Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đúng dịp cán bộ, viên chức, người học Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng toàn Đảng, toàn dân một lòng hướng tới đại hội Đảng các cấp diễn ra trong năm 2020, trong đó có Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Nông nghiệp Việt Nam lần thứ XXX dự kiến được tổ chức vào tháng 6 tới đây. Nhân dịp này, chúng tôi giới thiệu bài trích trích từ tham luận của tác giả Lê Văn Hùng, Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tại Hội thảo khoa học: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp, nông thôn, nông dân”.
Thực tế đã và đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có những phát biểu, bài viết, công trình nghiên cứu khoa học khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa nhận, tinh thần của C. Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào C. Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công tác xây dựng Đảng |
Nội dung công tác xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam được chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến rất toàn diện, sâu sắc, nếu được toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là cán bộ, đảng viên nghiên cứu và học tập sẽ góp phần quan trọng để toàn Đảng trở thành một khối thống nhất về lý luận và tư tưởng, làm cơ sở cho sự thống nhất trong hành động, đủ sức lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên trong phạm vi của bài viết, tác giả chỉ tập trung đề cập đến nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận thì Đảng phải lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mình. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn luận điểm nổi tiếng của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong” [3; tr. 259]. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi” [4; tr. 233 - 234]. Như vậy, bên cạnh việc khẳng định cách mạng Việt Nam “trước hết phải có Đảng cách mệnh” [3; tr. 267], Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của lý luận tiền phong, nó có nhiệm vụ dẫn đường cho mọi hoạt động của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát hiện được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình” [6; tr. 231]. Trong các bài giảng huấn luyện cho cán bộ cách mạng từ năm 1925 đến năm 1927 (sau được in thành tác phẩm “Đường cách mệnh”), Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam” [3; tr. 268]. Tuy nhiên, Người nhấn mạnh: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [3; tr. 268].
Có chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, dẫn đường, Đảng ta đã lãnh đạo toàn thể dân tộc giành độc lập cho dân tộc và đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bài Chủ nghĩa Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức (năm 1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lênin đã để lại cho chúng tôi một kho tàng quý báu vô ngần: học thuyết của Người về cơ sở tư tưởng, về những nguyên tắc tổ chức, về lý luận và sách lược của đảng cách mạng. Chủ nghĩa Lênin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi” [5; tr. 517].
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải gắn lý luận với thực tiễn. Khi tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, Người lưu ý, phải có phương pháp học tập đúng đắn, học phải đi đôi với hành, nếu không, chưa khắc phục được bệnh kinh nghiệm thì đã mắc phải bệnh giáo điều, bệnh sách vở. Người chỉ rõ, “lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế” [6; tr. 496]. Người luôn phê phán kiểu học thuộc lòng chủ nghĩa Mác - Lênin, và yêu cầu “Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam. Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam… không phải chỉ học thuộc lòng vài bộ sách của Mác - Lênin mà làm được như vậy. Đảng phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao, phải hiểu rõ lịch sử xã hội, phải quyết tâm phấn đấu cho giai cấp và nhân dân, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng, phải gom góp tư tưởng, kinh nghiệm, sáng kiến và ý chí của quần chúng, sắp xếp nó thành hệ thống, rồi lại áp dụng vào trong quần chúng” [5; tr. 231]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn cán bộ, đảng viên “học tập lý luận thì nhằm mục đích để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc để tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng” [6; tr. 498].
Như vậy, Hồ Chí Minh nghiên cứu, tiếp thu, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải theo lối giáo điều, kinh viện, mà có sự phát triển, làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử mới. Người không bao giờ coi chủ nghĩa Mác - Lênin là “cái gì đã xong xuôi hẳn”, là đơn thuốc vạn năng, mà như Người đã khẳng định: “Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được. Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại” [2; tr. 465]. Trong bài “V.I. Lênin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” viết cho báo Sự thật Liên Xô, Hồ Chí Minh khẳng định “thắng lợi của cách mạng Việt Nam là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước trước đây là thuộc địa. Những thành công của cách mạng Việt Nam cũng góp phần ít nhiều vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin” [7; tr. 550].
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, với đường lối đúng đắn, dựa trên chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với điều kiện của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết các giai tầng tạo nên lực lượng cách mạng to lớn đấu tranh đánh đổ phát xít, thực dân, phong kiến giành độc lập cho dân tộc. Trong quá trình tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã không ngừng nghiên cứu tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, hoàn thiện đường lối đổi mới đất nước, giành được những thắng lợi to lớn và mang ý nghĩa lịch sử.
Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch tập trung vào mặt trận tư tưởng, lý luận, hòng làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Việc kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện quyết định bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Thắng lợi của cách mạng cũng như sự trưởng thành, lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 80 năm qua là kết quả tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, đó là nhờ Đảng ta đã được vũ trang bằng lý luận cách mạng và khoa học nhất của thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn mới, việc tiếp tục kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể của Việt Nam vẫn là một tất yếu khách quan, là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập Đảng năm 1930 đến Đại hội VI năm 1986 đều khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta có sự phát triển, bổ sung mới: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”. Điều đó cho thấy, sự nhận thức đúng đắn, sâu sắc về mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội XI của Đảng năm 2011 đã tổng kết thực tiễn 25 năm đổi mới và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học: “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” [1; tr. 180]. Như vậy, Đảng ta xác định rất rõ ràng: công cuộc đổi mới đất nước hiện nay phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh… Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Lịch sử đã chứng minh, nếu mơ hồ, dao động về hệ tư tưởng thì sẽ lúng túng trong hoạch định chủ trương, đường lối, rối loạn trong tổ chức và tất yếu dẫn đến thất bại trong hành động. Vì vậy, kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có tính nguyên tắc đối với Đảng ta, là nhiệm vụ quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng, lý luận. Những quan điểm cố tình tách rời hoặc cô lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin là hoàn toàn trái với quan điểm, đường lối của Đảng ta. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA BÀI THAM LUẬN
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 1.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 2.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 5.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 7.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 8.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 10.
Ban CTCT&CTSV thực hiện lược trích