS. Nguyễn Ngọc Tuấn – hai thầy đã nhiệt tình hướng dẫn và hỗ trợ chúng em trong quá trình thực tập. Chúng em cũng vô cùng biết ơn các thầy cô giáo, các anh chị công nhân cũng như các bạn sinh viên trường Đại học Phibulsongkran đã tận tình giúp đỡ, chỉ bảo để chúng em có được khoảng thời gian thực tập bổ ích, đầy ý nghĩa.

Em hy vọng chương trình sẽ ngày càng mở rộng hơn nữa để các bạn sinh viên Học viện có nhiều cơ hội được thử sức mình, được tham gia vào những chuyến trao đổi sinh viên để mở rộng kiến thức và học hỏi được nhiều nền văn hóa mới.